Phong vị Tết Việt

- Khi làn mưa xuân lất phất bay, khẽ choàng lên vạn vật tấm khăn voan mờ ảo, ấy là thời khắc Tết đã cận kề. Ký ức ngọt ngào của mùa Tết xưa cứ vương vấn trong tâm trí tôi khi đang sống trong những ngày Tết của hiện tại. Tết xưa - Tết nay luôn cùng nhau song hành, đan xen với bao điều thú vị.

Tết xưa và Tết nay, mỗi cái Tết đều có những nét đẹp riêng.

Theo lịch trăng, gắn liền với nền văn minh lúa nước có chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dằng dặc đầy bão giông, máu lửa, cái Tết khởi niên bắt đầu từ buổi sáng thứ nhất của 12 tháng. Riêng tên gọi Tết Nguyên đán cũng đã bao hàm ý nghĩa sự bắt đầu (Nguyên), buổi sớm (Đán).

Sách Tùy thư địa lý chí viết về lễ tết, các phong tục tập quán của người Việt vào giữa thế kỷ 1 sau Công nguyên có đoạn: Năm nào đến ba ngày Nguyên đán, người ta cũng dọn cỗ bàn linh đình cúng tổ tiên, trai gái ăn chay, và dùng hương hoa niệm Phật, rồi rủ nhau chơi đu ném còn, hát múa, kéo co, bên nào được cuộc thì uống rượu, bên nào thua cuộc thì phải chịu uống nước lã… 

Theo dòng thời gian, Tết Nguyên đán ít nhiều có những biến đổi cho phù hợp với trình độ phát triển xã hội, hoàn cảnh đất nước, lối sống con người nhưng ý nghĩa cốt lõi hầu như vẫn được lưu giữ. Đó là mừng năm mới với những hy vọng tốt lành, may mắn sẽ đến với mọi nhà, mọi người. Đó là giữ đạo lý Uống nước nhớ nguồn thông qua tục thờ cúng thần linh, tổ tiên, người thân đã mất trong dịp Tết. Từng lời nói, hành vi trong những ngày đầu năm đều hướng tới sự sạch sẽ, tinh tươm, tốt đẹp. Sự khởi đầu vui tươi lành mạnh trong mấy ngày Tết tạo cảm hứng, niềm tin về một năm may mắn, hanh thông cho nhiều người.

Nói đến Tết xưa người ta không thể không nhắc tới hai câu thơ:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Phong vị Tết Việt đã hiện rõ trong đó. Từ món dùng để thờ cúng, ăn uống trong dịp đầu xuân (bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành) đến những thứ thuộc về văn hóa (câu đối), tâm linh (cây nêu trừ quỷ), vui chơi (tràng pháo) đều có đủ. Bánh chưng, bánh dày cũng được cổ tích hóa, vừa mang những quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa: Trời tròn đất vuông, vừa phản ánh tâm thức của dân tộc về đạo lý sống: Phải biết yêu thương và tri ân.

Xưa, dù cái ăn, cái mặc còn nhiều thiếu thốn nhưng có vẻ người ta luôn chăm chút cho Tết. Cỗ bàn dâng cúng trời đất, thần linh, tiên tổ đều phải được chuẩn bị nghiêm ngắn, sạch sẽ; nghi thức lễ lạt cũng không thể đại khái, “đâu phải ra đấy”, có như vậy thì thần linh, ông bà mới hài lòng khi được con cháu mời về ăn Tết.

Câu đối và tranh dân gian là nét đẹp không thể thiếu trong Tết Việt xưa. Năm hết Tết đến, trong mỗi ngôi nhà thường có các câu đối đỏ và những bức tranh dân gian nhiều màu sắc rực rỡ. Các câu đối hướng tới những điều tốt lành như:

Tân niên hạnh phúc bình an tiến

Xuân nhật vinh hoa phú quý lai

(Năm mới, hạnh phúc bình an đến

Ngày xuân, vinh hoa phú quý về)…

Có lẽ, phiên chợ Tết là nơi đông vui, nhộn nhịp nhất của những ngày cuối năm. Người bán kẻ mua xôn xao, nhộn nhịp. Cái sự chen chúc, đa thanh, đa sắc mới đáng nhớ làm sao. Những chao chát ồn ã thường ngày của chợ búa chừng như cũng giảm xuống và thay vào đó là những mời mọc chân chất ấm áp hơn.

Tết xưa, trẻ con háo hức chờ đợi những ngày Tết để được mặc quần áo mới, được nhận lì xì. Cái Tết của những trò chơi dân gian đơn sơ như bịt mắt bắt dê, đánh đu, kéo co. Cái Tết của những câu chuyện cổ tích được bà kể bên bếp lửa hồng. Mọi thứ thật đơn giản, nhưng lại chứa đựng biết bao niềm vui.

Còn bao nhiêu điều muốn nói nữa về Tết xưa như tục mừng tuổi, chúc Tết, hái lộc, các trò chơi như đánh đu, kéo co, đánh cờ người… Cái Tết xưa còn là Tết của tình làng nghĩa xóm. Người ta cùng nhau gói bánh chưng, cùng nhau đi chợ Tết. Mọi người đều biết và quan tâm đến nhau. Tết là dịp để con cháu sum họp, cùng nhau quây quần bên mâm cơm gia đình, cùng nhau kể chuyện, cùng nhau chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong năm qua.

Tết nay, cuộc sống đã thay đổi nhiều. Con người ta bận rộn hơn, cuộc sống hiện đại hơn. Tết cũng vì thế mà trở nên khác đi. Những trò chơi dân gian dần bị mai một, nhường chỗ cho các trò chơi điện tử, những buổi liên hoan tưng bừng.

Nhịp điệu cuộc sống thời nay gấp gáp, dồn dập khác xa với sự dềnh dàng, chậm rãi của những tháng năm xưa cũ. Người ta không tất bật sắm Tết như thời trước. Chợ truyền thống cùng với hệ thống siêu thị ăm ắp các mặt hàng giúp các bà, các cô nội trợ sắm Tết dễ dàng. Chỉ cần có tiền, một buổi đi chợ hay siêu thị cũng đủ cho các bà, các cô mang được những thứ mình cần về nhà.

Trong nhịp sống hiện đại, nhiều người trẻ đã quên đi những giá trị truyền thống. Tết trở thành dịp để mọi người đua nhau khoe mẽ, so sánh. Tình cảm gia đình có phần nhạt nhòa. Tết nay, người ta chú trọng hơn đến việc đi du lịch, khám phá những vùng đất mới.

Tết xưa mang đến cho chúng ta cảm giác ấm áp, bình dị. Tết nay mang đến cho chúng ta sự năng động, hiện đại. Dù thời gian có trôi qua, Tết vẫn luôn là dịp để mọi người sum họp, đoàn viên. Tết là dịp để chúng ta nhìn lại một năm đã qua và hướng tới một năm mới với những hy vọng và ước mơ mới.

Tết xưa và Tết nay, mỗi cái Tết đều có những nét đẹp riêng. Quan trọng là chúng ta biết trân trọng những giá trị truyền thống, đồng thời cũng biết đón nhận những đổi thay của thời đại. Hãy cùng nhau giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, để Tết luôn là một mùa xuân ấm áp, ý nghĩa.

Hoàng Bách

Tin cùng chuyên mục