“Chợ” thuốc chữa bệnh online
Trong thế giới “phẳng” hiện nay với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, người dân dễ dàng tìm mua bất kỳ mặt hàng nào ở trên mạng. Nhiều hội, nhóm chợ thuốc công khai rao mua, bán các loại thuốc trên các trang mạng xã hội và sàn giao dịch điện tử, trong đó có không ít thuốc điều trị phải kê đơn từ bác sĩ, gây nguy hiểm tới tính mạng người sử dụng.
Các loại thuốc phải kê đơn được bày bán công khai phổ biến trên mạng mà không cần đơn của bác sĩ như kháng sinh (nhất là kháng sinh đắt tiền như Klacid, Augmentin…), cảm cúm (Tamiflu)…
Các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường được rao bán tràn lan trên mạng.
Các từ khóa: “Mua thuốc online”; “Quầy thuốc online, uy tín tiện lợi”; “Mua thuốc online chính hãng, hàng nội địa, xách tay”, “Google kê đơn thuốc”... thu hút đông đảo người tiêu dùng quan tâm. Đặc biệt, những thuốc được quảng cáo là hỗ trợ điều trị ung thư, thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân... cũng được đăng bán tràn lan trên mạng như Fucoidan Nhật Bản, Ribeto Fukujyusen, Nọc bọ cạp xanh Cuba, Bios Life Slim, các loại vitamin bổ sung cho trẻ... được nhiều người quan tâm, “chốt đơn” mà không hỏi về giấy tờ, nguồn gốc, xuất xứ.
Trong vai người muốn mua thuốc kháng sinh, chị Lưu Thị Tr, xã Năng Khả (Na Hang) liên hệ với tài khoản T.K trong nhóm “Chợ thuốc tây” thì được báo giá sản phẩm 50.000 đồng/hộp, nếu mua từ 2 hộp trở lên sẽ được giảm giá và tư vấn thêm một sản phẩm có hàm lượng tương đương nhưng giá lại “mềm” hơn rất nhiều so với giá bán cùng loại tại các nhà thuốc. Khi được hỏi thuốc kháng sinh trên không có đơn bác sĩ kê (theo quy định) thì có thể mua được không, người này khẳng định mua dùng bình thường, chỉ cần báo số lượng, địa chỉ hàng sẽ đến tận nơi.
Rủi ro từ quầy thuốc online
Hiện nay, nhiều trang Fanpage có giới thiệu và chào bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc, trong đó có cả các thuốc không kê đơn như thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị, thậm chí cả thuốc điều trị ung thư. Chưa bao giờ một loại hàng hóa có điều kiện kinh doanh khắt khe lại mua bán dễ dàng đến vậy.
Hàng loạt trang Facebook mạo danh Bệnh viện 103 với mục đích bán thực phẩm chức năng.
Vốn bị bệnh tiểu đường lâu năm, ông Hoàng Văn H, xã Yên Thuận (Hàm Yên) đã nghe theo quảng cáo trên mạng về một “loại thuốc gia truyền ba đời, chỉ uống một liệu trình sẽ khỏi”: “Người ta vẫn nói có bệnh thì vái tứ phương, tôi cũng không ngoại lệ sau khi nghe quảng cáo về liệu trình, được “bác sĩ” gọi điện tư vấn nhiệt tình, bắt bệnh đâu chuẩn đấy nên tin tưởng “xuống tiền” mua luôn một liệu trình với 5 hộp thuốc trị giá gần 3 triệu đồng để điều trị bệnh tiểu đường. Sau khi nhận được thuốc, tôi nhận thấy bao bì trông khác so với hình ảnh cơ sở quảng cáo trên mạng. Khi sử dụng, tôi thấy không có tác dụng như những lời “bác sĩ” quảng cáo, ngược lại còn cảm thấy có cảm giác lâm râm đau dạ dày. Liên hệ với cơ sở tôi đã đặt mua thì, điện thoại cũng ngoài vùng phủ sóng”.
Do bị mất ngủ thường xuyên lại thêm vốn bị bệnh xương khớp, ông Đặng Văn Đ. (TP Tuyên Quang) thường xuyên phải đi khám và điều trị. Cách đây không lâu, sau xem các quảng cáo trên MXH về một “loại thuốc gia truyền ba đời, chỉ uống một liệu trình sẽ khỏi”, ông Đ. đã đặt câu hỏi dưới phần bình luận. Ngay sau đó, một người tự xưng dược sĩ xin số điện thoại, gọi điện tư vấn cho ông Đ. về liệu trình điều trị. Sau 20 phút được tư vấn, ông Đ. có cảm giác như được “bác sĩ” bắt trúng bệnh nên tin tưởng mua nửa liệu trình với 15 hộp thuốc trị giá 7.350.000 đồng để điều trị giảm đau nhức xương khớp, ngủ ngon. Tuy nhiên, chưa uống hết 2 lọ ông Đ. đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, vàng da, men gan cao.
Thời gian vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc, thậm chí khó thở, hôn mê bất tỉnh do uống nước ion kiềm được quảng bá có khả năng chữa bách bệnh. Trong khi đó, việc quảng cáo nước ion kiềm như một loại “nước thần” có thể chữa bách bệnh xuất hiện khá nhiều trên các trang mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa “nước ion kiềm” trên công cụ tìm kiếm, hàng loạt các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, website có bài viết quảng cáo về công dụng “thần kỳ” của loại nước này.
Trên mạng xã hội Facebook, nhiều tài khoản quảng cáo nước ion kiềm cung cấp cho cơ thể khoáng chất, thanh lọc từ bên trong để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật, giúp cải thiện hệ tiêu hóa, làm đẹp da... Thậm chí, nước ion kiềm còn có công dụng giúp giải rượu. “Nước ion kiềm giàu hydrogen với các cụm phân tử nước siêu nhỏ, dễ dàng thẩm thấu nhanh vào từng tế bào cấp nước bù khoáng, trả lại cho bạn một cơ thể tỉnh táo như chưa hề có kèo nhậu say nào”, tài khoản này giới thiệu.
Trước thực trạng này, các bác sĩ bày tỏ lo ngại khi nhiều người vẫn tin vào những cách trị bệnh “truyền miệng”. Trong khi thực tế là chưa có bằng chứng khoa học tin cậy chứng minh những công dụng của nước ion kiềm như quảng cáo.
Tiếp tục gõ tìm kiếm cụm từ “Năng lượng gốc” hay “Năng lượng gốc trống đồng”… thì đã cho ra hàng trăm kết quả. Phải khẳng định rằng “Năng lượng gốc trống đồng” chưa hề được cơ quan quản lý hay viện nghiên cứu khoa học nào thừa nhận tại Việt Nam. Từ đó, dẫn đến một số trường hợp bị mê hoặc đã không đến các cơ sở y tế khi bị bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Với chiêu bài chữa bách bệnh, từ bệnh ung thư, trầm cảm, bệnh dạ dày, xương khớp, tiểu đường, cho đến vô sinh, hiếm muộn… Rõ ràng, điều này là phản khoa học, thế nhưng, trong một thời gian ngắn, rất nhiều người vẫn nhẹ dạ, cả tin.
Bác sĩ chuyên khoa II Đào Ngọc Việt, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ và khuyến cáo người dân, nên mua thuốc tại các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không mua thuốc “xách tay”, các thuốc được bán trên mạng được quảng cáo sản xuất tại các quốc gia phát triển, vì các loại thuốc này chưa được các cơ quan quản lý kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng.
“Người dân phải hiểu được rằng: bác sĩ cần nắm được thông tin cũng như các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng mới có hướng điều trị. Hướng điều trị phải thể hiện bằng đơn thuốc. Và đơn thuốc đó thể hiện chất xám của bác sĩ cũng như trách nhiệm của bác sĩ đối với từng loại thuốc để điều trị bệnh cho bệnh nhân”.
Cần có chế tài đủ mạnh để răn đe
Thực tế, hình thức kinh doanh thuốc online đã “nở rộ” và diễn biến phức tạp vài năm gần đây, không ít cá nhân công khai chào bán các loại thuốc, thông qua các phiên livestream công khai, có những loại thuốc theo quy định phải có bác sĩ kê đơn, nhưng bất chấp, người bán vẫn “vô tư” tư vấn và chốt đơn.
Đáng nói, thuốc bán Online không chỉ là các loại thuốc thông thường, mà có cả những loại “thần dược” được quảng cáo là chữa được cả... ung thư. Không ít trường hợp, vì “có bệnh thì vái tứ phương”, mà tiền mất tật mang.
Trang Facebook của tổ chức “Năng lượng gốc trống đồng Việt Nam”.
Việc kinh doanh các sản phẩm thuộc về sức khỏe con người như: kinh doanh thuốc trên môi trường mạng phức tạp đến mức độ nào, thật giả lẫn lộn. Điểm chung của các đơn vị kinh doanh này là dùng những lời “có cánh” để “câu” khách hàng. Thế nhưng, rất khó biết chính xác ai là người bán và việc quảng cáo đó có được cấp phép hay không? Hay chỉ là chiêu trò lừa đảo, vi phạm pháp luật nhằm trục lợi cho cá nhân hay một nhóm người nào đó.
Luật Dược năm 2016 đã quy định thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: Nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã, phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan y tế thẩm định, kiểm tra, phải đạt thực hành tốt tiêu chuẩn bán lẻ thuốc (GPP). Trong đó, mỗi nhà thuốc bắt buộc phải có dược sĩ phụ trách chuyên môn có chứng chỉ hành nghề dược, có nhân viên bán thuốc, có cơ sở vật chất, trang thiết bị và quy trình để bảo đảm các hoạt động chuyên môn...
Mới đây tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV các đại biểu đã có nhiều ý kiến về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng: bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 17 và 18 Điều 6 (sửa đổi); quy định loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, các phương tiện điện tử cụ thể được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử tại khoản 1a Điều 42 (sửa đổi); quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử tại khoản 4 Điều 42 (sửa đổi), bao gồm cả trách nhiệm tổ chức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc và tổ chức thực hiện giao thuốc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo đại diện cơ quan quản lý thị trường, bằng các phương pháp thông thường, không dễ dàng để phát hiện thuốc thật, giả một cách chính xác. Chỉ có kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật - giả. Tuy nhiên, vấn đề này cần một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả trên thị trường.
Để tránh tình trạng “tiền mất tật mang” ngành Y tế khuyến cáo người dân không nên tìm mua các loại thuốc trên mạng. Khi có những bất ổn về tình trạng sức khỏe nên đến các cơ sở khám chữa bệnh để được thăm, khám và có cách điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.
Gửi phản hồi
In bài viết