Thiện nguyện từ tâm

- Miền Bắc đang trải qua những ngày buồn nhất trong năm, khi trận mưa lũ lịch sử trút xuống, cuốn đi người, nhà cửa và tài sản của bao người tích cóp cả đời. Chia sẻ, động viên với người dân miền Bắc nói chung, Nhân dân Tuyên Quang nói riêng, các đoàn cứu trợ, hỗ trợ đã đến với từng thôn xóm, bản làng, chia sẻ với chính quyền bằng những phần quà, phần việc thiết thực nhất.

Thiêng liêng 2 tiếng đồng bào

Hội Nông dân tỉnh những ngày qua được chọn là nơi tập kết và phân loại hàng từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về Tuyên Quang.

Những phần quà được chia đều đặn, đóng gói riêng, có đủ từ bánh trái nước đến nến, diêm và cả bếp ga mini... Không quản ngại thời tiết mưa gió, ngày đêm,  cán bộ, chiến sỹ lực lượng Quân đội, Công an và Nhân dân đã bốc xếp hàng hóa, đóng gói và vận chuyển các đồ dùng thiết yếu, nhanh chóng và kịp thời đến các vùng bị ảnh hưởng bão lũ trên địa bàn. Cùng với đó Thường trực Hội Nông dân trực tiếp đi đến các điểm bị ngập úng, cô lập trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu, theo đúng tinh thần chỉ đạo “đảm bảo không có người dân nào bị bỏ đói”.

Diễn viên Mai Thu Huyền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng mưa lũ tại xã Tân Long (Yên Sơn).

Anh Nguyễn Thành Luân - một người con của thị trấn Na Hang đang sinh sống ở Hà Nội chia sẻ: “Khi đọc được những thông tin về ngập lụt ở Na Hang, thực sự không thể kìm lòng, lúc nào cũng chỉ muốn đi ngay. Sau khi kêu gọi hỗ trợ, đoàn đã huy động được gần 39 triệu đồng và hơn 200 suất quà, sau đó, mọi người cùng thống nhất, sắp xếp công việc để lên đường. Trong 2 ngày 14, 15-9 đã hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ tại Na Hang”.

Theo anh Luân, hiện nhóm anh đang kêu gọi và huy động thêm đồ dùng học tập, sách vở và quần áo hỗ trợ các cháu ở 1 số xã nghèo như Sinh Long, Hồng Thái, Thượng Nông, Thượng Giáp...

Chị Phạm Thùy Linh ở Cầu Giấy (Hà Nội) khi đọc được những thông tin về lũ lụt trên báo Tuyên Quang Online từ một người bạn học cùng lớp Đại học chia sẻ, cũng nhanh chóng liên lạc để có thông tin cứu trợ. 300 suất quà, gồm đồ ăn, nước sạch và một số vật dụng cần thiết được bạn hút chân không cẩn thận, gửi đến người dân Chiêm Hóa đang bị cô lập trong nước lũ thông qua Hội Nông dân huyện Chiêm Hóa.

Những hàng xe cứu trợ vẫn nối dài đến Tuyên Quang. Những người dưng bỗng hóa thân quen, từ chính nghĩa cử đẹp đẽ. Như câu chuyện làm thiện nguyện của nhóm bạn Bùi Việt Anh (Hà Nội), khi đưa hàng tấn hàng đến tay người dân 3 thôn khó khăn nhất của xã Kiến Thiết (Yên Sơn). Từ chuyến đi này, nhóm đã dự định xây điểm trường tại thôn Khau Luông, để đảm bảo việc học tập cho con em khu vực này.

MTTQ thị trấn Sơn Dương hỗ trợ các suất ăn miễn phí cho người đi đường bị mắc kẹt lại huyện do mưa bão.

Còn hàng nghìn, hàng vạn những câu chuyện thiện nguyện khác, làm nghĩa đồng bào càng trở nên bền chặt, gắn kết và thiêng liêng hơn bao giờ hết.

Đừng lấy từ thiện làm “phông bạt”

Nước lũ tràn các huyện, thành phố cũng là lúc thông tin về các vùng ngập lụt nhiễu loạn. Một trong những cảnh báo ngay từ khi mưa lũ bắt đầu mà ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cảnh báo và khuyến cáo, ấy là việc trục lợi từ việc từ thiện. Ông Long ví dụ, nhiều Fanpage của các cơ quan Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc tại Quảng Ninh, Hải Phòng đã bị làm giả, và lừa đảo rất nhiều người dân có tấm lòng hướng về đồng bào ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. 

Ngay tại thành phố Tuyên Quang, khi  nước lũ bắt đầu dâng, nhiều người đã chia sẻ Fanpage có tên Trường PT Dân tộc nội trú tỉnh, có thông tin ngập lụt và kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân cho học sinh. Thông tin này nhanh chóng “phủ sóng”, được nhiều phụ huynh chia sẻ và gây hoang mang dư luận. Ngay sau đó, “chính chủ” Trường PT Dân tộc nội trú tỉnh phải lên tiếng đính chính, bác bỏ thông tin này, khi trường hoàn toàn không bị ngập lụt, học sinh vẫn ăn học bình thường.

Sự cố râm ran mạng xã hội suốt mấy ngày, là câu chuyện mà người dân ở Mỹ Bằng (Yên Sơn) gặp phải. Biết thôn bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, 1 đoàn thiện nguyện ở Hà Nội liên hệ với người dân để kết nối trao quà từ thiện cho người dân vùng ngập lụt, với khoảng 100 phần quà với bánh chưng, mỳ tôm, váy áo cũ và cơm cháy. Trước khi nước dâng cao, người dân vùng ngập lụt đã được chính quyền di dời đến vùng an toàn và cung cấp đủ thức ăn nước uống. Người trong đoàn lại yêu cầu  phải tìm chỗ nào có người ở trong nhà ngập lũ rồi dỡ mái nhà ra thò đầu, thò cánh tay lên nhận mỳ tôm, cơm cháy để chụp ảnh... Lời qua tiếng lại, chuyện nhỏ thành to, hành động đẹp bỗng vì nhu cầu tự thân đánh bóng tên tuổi mà trở thành trò cười.

Những phần quà cứu trợ được di chuyển bằng bè đến các hộ dân bị ngập lụt ở Chiêm Hóa.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nguyễn Hoàng Long khuyến cáo, người dân có nhu cầu ủng hộ hãy liên hệ các cơ quan, tổ chức của nhà nước, có chuyên môn, nhiệm vụ về công việc này, để nguồn tiền, nguồn hàng cứu trợ được điều tiết và đến đúng tay người thực sự cần.

Nếu thế, sẽ không có câu chuyện như mới đây, đoàn cứu trợ đến với huyện Na Hang tự phát, không thông qua chính quyền địa phương khiến người trong cuộc có những dư âm không mấy tốt đẹp, khi người cần thì không có. Người không bị ảnh hưởng lại ra nhận hỗ trợ…

Hay chuyện năm nào cũng nói lại, là chuyện ủng hộ quần áo cũ. Những bộ đồ 2 dây, lấp lánh kim tuyến… vẫn xuất hiện, như một dịp để người cho “xả” bớt quần áo cũ ở nhà, mà không quan tâm đồ cứu trợ có phù hợp với nơi mình đang ủng hộ, phát tâm làm từ thiện hay không.

Hiện lượng hàng cứu trợ về với Tuyên Quang vẫn rất nhiều. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thì hàng hóa là thực phẩm, đồ ăn vẫn chiếm đa số. Theo bà An, thực phẩm, đồ ăn trong những ngày lũ đỉnh điểm là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, nước lũ tại Tuyên Quang đã rút, ngoài thực phẩm, bà con rất cần các vật dụng thiết yếu để tái thiết cuộc sống. Nhận thức điều này, khi các đoàn kết nối với Hội Nông dân, Hội đã định hướng một số mặt hàng thay thế đồ ăn như gạo, mì chính, nước mắm và các đồ đạc thiết yếu trong gia đình như nồi niêu, xoong chảo, giường tủ... Vừa rồi, một số điểm trường đặt vấn đề xin sách vở cho học sinh, Hội Nông dân đã phối hợp với các mạnh thường quân để điều tiết, cung cấp cho học sinh đầy đủ.
Từ ngày 1-9-2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam chính thức tiếp nhận tiền ủng hộ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Với tinh thần công khai minh bạch, Ban Cứu trợ Trung ương công bố bản sao kê danh sách chuyển khoản qua ngân hàng và ủng hộ trực tiếp bằng tiền mặt tại Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để người dân biết được tình cảm, dòng tiền mình ủng hộ được sử dụng như thế nào.

Và từ đây, nhiều chuyện “dở khóc dở cười” khi có những người lợi dụng việc ủng hộ từ thiện để đánh bóng tên tuổi của chính mình. Cộng đồng mạng đã có phen hết hồn, khi có người công bố hình ảnh chuyển khoản lên đến nửa tỷ đồng, nhưng sao kê lại chỉ có 500 nghìn đồng. Hay có những tập thể gửi ủng hộ 15 - 20 nghìn đồng… Những lời xin lỗi xuất hiện ngày càng nhiều, như một cách làm giảm bớt làn sóng phẫn nộ từ cộng đồng mạng.

Làm thiện nguyện, thì một đồng cũng quý. Nhưng làm thiện nguyện phải từ tâm, thật sự yêu thương lấy đồng bào mình, như lời nhắn nhủ của những cô cậu học trò chuyển 12 nghìn đồng, 15 nghìn đồng tới tài khoản của Ủy ban MTTQ Việt Nam, với lời nhắn nhủ chân thành: Cháu là học sinh, cháu không có nhiều tiền, nhưng cháu xin gửi chút tấm lòng của mình đến người dân Miền Bắc.

Xin mượn lời của chị Quan Thị Nga, thị trấn Na Hang - người đã mất tất cả tài sản sau trận lũ lịch sử, khi ngôi nhà gỗ sát chân đập giờ chỉ còn trơ lại nền xi măng xám ngoét - chia sẻ trên trang cá nhân để thay lời kết cho bài viết này:

“Em cùng các gia đình đã nhận được những phần quà cứu trợ của đồng  bào ta từ khắp các nơi gửi về, em thực sự cảm nhận được, đó không chỉ đơn thuần là những phần quà, mà đó còn là cả tấm lòng đồng bào ta dành cho nhau trong những lúc khó khăn, nguy cấp. Đó là những nắm cơm được nắm chặt thật khéo, được gói thật cẩn thận, đảm bảo vệ sinh. Đó là những gói lạc vừng, những gói ruốc được làm thật cẩn thận, đựng trong những chiếc túi zip xinh xinh, tiện sử dụng. Đó là những chiếc bánh chưng có đủ cả nhân đậu, thịt. Đó là những chiếc bánh mỳ được hút chân không, có thể bảo quản được lâu dài. Đó là những hộp sữa mà người già, trẻ em đều có thể sử dụng được. Đó là chai nước tinh khiết để đồng bào không phải chịu những cơn khát khi nguồn nước sinh hoạt bị cắt. Những ngọn nến thắp sáng niềm hy vọng vào ngày mai... Còn nhiều lắm, nhiều lắm, những tấm lòng của đồng bào khắp nơi hướng về miền Bắc. Đồng bào ơi, thật sự trân quý và biết ơn!”.

Nguyễn Đạt

Tin cùng chuyên mục