Những hồi chuông cảnh báo
Trong thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra những vụ bạo lực gia đình để lại hậu quả đáng tiếc dù sau đó những đối tượng gây bạo hành đã bị pháp luật xử lý nhưng vẫn để lại những nỗi đau dai dẳng, ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý lâu dài đối với những nạn nhân. Điển hình như vụ một giáo viên Trường Tiểu học Quảng Châu ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cầm dao đâm bố vợ tử vong trong lúc tranh cãi, do không khuyên được vợ quay trở về nhà; vụ một người chồng ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lĩnh án 2 năm tù do đánh vợ gây thương tích, tổn hại sức khỏe 12%; vụ A Thuốc ở tỉnh Kon Tum bị công an bắt giữ điều tra hành vi giết người. Thuốc đã dùng xà beng đánh chết bố mình vì cho rằng ông thường xuyên chửi mắng mẹ mình... Thế mới thấy, nếu những mâu thuẫn trong gia đình nếu không được phát hiện, giải quyết sớm thì sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường đó chính là những vụ bạo lực gia đình đẫm máu. Càng đáng báo động hơn khi các vụ bạo lực gia đình xảy ra mà đối tượng bạo hành lại là những người có học thức, là cán bộ hay giáo viên.
Phụ nữ dân tộc Dao Tiền xã Hồng Thái (Na Hang) chia sẻ phòng chống bạo lực gia đình.
Chị T.P.N. tạm trú ở phường Phú Lâm (TP Tuyên Quang) tâm sự, bản thân chị cũng đã từng xảy ra cãi vã và bị chồng đánh đập nhưng sau đó được gia đình 2 bên biết chuyện đã đến khuyên can và lên tiếng bảo vệ chị. Chồng chị đến nay cũng đã thay đổi nhiều và không còn thói vũ phu như trước. Song chị N. cũng cho rằng, bản thân chị chưa bao giờ nghĩ dám tố cáo chồng bởi bản tính cam chịu và giữ gìn gia đình vì các con đã ăn sâu trong tiềm thức. Chị sợ tố cáo gia đình mình sẽ đi đến bờ vực của đổ vỡ.
Theo khảo sát của cơ quan chuyên môn, có đến 90% phụ nữ bị bạo hành không dám lên tiếng nói ra sự thật về bạo lực gia đình hay tìm cách thoát khỏi tình cảnh này. Chính sự chịu đựng và sự nhún nhường, sợ hôn nhân đổ vỡ... đã khiến những nạn nhân bị bạo hành trở nên yếu đuối. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến các vụ bạo hành tiếp tục leo thang. Do vậy, cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình thì những nạn nhân của những vụ bạo lực gia đình cần dũng cảm lên tiếng và có biện pháp để bảo vệ bản thân.
Khi bạo lực gia đình xảy ra nhưng nạn nhân giấu giếm thì rất khó để đưa ra biện pháp tư vấn hỗ trợ kịp thời từ cộng đồng và chính quyền địa phương. Do vậy, các nạn nhân của những vụ bạo lực gia đình cần mạnh mẽ hơn để cùng xã hội chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình.
Chung tay phòng, chống bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, như đánh đập, hành hạ, gây thương tích, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc... Theo thống kê, khi các vụ bạo lực gia đình xảy ra thì các nạn nhân đa phần là người già, phụ nữ và trẻ em.
Niềm vui của người dân thôn Yên Khánh, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) khi cuộc sống ngày càng thay đổi.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền, Trưởng phòng Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, do vậy cùng với các giải pháp về phòng chống tai nạn thương tích, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em thì việc quan tâm bảo vệ trẻ em là nạn nhân trong các vụ bạo lực gia đình là rất quan trọng để giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng. Trước tình hình bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025. Mục tiêu Kế hoạch hướng tới việc nâng cao nhận thức, năng lực phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp các trường hợp, vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em của gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em và cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu hình thành chuẩn mực xã hội và tập quán ứng xử đối với trẻ em nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em.
Việc chấm dứt bạo lực gia đình với phụ nữ và trẻ em gái đòi hỏi sự tham gia tích cực của toàn xã hội, đặc biệt là nam giới, bởi họ chính là những người tạo nên sự thay đổi. Anh Trần Văn Quang ở tổ 16, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho biết, ở các thôn trong xã anh đều thành lập các tổ hòa giải. Đồng thời vào các ngày lễ Tết, bà con trong thôn thường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ để nâng cao tình đoàn kết, xây dựng các gia đình văn hóa tiêu biểu. Khi trình độ, đời sống văn hóa, tinh thần được nâng lên sẽ giảm thiểu những tiêu cực và mâu thuẫn trong mỗi gia đình và xã hội.
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực để từng bước giảm dần bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Mục tiêu có trên 70% người có nguy cơ bị bạo lực gia đình được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị bạo lực gia đình; phấn đấu 95% những người bị bạo lực gia đình khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe; trên 80% những người có hành vi bạo lực gia đình khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực; 95% xã, phường, thị trấn duy trì tốt mô hình phòng, chống bạo lực gia đình... Thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình sẽ góp phần xây dựng một xã hội ngày càng công bằng, dân chủ và văn minh.
Gửi phản hồi
In bài viết