Dù chuyển công tác qua 3 cơ quan khác nhau, nhưng công việc chính của tôi vẫn là làm báo. Quãng thời gian công tác tại Báo Tuyên Quang trong 8 năm đã để lại cho tôi vô số kỷ niệm khó quên, kỷ niệm về chuyến công tác cùng cán bộ kiểm lâm huyện Yên Sơn đến rừng nguyên sinh Đá Nản, thuộc thôn Khuổi Bốc, xã Trung Minh năm 2008 là một trong số đó.
Khuổi Bốc khi ấy là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Trung Minh. Thôn chỉ có người Dao sinh sống và tỷ lệ hộ nghèo lên đến 62%, nhưng điều đáng quý nhất là không một ai xâm phạm đến rừng vì lợi ích mưu sinh. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chiếc ao Tiên nước trong vắt tại cửa rừng, nhớ tảng đá to như chiếc bình phong che chắn cho khu rừng, nhớ sự tích ao Tiên mà người dân ở đây kể lại. Tôi xúc động khi nhìn thấy hàng nghiến mọc hàng ngang gần như thẳng tắp, cây nào cũng có đường kính trên 1 mét.
Chạm tay vào thân cây, tôi thầm nghĩ, có lẽ những cây nghiến cổ thụ này đã phải chắt chiu chất đất, vật lộn với gió bão cả mấy trăm năm rồi. Cùng với nghiến là các loài cây gỗ quý khác như trai, chò, kẹn, phay, sấu, vẩy ốc cũng có đường kính trên dưới 1 mét. Dưới chân là từng lớp thảm lá mục dày tới vài chục phân. Khu rừng nguyên sinh này rộng trên 650 ha, trong đó có nhiều khoảnh toàn gỗ quý như nghiến, trai. Đây cũng là khu rừng nguyên sinh giàu các loài cây gỗ quý nhất huyện. Ngoài ra, trong rừng vẫn còn nhiều loài động vật như kỳ đà, rùa đá, tắc kè, trăn, rắn, chim rừng, gà rừng cùng nhiều loài thảo dược quý hiếm khác. Tôi được các anh kiểm lâm tặng cho cây tổ quạ mang về trồng, giờ vẫn tốt xum xuê.
Sau chuyến đi ấy tôi viết bài phóng sự “Rừng nguyên sinh Đá Nản”, kể về chuyến đi, về những điều mắt thấy, tai nghe, về tình yêu rừng của các chiến sỹ kiểm lâm và người dân bản. Đó thực sự là những kỷ niệm khó quên từ nghề báo, sống mãi trong tôi những ký ức đẹp.
Gửi phản hồi
In bài viết