Biến di sản di sản thành tài sản

- Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: “Di sản vật thể và phi vật thể là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta”.

Tuyên Quang, mảnh đất của những di tích lịch sử, lễ hội và phong tục độc đáo, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể qua nhiều năm đã được hun đúc, tạo thành tài sản vô giá. 

Cầu nối văn hóa, lịch sử

Năm 2024, Lễ hội giã cốm của người Tày - Tuyên Quang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận cùng 14 di sản văn hóa. Với cộng đồng người Tày, sau tập quán trồng lúa nước, cọn nước được công nhận, thì Lễ hội giã cốm được công nhận là sự ghi nhận những giá trị to lớn gắn liền với truyền thống canh tác lúa nước đã tồn tại bao đời trong cộng đồng người Tày.

Trình diễn Nghi lễ Cấp sắc tại Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên. 
 Ảnh:  Thanh Phúc

Trong số các di sản văn hóa vật thể đã được công nhận, văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (Chiêm Hóa) đã thực sự trở thành tài liệu nghiên cứu quý giá của không chỉ những người yêu thích lịch sử của Tuyên Quang, mà còn của nhiều học giả trong nước.

Ông Lý Mạnh Thắng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ: Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là hiện vật gốc độc bản từ thời Lý, có niên đại từ năm 1007. Những sự kiện được ghi lại trên bia đá liên quan tới nhân vật lịch sử Thái phó Hà Hưng Tông là người có công trong việc dựng bia và có tên trong sử sách. Bia đá cũng là nguồn tư liệu quý giá đối với việc nghiên cứu các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội... của mảnh đất Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung dưới chế độ phong kiến tập quyền. Văn bia có giá trị cả về mặt tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị nghệ thuật. Các di tích của đời Lý, một triều đại quân chủ hưng thịnh vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam còn lại trên cả nước không nhiều và hầu hết tập trung ở miền đồng bằng. Trong bối cảnh đó, có thể nói bia đá Bảo Ninh Sùng Phúc là một trong những tấm bia đầu tiên của triều Lý được tìm thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo ông Lý Mạnh Thắng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh: Hầu hết các di sản của tỉnh đều do Bảo tàng nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê và lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, bảo quản 30.915 tài liệu, tư liệu, hiện vật, trong đó có 9.155 tài liệu, 21.760 hiện vật. Trong số này, nhiều hiện vật là các di sản vật thể và phi vật thể.

Không chạy theo số lượng

Câu chuyện bảo tồn, gìn giữ và phát triển các di sản văn hóa lâu nay nếu không được thực hiện đúng, kịp, sát sao, sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Từ chuyện xâm hại các di sản văn hóa vật thể đến nỗi lo thất truyền, mai một các di sản văn hóa phi vật thể.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hoa, Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh) cho rằng: Tuyên Quang được đánh giá là một trong số các địa phương bảo vệ các di sản văn hóa vật thể tương đối tốt. Các di sản được kiểm kê và được chính quyền, Nhân dân chung tay bảo vệ nghiêm ngặt. Trên địa bàn tỉnh gần như không có tình trạng xâm phạm, xuống cấp hay không được trùng tu, tôn tạo... Các di sản văn hóa phi vật thể cũng có những chính sách bảo tồn, trao truyền kịp thời, tuyệt đối không để việc đăng ký và công nhận “để đấy”.

Công tác truyền dạy lưu giữ hát Then đàn Tính - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được thực hiện hiệu quả. (Trong ảnh: Các thiếu nhi CLB Hà Lâm, Lâm Bình trình diễn hát Then đàn Tính).

Việc lập hồ sơ và được công nhận kịp thời các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh là rất cần thiết, khi hầu hết các di sản khi được kiểm kê, sưu tầm... đều đã ở nguy cơ mai một. Nếu không có giải pháp kịp thời sẽ rất khó khôi phục.

Riêng trong giai đoạn 2020 - 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập 9 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó có  8 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.  Đến nay toàn tỉnh có 425 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”.

Thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số; nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị 4 di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một là Lễ nhảy lửa của người Dao Đỏ, xã Trung Hà (Chiêm Hóa), Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu (Sơn Dương), nghề in thêu sáp ong và may trang phục truyền thống của người Mông, xã Xuân Lập (Lâm Bình) và hát Quan làng của dân tộc Tày, xã Thanh Tương (Na Hang).

3 lễ hội truyền thống là Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày, xã Trung Hà (Chiêm Hóa), Lễ hội Gầu tào của người Mông, xã Yên Lâm (Hàm Yên), Lễ hội giã cốm của dân tộc Tày, xã Thanh Tương (Na Hang) cũng được ngành văn hóa bảo tồn, phục dựng và nhận được sự ủng hộ tích cực từ Nhân dân.

Cùng với bảo tồn các di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện bảo tồn 2 làng, bản truyền thống các đồng bào dân tộc thiểu số là Làng Văn hóa truyền thống dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) và Làng Văn hóa truyền thống dân tộc Tày, thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang). Đồng thời hoàn thành xây dựng 6 nội dung phim, sách tư liệu về đồng bào dân tộc Tày ở  Chiêm Hóa; dân tộc Dao ở  Na Hang; dân tộc Pà Thẻn ở Lâm Bình, dân tộc Nùng ở Yên Sơn, dân tộc Cao Lan ở Sơn Dương, dân tộc Mông ở Hàm Yên.

Các lễ hội được tổ chức, bảo tồn và phục dựng đáp ứng nhu cầu tinh thần của bà con Nhân dân. Các nghệ sĩ, nghệ nhân và các loại hình sân khấu nghệ thuật có nguy cơ thất truyền được Nhà nước chăm lo bảo tồn và duy trì sức sống mới… Toàn tỉnh hiện có 2 nghệ nhân nhân dân và 11 nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cùng hàng trăm nghệ nhân không chuyên khác.

Đến câu chuyện biến di sản thành tài sản

Tuyên Quang được đánh giá là một trong những địa phương làm rất tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. Đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể.

Năm 2019, hát Then chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh cũng rất thức thời trong việc xây dựng thêm sản phẩm đi mảng và nghe hát Then đàn Tính trên hồ Nà Nưa dành cho khách đến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Khi được khai thác, số lượng khách “tích” thêm sản phẩm này vào hành trình của mình tăng đột biến. Tân Trào từ chỗ phải “nhập khẩu” Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính từ xã lân cận Trung Yên, đã thành lập được 1 Câu lạc bộ tại thôn Tân Lập.

Hạt nhân văn nghệ dân gian là những người lưu giữ, bảo tồn các di sản văn hóa hiệu quả. (Trong ảnh: Phụ nữ Dao Đỏ Nà Chác, xã Năng Khả (Na Hang) trong điệu múa chuông).

Theo Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh, hiện đơn vị đang khuyến khích địa phương có thể chủ động đưa hoạt động xem biểu diễn hát Then - đàn Tính vào các tour du lịch để du khách lựa chọn. Bên cạnh đó, có thể liên kết với các đơn vị lữ hành để mở rộng các tour trải nghiệm học hát Then, thực hành chơi nhạc cụ đàn Tính cho du khách. Hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho người dân bản địa, mà còn để giúp du khách có thêm những trải nghiệm phong phú, toàn diện về nét đẹp văn hóa truyền thống nơi đây.

Việc khôi phục các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch cũng được Chiêm Hóa, Lâm Bình… áp dụng công thức để vừa sống lại di sản, vừa giúp người dân có thêm thu nhập.

Dài hơi và bài bản hơn, nhiều năm nay, Tuyên Quang đăng cai và tham gia Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc, Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, Ngày hội Văn hóa dân tộc H’Mông, Dao, Sán Chay toàn quốc, Liên hoan hát Then, đàn Tính toàn quốc... Xây dựng và tổ chức thường niên Lễ hội Thành Tuyên tiến tới mang thương hiệu quốc tế gắn với Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhằm thu hút khách du lịch, quảng bá truyền thống văn hóa các dân tộc.

Từ năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận hành Hệ thống phần mềm quản lý di sản văn hóa tỉnh Tuyên Quang. Đến nay, đã có 439 di tích và danh thắng, 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên tổng số 425 di sản văn hóa phi vật thể đã kiểm kê được số hóa.  Việc đưa Hệ thống phần mềm quản lý di sản văn hóa vào sử dụng đảm bảo khả năng lưu trữ, quản lý toàn bộ dữ liệu di sản văn hóa một cách logic, khoa học và dễ dàng sử dụng, mang lại tiện ích, tạo thuận lợi cho người sử dụng khi tìm kiếm thông tin. Đây là nguồn cơ sở dữ liệu chính thống, đầy đủ phục vụ nhu cầu khai thác thông tin cho các đơn vị, cá nhân, các nhà nghiên cứu...

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Di sản (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu và đã được Ủy ban văn hóa xã hội giải trình tiếp thu, trong đó chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính đặc thù của từng loại hình di sản văn hóa.  Cùng với đó, chỉnh lý, hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…  

Có thể khẳng định rằng, tiềm năng của các di sản văn hóa là rất lớn. Để đánh thức và tận dụng được hết những tiềm năng ấy đặc biệt trong lĩnh vực du lịch lại không phải là chuyện dễ. Nó không chỉ phụ thuộc vào nguồn lực là kinh phí mà vấn đề căn bản có lẽ vẫn là nằm ở nhận thức, tư duy sáng tạo.

Nguyễn Đạt­

Tin cùng chuyên mục