Sống xanh

- Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, thì tận dụng nguồn năng lượng xanh từ chính thiên nhiên cũng đang được nhiều gia đình áp dụng.

Nằm giữa vườn cây ăn quả, ngôi nhà sàn của gia đình ông Khổng Xuân Thanh, thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) vừa được cải tạo lại cách đây không lâu tạo cảm giác mát lành và tinh khiết cho khách vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Không chọn lợp mái bằng tôn hay phi-pro xi măng, ông Thanh chọn lợp hoàn toàn bằng lá cọ. Chia sẻ về lý do này, ông cho biết, đây là nguyên liệu truyền thống của người Cao Lan từ xưa đến nay, hơn nữa, nhà sàn lợp bằng lá cọ chống nóng tốt hơn rất nhiều so với các vật liệu khác. Nhờ thế, mùa hè nắng nóng đến đâu cũng không cần bật nhiều quạt, điện thắp sáng cũng chỉ dùng khi bóng chiều đã chạng vạng, còn lại xuyên ngày là ánh sáng tự nhiên.

Nhà vườn đang được nhiều gia đình lựa chọn thiết kế, xây dựng.

Trưởng thôn Động Sơn Ma Văn Thông cho biết, hiện nay ở Động Sơn còn khoảng chục ngôi nhà sàn được xây dựng theo đúng phong cách truyền thống của người Cao Lan. Những ngôi nhà sàn tận dụng ánh sáng từ những khung cửa sổ dọc phía mặt tiền ngôi nhà, lợp lá cọ - loại vật liệu sẵn có của đồng bào. Động Sơn hiện đang được lựa chọn xây dựng thành Làng Văn hóa du lịch, những ngôi nhà sàn truyền thống này vừa hợp thời, vừa giữ được nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của người Cao Lan ở Động Sơn.

Không chỉ ở khu vực nông thôn, ở thành thị, những ngôi nhà xây theo lối nhà vườn hay biệt thự, tận dụng tối đa nguồn năng lượng từ tự nhiên cũng đang trở thành dấu ấn trong kiến trúc hiện nay.

Từ nhiều năm qua, hội viên Hội Kiến trúc sư Tuyên Quang tham gia nhiều chương trình, hội thảo, tọa đàm liên quan đến kiến trúc xanh được tổ chức trong và ngoài tỉnh. Các kiến trúc sư tuyên truyền, vận động giới kiến trúc, xây dựng, chủ đầu tư hiểu rõ hơn về kiến trúc xanh; các hội viên hướng đến mục tiêu thiết kế và xây dựng những công trình thích ứng tốt với môi trường tự nhiên, tiết kiệm năng lượng tối đa, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Hưng, thành viên Hội kiến trúc sư Tuyên Quang cho biết, càng ngày chuẩn mực về một ngôi nhà hoàn hảo càng thay đổi. Nó không chỉ để ở, mà hơn thế, còn phải là nơi hưởng thụ. Thiết kế nhà ở cần đề cao cảm nhận của cả 6 giác quan, tạo ra những không gian chung - riêng đảm bảo sức khỏe và gắn kết giữa các thành viên. Xét trên những yêu cầu đó, kiến trúc xanh trong thiết kế nhà ở hiện đại là lựa chọn phù hợp và đáp ứng tốt hơn cả. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, giãn cách tại gia lâu ngày, suy nghĩ về một ngôi nhà xanh hiện đại, không gian mở càng được đề cao. Lúc này thay vì khối hộp bê tông thô kệch, bưng bít kín đáo, các thành viên đều mong muốn nhà nhiều cửa sổ, nhiều ánh sáng tự nhiên. Song song với hướng mở, nhà vẫn phải đảm bảo an toàn sức khỏe, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ngôi nhà của chị Hoàng Thị Bích Liên, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) tràn ngập ánh sáng tự nhiên.

Ngôi nhà của gia đình chị Hoàng Thị Bích Liên, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) gần như không mấy khi phải bật điện vào ban ngày, kể cả khu vực bếp hay các phòng ngủ. Chị Liên cho biết, trước đây gia đình chị ở trong nhà ống - nên gần như toàn bộ thời gian trong ngày đều phải sử dụng ánh sáng từ điện. Khi quyết định xây dựng lại ngôi nhà, thì một trong những ưu tiên hàng đầu của gia đình là tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Ngoài hệ thống cửa sổ, thì giếng trời, các khoảng lấy sáng từ phía cầu thang, hay hành lang được gia đình chị tận dụng triệt để. Xung quanh nhà, anh chị trồng thêm cây xanh, hoa theo mùa... để tạo cảm giác xanh mát khi bước về nhà.

Sẵn có kiến thức về đồ dùng bằng điện, vợ chồng chị Liên để ý hơn đến việc vệ sinh các thiết bị sử dụng điện. Từ bình nóng lạnh, điều hòa, tủ lạnh cho đến bóng đèn... Theo chị Liên, việc vệ sinh các đồ dùng bằng điện sạch sẽ cũng góp phần giảm thiểu tối đa điện năng bị hao phí. Nhờ thế, trung bình mỗi tháng, chi phí cho tiền điện của gia đình anh chị chỉ khoảng 500  - 700 nghìn đồng. 

Cũng như gia đình chị Hoàng Thị Bích Liên, gia đình anh Chí Kiên, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cũng chỉ mất chi phí khoảng 500 nghìn đồng tiền điện sinh hoạt. Lấy ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ và giếng trời, gia đình anh lắp đặt thêm các năng lượng mặt trời để có nước nóng sử dụng. Ban công các tầng nhà được anh chị trồng thêm hoa, cây xanh, trong đó ưu tiên những loại hoa leo giàn để có thêm khoảng không gian xanh mát cho ngôi nhà.

Kiến trúc sư Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Công ty Kiến trúc Hanoixanh (TP Tuyên Quang) cho biết, khoảng 2-3 năm trở lại đây, việc thuê thiết kế nhà ở đã được nhiều gia đình ưu tiên lựa chọn thay vì “lên ý tưởng miệng” với bên thi công như trước đây. Thiết kế nhà ở có một ưu điểm, là có thể lên ý tưởng cho toàn bộ ngôi nhà trên bản vẽ trước khi bắt tay vào xây dựng. Trên thực tế, hầu hết những ngôi nhà thuê thiết kế đều ưu tiên việc lấy ánh sáng từ tự nhiên. Những ngôi nhà vườn, nhà kiến trúc cổ hay nhà xây thông thường đều mong muốn sử dụng được nhiều nhất ánh sáng từ tự nhiên, để vừa tạo không gian thoáng đãng cho ngôi nhà, vừa có thể giúp chủ nhà tiết kiệm điện năng sử dụng.

Những ngôi nhà tận dụng nguồn năng lượng sạch từ tự nhiên, hạn chế, tiết kiệm tối đa điện năng đang góp phần không nhỏ giảm thiểu sự mất cân bằng môi trường sống trên trái đất. Tiết kiệm điện, từ chính không gian sống xanh, thoáng, lành đang là lựa chọn tối ưu của nhiều gia đình.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục