Hỗ trợ thiết thực

- Sau lũ, các hoạt động thiện nguyện nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương, khu dân cư và từng hộ dân bị ảnh hưởng khắc phục hậu quả đã và đang diễn ra khẩn trương, tích cực. Tuy nhiên, xung quanh hoạt động thiện nguyện vẫn còn một số vấn đề đáng phải bàn. Dưới đây là một số ý kiến về nội dung này.

Cần được hỗ trợ khôi phục sản xuất

Chị Đặng Thị Bình

Tổ dân phố 13, thị trấn Na Hang (Na Hang)

Trận lũ vừa qua đã làm gia đình tôi bị thiệt hại nặng nề như: Phần móng căn nhà của gia đình bị khoét sâu, tạo thành hàm ếch; bị trôi 3 lồng cá và 1 chiếc thuyền. Chồng mới bị tai nạn giờ nằm 1chỗ không đi lại được, cuộc sống của gia đình chủ yếu dựa vào chăn nuôi mấy lồng cá và chiếc thuyền đi đánh tôm. Nhà ở đã không còn an toàn, gia đình cũng không có nơi trú ngụ ổn định. Tôi hy vọng, Nhà nước và các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ nguồn kinh phí, hỗ trợ cải tạo lại mô hình kinh tế, được vay vốn để tái đầu tư khôi phục sản xuất. Cũng mong các tổ chức, cá nhân, có thể hỗ trợ thêm xi măng hay vật liệu cần thiết để tôi sửa chữa lại nhà cửa - vì đây là điều kiện đảm bảo an cư về lâu dài cho gia đình.


Hỗ trợ thứ người dân cần

Ông Đỗ Văn Hùng

Thôn An Khang, xã Đông Lợi (Sơn Dương)

Tôi nghĩ, các đoàn thiện nguyện trước khi đến các địa phương, cần thông qua chính quyền địa phương để nắm bắt rõ hơn nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân. Thay vì cho đi thứ mình có, hãy cho thứ mà Nhân dân đang thực sự cần. Như gia đình tôi và nhiều gia đình bà con trong thôn, sau trận lũ lịch sử vừa qua, mọi vật dụng trong nhà đều bị cuốn trôi, không còn gì ngoài những bức tường trơ trọi. Giờ đây, chúng tôi đang rất cần chăn màn, gạo để giữ ấm và duy trì cuộc sống. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ về chăn màn, gạo để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nếu được giúp đỡ, chúng tôi sẽ cảm thấy ấm lòng hơn và có thêm động lực để khắc phục hậu quả của lũ lụt.


Hỗ trợ đúng nhu cầu của người dân

Chị Hoàng Thị Hồng Ngân

Thôn 5, xã Quý Quân (Yên Sơn)

Xã Quý Quân (Yên Sơn) là một trong những xã bị ngập sâu và thiệt hại nặng nề trong đợt lũ vừa qua. Mưa lũ kéo dài không chỉ gây thiệt hại về nhà cửa mà còn tàn phá cây trồng, vật nuôi. Nhiều loại cây ăn quả như bưởi, hồng trên địa bàn xã chắc chắn năm nay không được thu hoạch. Bên cạnh những mặt hàng cứu trợ cần thiết như đồ ăn, nước uống, nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày… người dân chúng tôi mong muốn sau khi nước rút các cơ quan chính quyền, các đơn vị thiện nguyện sẽ có những chính sách hỗ trợ sinh kế lâu dài như cho vay vốn khôi phục lại kinh tế, hỗ trợ cây giống, con giống, kinh phí phát triển sản xuất… Từ đó giúp người dân có điều kiện khôi phục lại kinh tế, ổn định cuộc sống. Đó cũng là nhu cầu thực sự của địa phương, của bà con nhân dân sau lũ.


Điểm tựa tái thiết cuộc sống

Bà Trần Thị Xuân

Tổ dân phố Vĩnh Thái, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa)

Mấy ngày mưa lũ, nước ngập, tôi và người dân ở Chiêm Hóa đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Những phần quà dù lớn hay nhỏ, ít hay nhiều cũng đều trân quý. Nhưng cứu trợ thế nào để đảm bảo cung cấp hàng cứu trợ đến đúng đối tượng, phù hợp với hoàn cảnh, không xảy ra tình trạng người không bị ảnh hưởng ngập lụt lại nhận được quá nhiều, người bị ngập lụt lại nhận được ít hoặc không nhận được hỗ trợ. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các đoàn cứu trợ trước khi đến cần nghiên cứu rõ tình hình địa phương thông qua chính quyền sở tại và Ủy ban MTTQ các cấp để nắm rõ nhu cầu thực sự của người dân. Những ngày ngập lụt, thứ chúng tôi cần nhất là đèn pin, áo phao, nước lọc, thuốc men, đồ ăn. Khi nước rút, nhà cửa đổ nát, đồ đạc hỏng hóc, chúng tôi cần kinh phí sửa chữa nhà ở, ổn định cuộc sống... Nếu được hỗ trợ đúng nhu cầu, sẽ là điểm tựa để chúng tôi tái thiết lại cuộc sống của mình nhanh hơn. 


Làm từ thiện bằng tâm

Anh Phạm Văn Khánh

Tổ 1, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang)

Công tác từ thiện xuất phát từ lòng nhân ái, sự sẻ chia chân thành và mong muốn giúp đỡ những người kém may mắn. Đó không chỉ là hành động trao đi vật chất mà còn là sự quan tâm, đồng cảm sâu sắc với nỗi đau và khó khăn của người khác. Tôi nghĩ, khi làm từ thiện bằng tâm, chúng ta không mong cầu nhận lại điều gì, cũng không làm để lấy danh tiếng hay sự thừa nhận. Mọi đóng góp đều được thực hiện từ trái tim chân thành, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Đó là khi sự giúp đỡ mang lại niềm vui không chỉ cho người nhận mà còn cho chính người cho đi. Tuy nhiên, khi lòng tốt bị hiểu lầm hoặc lạm dụng, sự tranh cãi là điều khó tránh khỏi. Khi đã nhận được sự tin tưởng từ cộng đồng, bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào đứng ra làm từ thiện đều cần công khai rõ ràng mọi nguồn thu chi. Công tác từ thiện cần được thực hiện một cách có tổ chức, chuyên nghiệp và đúng pháp luật.

Tin cùng chuyên mục