Văn hoá gia đình

- Văn hóa gia đình, hay còn gọi là truyền thống gia đình, chính là nếp nhà, gia phong, là tổng hợp các thái độ, quan niệm, lý tưởng và môi trường xã hội mà một cá nhân thừa hưởng, kế tục từ cha mẹ và ông bà tổ tiên. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại, gia đình truyền thống với những giá trị văn hóa tốt đẹp ngày càng đối mặt với những thách thức.

Giữ nếp nhà

Văn hóa gia đình người Việt không phải là cái gì trừu tượng, chung chung mà được thể hiện cụ thể, rõ ràng trong nếp sống, trong sinh hoạt, suy nghĩ, tình cảm của mỗi thành viên trong gia đình. Đó là nền nếp của gia đình, gia tộc. Gia đình, gia tộc nào có nền nếp tốt thường được dân gian gọi là có gia phong.

Gia phong theo Từ điển Tiếng việt của Đào Duy Anh là “thói nhà, tập quán giáo dục trong gia tộc”. Văn hóa gia đình, mà trước hết là gia phong, sẽ tạo cho mọi thành viên của gia đình một bản lĩnh vững vàng khi hòa nhập với mọi biến thiên của đời sống xã hội, nó sẽ là tấm lá chắn hữu hiệu ngăn chặn mọi sự thâm nhập tiêu cực của xã hội vào gia đình, gia tộc để bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị của một gia đình văn hóa truyền thống.

Gia đình 3 thế hệ của bà Triệu Thị Xướng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình).

Gia đình 3 thế hệ của bà Hoàng Thị Yên, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) vẫn được hàng xóm, láng giềng tấm tắc là điển hình về gia đình kiểu mẫu. Vợ chồng bà, vợ chồng người con trai và 2 cháu nhỏ cùng chung sống, nhưng ít ai nghe tiếng cãi vã, hay xung khắc điều tiếng gì.

Bà Yên bảo, để giữ được điều này, thì ông bà phải mẫu mực, cha mẹ phải làm gương. Mỗi ngày, từ chính cách sống của mình, vợ chồng bà Yên “ngấm” vào các con từ lời ăn tiếng nói, từ cách ăn, cách mặc, đối nhân xử thế...

Con trai, con dâu bận bịu công việc, 2 đứa cháu nhỏ giao lại cho ông bà và được ông bà hướng dẫn tận tình từ cách chào người lớn tuổi, nhường nhịn người nhỏ tuổi, đến việc nhà. Bà Yên bảo, cô cháu gái bà năm nay mới 12 tuổi, nhưng đã biết vào bếp nấu đủ một mâm cơm cho gia đình. Ngày hè, bà Yên lại mở lớp miễn phí dạy hát sình ca, làm các loại bánh truyền thống của người Cao Lan cho cháu mình và lũ trẻ trong xóm, như một cách để cội nguồn tiếp tục chảy trôi trong nhịp sống hiện đại, hối hả.

Trong mỗi bữa cơm, những câu chuyện ngụ ngôn, chuyện cổ tích của người Cao Lan được ông bà kể lại cho con cháu, những tiếng cười giòn giã mỗi bữa ăn như xua tan mệt mỏi của cả một ngày lao động vất vả. Với gia đình bà Yên, đây là điều bình dị mà thiêng liêng, quý giá, được ông bà gìn giữ và truyền lửa âm thầm cho những thế hệ sau. 

Gia đình ông Vũ Đình Quang, thôn Đồng Cầu, xã Tứ Quận (Yên Sơn) chuẩn bị đón thế hệ thứ 4. Điều đặc biệt, là cả 4 thế hệ của gia đình, đều cùng chung sống dưới một mái nhà. Ông Quang chia sẻ, để giữ được sự ấm êm trong gia đình nhiều thế hệ, thì bài học đầu tiên, cũng là quan trọng nhất là sự quan tâm, thấu hiểu. Ông bảo, xã hội ngày càng phát triển, lối sống, suy nghĩ của người trẻ cũng ngày càng khác thế hệ đi trước. Người làm ông, làm cha như ông luôn phải tự đặt mình vào vị trí của con cháu để dung hoà mọi suy nghĩ.

Gia đình anh Trịnh Văn Cường (Tổ 8 phường Hưng Thành) thường xuyên tranh thủ thời gian bên nhau vào những buổi tối cuối tuần tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Quang Hòa

Ông Nguyễn Hải Minh, Trưởng thôn Đồng Cầu chia sẻ, gia đình ông Quang cũng là gia đình gương mẫu đóng góp cho công việc chung của thôn, từ làm đường bê tông, nhà văn hoá. Đây cũng là gia đình hiếm hoi ở Đồng Cầu mà 2 thế hệ trong gia đình đều được nhân dân tín nhiệm bầu làm cán bộ thôn.

Thách thức trong tình hình mới

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh có gần 210 nghìn hộ gia đình. Trong đó có trên 195 nghìn hộ gia đình được công nhận là Gia đình văn hóa, gia đình văn hóa 3 thế hệ là gần 70 nghìn hộ, gia đình văn hóa 3 thế hệ làm kinh tế giỏi là hơn 18 nghìn hộ, gia đình 3 thế hệ hiếu học là hơn 25 nghìn hộ và số hộ gia đình văn hóa 3 thế hệ giữ gìn, phát huy di sản văn hóa là hơn 28 nghìn hộ.

Đây là những “hạt nhân” quan trọng ở cơ sở giúp phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh ngày một đi vào thực chất, bắt đầu từ việc nêu gương, lan tỏa mạnh mẽ văn hóa ứng xử trong cộng đồng. Hỗ trợ cho những “hạt nhân” này, các địa phương đang tích cực phối hợp với những đơn vị liên quan từ tỉnh tới cơ sở bền bỉ triển khai, thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo. 

Bà Phúc Thị Xuyên, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình (Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch) cho biết, việc giữ văn hoá trong gia đình trong bối cảnh xã hội phát triển càng được ưu tiên hơn bao giờ hết. Việc xây dựng, gìn giữ văn hoá gia đình đang được các địa phương đẩy mạnh thực hiện, trong đó, mỗi địa phương, đơn vị  một cách làm sáng tạo.

Bé Hoài An, học sinh lớp 2B trường Tiểu học Bình Thuận (TP Tuyên Quang)
dành phần thưởng là Học sinh xuất sắc cho bố. Ảnh: Thanh phúc

Huyện Yên Sơn hiện có 33 Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc với 1.115 thành viên tham gia. Theo ông Nguyễn Đắc Tiến, Trưởng phòng Văn hoá huyện Yên Sơn, các Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc được các địa phương lồng ghép, vừa là nơi giao lưu, học hỏi kiến thức pháp luật, vừa là nơi để các thành viên trao đổi, nâng cao ý thức giữ gìn đạo đức, thuần phong, mỹ tục, xây dựng và bảo vệ các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình.

Chị Lê Thị Hải, thôn Tân Thành, thành viên trong CLB gia đình hạnh phúc xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) chia sẻ, CLB hiện có 38 thành viên tham gia, mỗi quý sinh hoạt 1 lần. Thông qua các buổi sinh hoạt, CLB đã gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, giúp họ sống có văn hóa, yêu thương và có trách nhiệm với gia đình hơn. Nhờ có CLB, nhiều gia đình trước đây cãi vã nhau “như cơm bữa”, nay đã hòa thuận, an ninh trật tự ở khu dân cư tốt hơn. Khi tham gia sinh hoạt CLB, không những chị em được nâng cao kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc thông qua sách, báo, mà còn được chia sẻ bí quyết giữ gìn hòa khí, để cửa nhà luôn yên ấm từ các chị, các mẹ trong CLB. Qua sinh hoạt, chị em còn biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân, thực hiện gia đình có từ một đến hai con để nuôi dạy tốt hơn, tiếp cận nhiều thông tin bổ ích về cách phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa; tìm hiểu về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Đất đai, cách phòng chống tệ nạn xã hội… Khi tham gia CLB, những gia đình khó khăn còn được hỗ trợ vốn để buôn bán nhỏ, phát triển kinh tế gia đình thông qua tổ tiết kiệm, tổ tương trợ, từ đó đã có những gia đình tích cực phát triển kinh tế hộ, có nguồn thu nhập ổn định, đời sống kinh tế gia đình vững vàng hơn.

Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Kinh tế ngày càng phát triển, nhưng mối quan hệ gia đình ngày càng thiếu sự gắn kết, nhất là hiện nay trong gia đình điện thoại thông minh đang góp phần làm xói mòn các giá trị văn hóa gia đình. Theo thống kê, 62% các bậc cha mẹ ở phía Bắc và 57,7% bậc cha mẹ ở phía Nam dành cho nhau đến 30 phút/ngày để trò chuyện hoặc giải trí cùng con cái. Điều này cho thấy, kết nối gia đình ngày càng lỏng lẻo. Từ 2017 - 2020, trung bình mỗi năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn. Đây thực sự là con số đáng báo động.

Nhằm đưa ra giải pháp chấn chỉnh những hành vi ứng xử không phù hợp, ngày 28-1-2022, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành kèm theo Quyết định 224/QĐ-BVHTTDL với những tiêu chí cơ bản, có ý nghĩa sâu sắc, quy định về chuẩn mực hành vi văn hóa ứng xử trong quan hệ gia đình.

Theo bà Phúc Thị Xuyên, ngoài việc tăng cường tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử, để văn hoá gia đình trở thành nền tảng với mỗi thành viên, ngành văn hóa  tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người. Lồng ghép và gắn việc triển khai có hiệu quả bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào nội dung xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” sẽ được tăng cường thực hiện. Đặc biệt, ngành văn hóa sẽ chỉ đạo các đơn vị cơ sở đổi mới các hình thức, nội dung sinh hoạt các câu lạc bộ gia đình phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát chuyên ngành, liên ngành về công tác xây dựng gia đình văn hóa.

Triết gia George Santayana đã từng khẳng định: Gia đình là một kiệt tác của tạo hóa. Để kiệt tác này không bị bào mòn bởi những áp lực, xô bồ của cuộc sống, hơn ai hết, mỗi thành viên trong gia đình hãy tự trân trọng, bảo vệ nó, như một cách yêu thương, bảo vệ chính những người thân yêu nhất của mình.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục