Gần 3.400 cán bộ, chiến sỹ, dân quân hỗ trợ dân
Đại tá HÀ ĐÌNH KHIÊM
Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết cũng như tình trạng ngập lụt diện rộng trên địa bàn tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng cơ động ứng phó với các tình huống, sự cố thiên tai. Đến nay, đã có gần 3.400 cán bộ, chiến sỹ, dân quân cùng 5 xuồng máy, trên 10 lượt xe quân sự các loại được huy động đến các vùng xung yếu, vùng ngập sâu, bị chia cắt giúp Nhân dân di dời, sơ tán người và tài sản. Cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh đã giúp đỡ di dời trên 2.000 hộ dân trong vùng ngập úng và cô lập, cứu 1 người dân bị lũ cuốn trôi, cứu 2 công nhân khai thác cát sỏi bị mắc kẹt trên sông. Đồng thời, phối hợp cùng các lực lượng khắc phục 15m đê vỡ tại xã Quyết Thắng (Sơn Dương), tổ chức dọn dẹp, san gạt 34 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc hiện nay vẫn đang tiếp tục triển khai lực lượng cơ động ứng phó với mưa lũ, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và của do mưa lũ gây ra.
Huy động tối đa lực lượng tham gia hỗ trợ Nhân dân
Thượng tá NGUYỄN BÍCH HỢI
Phó trưởng Công an thành phố Tuyên Quang
Những ngày qua, Công an thành phố thực hiện ứng trực, huy động 100% quân số cùng phương tiện chủ động ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu sau bão. Đã có trên 1.200 lượt cán bộ chiến sỹ, gần 100 xe công vụ và cá nhân của cán bộ chiến sỹ tham gia phối hợp tổ chức hàng nghìn lượt vận chuyển để khẩn trương di dời người, tài sản, nhất là các hộ khu vực nhà bè, ở dọc ven sông Lô, nơi bị ngập úng sâu. Cùng với đó, Công an toàn thành phố đã tổ chức phân luồng, điều tiết, cắm biển cảnh báo và cử người túc trực canh gác ở cầu Nông Tiến, các vị trí cảnh báo nguy hiểm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Công an thành phố đang chủ động làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, hỗ trợ các lực lượng khác trong tiếp nhận nguồn hàng cứu trợ từ các tổ chức và cá nhân hảo tâm, để lên phương án vận chuyển, cứu trợ người ảnh hưởng mưa lũ. Nước rút đến đâu, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ khắc phục hậu quả đến đó, giúp Nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Để hoạt động cứu trợ thiết thực, ý nghĩa hơn
Anh LƯƠNG DUY TOẢN
Giám đốc Công ty cổ phần Hồ Toản
Cơn bão số 3 đã gây ra những hậu quả nặng nề cho các tỉnh phía Bắc, trong đó có Tuyên Quang. Sau bão, các hoạt động cứu trợ, hướng về miền Bắc đã và đang được thực hiện đồng loạt. Những chuyến hàng chở đầy mỳ tôm, áo phao, đèn pin, bánh chưng, cơm nắm, muối vừng của bà con miền Trung, miền Nam ra Bắc cứu trợ. Công ty cổ phần Hồ Toản cũng đã ủng hộ 300 thùng sữa hỗ trợ sức khỏe cho đồng bào Tuyên Quang vùng ngập lụt. Ấm áp nghĩa tình đồng bào đó là không thể phủ nhận. Nhưng, bánh chưng, áo phao, mỳ tôm cần trong lũ hay sau lũ? Tất nhiên giờ lũ đã rút thì không cần nữa. Những thứ ấy có phải mua bằng tiền không? Tất nhiên là có và cộng thêm tiền vận chuyển. Vậy gửi tiền qua kênh Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đồng bào khắc phục hậu quả lũ lụt là hợp lý hơn cả. Hoạt động thiện nguyện là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của người Việt. Tuy nhiên, thiện nguyện nếu đúng lúc, đúng thời điểm và đúng cách sẽ phát huy hiệu quả hơn.
Góp sức nhỏ sưởi ấm bà con
Chị NGUYỄN THỊ HUYỀN
Thôn Tân Bình, xã Đội Bình (Yên Sơn)
Khi biết nước lũ về, nhiều hộ dân ở các địa phương trong tỉnh bị cô lập, mắc kẹt, cần cứu trợ, chúng tôi thấy mình cần phải làm một cái gì đó giúp đỡ bà con, góp sức nhỏ của mình cùng mọi nhà vượt qua cơn hoạn nạn này. Tôi đã kêu gọi các chị em quanh khu vực đóng góp kinh phí, mua nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con. Đây là chuyến thứ 2 chúng tôi đưa nhu yếu phẩm cứu trợ bà con, gồm xúc xích, mì tôm, bánh mì, nước lọc, nến… với tổng 200 suất cứu trợ cho người dân ngập sâu ở khu vực xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) và TP Tuyên Quang. Giờ chỉ mong nước lũ nhanh rút để bà con sớm ổn định cuộc sống.
Ấm lòng suất cơm giữa ngày bão lũ
Anh PHẠM VIẾT BÌNH
Phường Đội Cấn, TP Tuyên Quang
Sau khi nắm được thông tin nước dâng cao, nhiều nơi bị cô lập, tôi cùng mọi người đã huy động nhau nấu những suất cơm hỗ trợ bà con vùng ngập lụt trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Nhóm chúng tôi hơn chục người, ai có gì góp đó, người có lạc góp lạc, người có gạo góp gạo, người bỏ sức bỏ công cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu từ khâu sơ chế, nấu nướng cho đến khi vận chuyển đến người dân. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nhóm nhanh chóng chuẩn bị lương thực và mượn nhà bếp của trường tiểu học để tổ chức nấu hơn 1.000 suất cơm hỗ trợ bà con trong vùng ngập sâu, cô lập ở các phường trong thành phố Tuyên Quang. Khi những suất cơm trao đến tay bà con, chúng tôi cảm thấy rất vui vì đã góp được một phần công sức nhỏ bé của mình chung tay vượt qua thời điểm khó khăn này.
Gửi phản hồi
In bài viết