“Lo cho dân như lo cho chính mình”
Ngay sau khi có thông tin về cơn bão số 3, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống thiên tai theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của các bộ, ngành Trung ương. Với sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 đã và đang được triển khai với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà, căn dặn giáo viên trường Tiểu học Bình Thuận đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường.
Chỉ tính riêng từ ngày 8 đến ngày 11-9, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành 3 Công điện chỉ đạo để tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra và nhiều văn bản chỉ đạo trên từng lĩnh vực để ổn định đời sống Nhân dân sau bão lũ. Cùng với đó, ngày 9-9, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã ban hành Quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Các cuộc họp khẩn cấp, các đoàn công tác của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các địa phương được tiến hành không kể ngày giờ. Các nhóm Zalo hoạt động liên tục để kịp thời thông tin, chỉ đạo tới tận cơ sở. Tại các địa phương, đã chủ động thành lập các đoàn công tác xuống tận địa bàn để chỉ đạo, rà soát các khu vực nguy cơ, tất cả sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần chủ động, nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt, đặt tính mạng và cuộc sống của người dân lên trên hết, trước hết.
Công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ. Từ ngày 9 đến 10-9, 3 đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó và khắc phục mưa bão trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt trong ngày 12-9, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn công tác đã trực tiếp đến thăm, kiểm tra công tác khắc phục thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Suốt trong những ngày lũ xảy ra bất kể ngày hay đêm, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã trực tiếp xuống từng khu vực trọng yếu bị thiệt hại để chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, trên tinh thần “Cứu dân là mệnh lệnh trái tim”, “Lo cho dân như lo cho mình”.
Trong điều kiện thời tiết mưa bão lớn, trong chiều tối mùng 10-9, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trực tiếp xuống hiện trường để kiểm tra công tác xử lý sự cố, vật cản dưới chân cầu Nông Tiến và kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Khi đi kiểm tra, thăm hỏi Nhân dân khu vực tổ 2, phường Hưng Thành (khu Bến đất), khu vực bị ảnh hưởng ngập nghiêm trọng của thành phố Tuyên Quang, tại đây có cháu nhỏ 10 tháng tuổi của gia đình anh Nguyễn Văn Tú và chị Đỗ Thị Thu Hà đang trong tình trạng bị sốt cao. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã bố trí cho cháu bé và vợ chồng anh Tú lên xuồng đưa đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đồng chí yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện có phác đồ điều trị kịp thời, nhanh chóng cho bé.
Cùng thời điểm này, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng trực tiếp đến các điểm xung yếu của huyện Sơn Dương, Yên Sơn để chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả sau bão. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng liên tục có mặt tại các điểm xung yếu, kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và khắc phục hậu quả. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân. Lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng “nằm vùng” tại từng khu vực thực hiện chỉ đạo tại chỗ công tác ứng phó. Để rồi bão lũ đi qua, niềm tin, tình cảm giữa cán bộ và Nhân dân càng thêm bền chặt.
Quên mình vượt lũ, cứu dân
Giúp người dân thoát khỏi “cơn thịnh nộ” của ông trời, hàng trăm người thuộc các lực lượng Công an, Quân đội, Dân quân và đoàn viên, thanh niên, lực lượng dự bị động viên đã được huy động gấp rút triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Giữa dòng lũ dữ, tất cả đã liều mình quên đi tính mạng để ứng cứu di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Thiếu tá Lê Duy Long, Trạm Cảnh sát Giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát Giao thông không thể quên giây phút đưa ông, bà Nguyễn Văn Trụ, tổ 1, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) ra khỏi khu vực ngập trong đêm tối. Thiếu tá Long kể, khi tuần tra, nhận tín hiệu ứng cứu, anh cùng anh em trong trạm đã vượt qua dòng lũ đến được những hộ dân bị cô lập. Nhìn thấy cảnh người dân leo lên những gì có thể để bảo toàn tính mạng, anh em ai cũng nghẹn ngào. Khi đưa người dân ra được khỏi dòng lũ chảy xiết đến nơi an toàn, ai nấy đều vui mừng khôn tả. Thiếu tá Long bảo, suốt 2 ngày (ngày 9, ngày 10-9) anh, em chiến sĩ trong đội đã vượt lũ hàng chục lần, bữa ăn chỉ vội nhai tạm mẩu bánh mì hay gói mì tôm sống.
Đồng chí I Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao 1 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang khắc phục hậu quả bão lũ.
Không riêng lực lượng Cảnh sát Giao thông, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, cơ động cũng quên mình bảo vệ tính mạng, tài sản Nhân dân. Có chiến sĩ thuộc Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, ngồi ăn vội miếng cơm cứu trợ vừa ăn vừa khóc khi nghe điện thoại trách cứ từ người nhà, khi họ đi biền biệt bảo vệ dân, để lại 2 đứa con nhỏ tự trông nhau trong mưa lũ.
Hay câu chuyện của Đại úy Lục Văn Nguyên, Công an xã Yên Thuận (Hàm Yên) dũng cảm cứu người trong mưa lũ cũng khiến Nhân dân vô cùng cảm phục. Lúc ấy, khoảng 14 giờ 30 phút, ngày 8-9, Công an xã Yên Thuận nhận được tin báo về việc anh Nguyễn Văn Nhúc, sinh năm 1995 cùng 2 con là Nguyễn Quốc Bảo và Nguyễn Thị Bảo Trang trú tại thôn Cầu Cao 2, xã Bạch Xa (Hàm Yên) khi di chuyển bằng xe máy qua cầu tràn thôn Cầu Treo, xã Yên Thuận đã bị nước lũ cuốn trôi. Ngay sau khi nhận được thông tin, Đại úy Lục Văn Nguyên cùng các đồng chí Công an xã và Ban Chỉ huy quân sự xã Yên Thuận đã lập tức có mặt tại hiện trường để triển khai phương án tìm kiếm người bị nạn. Lúc này, cháu Nguyễn Quốc Bảo đã trôi xa cầu tràn khoảng hơn 100 m, bám được vào gốc cây giữa dòng nước. Tại vị trí này, nước chảy xiết thành xoáy, có độ sâu khoảng 2 m rất nguy hiểm. Không một phút do dự, đồng chí Nguyên cùng một người dân địa phương là anh Liệu Văn Quyết, thôn Cầu Treo, xã Yên Thuận đã trực tiếp nhảy xuống dòng nước, sử dụng các vật dụng tại chỗ và áo phao cố gắng vượt qua dòng lũ dữ để tiếp cận cháu Bảo. Sau một thời gian vật lộn và được đồng đội, Nhân dân hỗ trợ các anh đã đưa được cháu Bảo lên bờ an toàn. Kể lại việc làm của mình, Đại úy Lục Văn Nguyên chỉ khiêm tốn cho biết, hành động đó là hết sức bình thường và ai cũng sẽ làm khi gặp hoàn cảnh như vậy.
Xuyên đêm, ngày trong thời điểm lũ dữ ập đến những chiếc ca nô của lực lượng Quân sự tỉnh gần như chạy hết công suất, anh em chiến sĩ liên tục thay ca. Chỉ với chiếc áo phao khoác lên mình, họ đã cùng nhau vượt qua dòng lũ giúp dân. Rồi họ thay nhau cõng hàng trăm trẻ em, người già bị mắt kẹt giữa dòng lũ đến nơi an toàn.
Đại tá Đặng Văn Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khiêm tốn nói: Giúp dân là mệnh lệnh của trái tim và là nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng quân đội chúng tôi trong thời bình. Vì vậy, tất cả anh em chiến sĩ luôn đề cao và sẵn sàng triển khai ngay công tác cứu hộ, cứu nạn.
Tình người trong lũ
Thiên tai ầm ập đổ xuống với người dân ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên tất cả đều không thấy cô đơn, họ luôn nhận được sự đồng hành cả về tinh thần và vật chất từ người thân, bạn bè, những người con xa quê, thậm chí là cả những người không bao giờ biết mặt, biết tên.
Tại số nhà 126 TDP Tân Kỳ, thị trấn Sơn Dương, những suất cơm từ thiện trong mùa bão được chuẩn bị bởi các nhóm tình nguyện và cả những cá nhân có tấm lòng nhân ái. Chị Nguyễn Hải Hằng, tổ dân phố Tân Kỳ chia sẻ: “Công việc nấu nướng được chúng tôi bắt đầu từ sáng để phục vụ các bữa trong ngày. Trong quá trình nấu, thiếu thực phẩm gì chúng tôi cũng kêu gọi Nhân dân, bạn bè hỗ trợ để suất ăn đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng đến tay bà con vùng lũ”.
Vận chuyển hàng hoá hỗ trợ xã Phúc Ninh (Yên Sơn).
Anh Nguyễn Bình An, xóm 13, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cũng sẵn lòng đón những gia đình không may bị nước lũ làm ngập nhà đến tránh trú. Anh An chia sẻ, gia đình anh may mắn ở vị trí cao, hơn nữa nhà rộng, có cả kho nên anh sẵn lòng san sẻ. Làm được gì cho cộng đồng anh sẽ cố gắng hết sức.
Trên mạng xã hội, hàng nghìn hàng vạn những dòng tin nhắn đều mang một lời nhắn nhủ: Tuyên Quang ơi cố gắng! Chúng tôi luôn bên cạnh! Và những điều ước “Nước ơi! Nhẹ nhàng ra biển lớn để người dân quê tôi được trở về nhà”.
Thống kê chưa đầy đủ đến ngày 12-9, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ của hơn 100 tổ chức, cá nhân khắp mọi miền Tổ quốc giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng do ngập lụt trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ trên 30 tấn nhu yếu phẩm, bao gồm: gạo, mì tôm, sữa, lương khô, bánh mì các loại; hơn 2.500 suất ăn miễn phí; trên 2.500 vật dụng các loại gồm thuyền máy, xuồng cao su, áo phao, máy phát điện mi ni và trên 400 triệu đồng tiền mặt.
MTTQ tỉnh cũng đã tiếp nhận các nguồn hỗ trợ từ Trung ương và các tỉnh. Trong đó, Ban cứu trợ Trung ương ủng hộ 20 tỷ đồng; Ủy ban Dân tộc và tỉnh Quảng Nam ủng hộ 2 tỷ đồng; tỉnh Bình Thuận ủng hộ 2 tỷ đồng; Bộ Công Thương ủng hộ 1.000 suất quà và 500 triệu đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ 1 tỷ đồng cho tỉnh Tuyên Quang khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Ngay sau thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã có thư thăm hỏi, động viên, chia sẻ với người dân chịu ảnh hưởng bởi mưa bão. Trong thư, đồng chí đã khẳng định: “Mưa lũ có thể gây thiệt hại nhiều mặt, nhưng cũng chính trong mưa lũ, “Tình quân dân, nghĩa đồng bào” càng được thể hiện. Rồi bão lũ sẽ qua đi, cuộc sống bình thường sẽ quay trở lại (...) với truyền thống quê hương cách mạng cùng sự đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, nhất định chúng ta sẽ vượt qua cơn lũ lịch sử này”.
Gửi phản hồi
In bài viết