Văn học mạng: Tiện ích và bất cập

- Internet giống như cánh cửa bung mở với rất nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học. Không rõ khái niệm văn học mạng ra đời từ khi nào, nhưng nó đã thực sự trở thành trào lưu, giúp các tác giả, đặc biệt là các tác giả trẻ đưa những đứa con tinh thần của mình đến gần hơn với công chúng, độc giả. Xu thế này có nhiều tiện ích, nhưng cũng không thể tránh khỏi những bất cập trong việc quản lý nội dung, bản quyền...

Khi độc giả được đồng hành

Văn học mạng hiện nay gồm có 3 nhánh chính xuất phát từ các trang cá nhân; tạp chí văn chương điện tử tiếng Việt cập nhật đều đặn và nhánh văn học dân gian đương đại sáng tác và lưu truyền qua mạng. Điểm chung giữa các loại hình này là đều tồn tại trong một không gian phi chính thống, là tiếng nói của đại chúng, từ bộ phận bên trên của xã hội, tác giả chấp nhận vô danh, không sở hữu bản quyền.

Ở Việt Nam, văn học mạng hiện khá phát triển và có một lượng công chúng nhất định - trong đó chủ yếu là người trẻ. Tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện tranh... là những sản phẩm được nhiều người đọc đón nhận nhất.

Website của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh vừa được nâng cấp, góp phần đưa các tác phẩm mới đến với công chúng nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Nhà văn Trang Hạ - người chủ yếu thành danh nhờ sáng tác trên mạng cho rằng, tác phẩm được coi là văn học mạng khi được sáng tác từng phần trên mạng, quan trọng hơn là phải được độc giả tham gia vào quá trình sáng tác, thậm chí thay đổi cả kết cấu nội dung, văn phong của tác phẩm. Ở đó tác giả xây dựng được nhóm công chúng cho riêng mình, nhận những lời bình phẩm của độc giả để thay đổi tác phẩm của mình. Chính độc giả mới là người khai sinh tác phẩm văn học mạng chứ không phải nhà văn mạng. Sự đón nhận, truyền bá của bạn đọc mới biến một văn bản mạng thành một tác phẩm văn học mạng.

Chị Đàm Hường, thị trấn Na Hang thường xuyên tìm đọc các tác phẩm văn học mạng qua điện thoại những khi rảnh rỗi. Một phần vì các trang Web đọc truyện hiện rất phổ biến, một phần là chị có thể tranh thủ đọc ở bất cứ đâu mà không cần phải cầm theo sách. Những tác phẩm chị lựa chọn đọc qua mạng chủ yếu là tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc, vì dễ cảm nhận. Những cuốn sách có tính hàn lâm hơn, chị lựa chọn đọc sách giấy để có thời gian cảm nhận, nghiên cứu.

Ở Tuyên Quang, văn học mạng có trầm lắng và ít sôi động hơn các tỉnh, thành lớn,  nhưng nhiều tác giả đã nắm bắt xu thế này từ sớm để quảng bá các tác phẩm của mình từ rất sớm.

Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thèn Thị Hương cho biết, nhiều tác giả thông qua mạng Internet đã có “đơn đặt hàng” từ các báo, tạp chí... Nhà thơ Tạ Bá Hương mỗi tác phẩm thơ đăng tải trên trang cá nhân đều nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ, tương tác. Nhiều tác phẩm được các nhạc sĩ trong và ngoài tỉnh biết và phổ nhạc cũng nhận được hàng chục nghìn lượt xem.

Anh Bùi Hữu Thêm trước khi có thơ đăng trên các tạp chí văn nghệ, đều tự đăng tải, đưa các tác phẩm lên trang cá nhân của mình. Theo anh Thêm, đây là kênh ngắn nhất để các tác phẩm của mình đến với công chúng. Khen, chê, góp ý, bình luận, anh đều công khai để cùng với độc giả đi tìm tiếng nói chung nhất cho các tác phẩm. Sau này, các tác phẩm của anh được giới thiệu, đăng tải trên Tạp chí Tân Trào, Tạp chí Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang, sau đó được đăng tải lại trên trang Web của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, sản phẩm được biên tập và chỉnh sửa tốt hơn, chỉn chu hơn, anh cũng yên tâm hơn.

Bất cập trong quản lý

Văn học mạng là một bộ phận không thể tách rời của đời sống văn học đương đại. 

Theo ông Tạ Bá Hương, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Internet giúp các tác phẩm văn học đến gần, đến nhanh hơn với công chúng, tương tác trực tiếp với công chúng, nhưng cũng để lộ nhiều bất cập trong việc quản lý nội dung cũng như bản quyền.

Không qua biên tập, chỉnh sửa, không có người kiểm duyệt, việc đăng tải các tác phẩm lên Internet hoàn toàn phụ thuộc vào người sáng tác. Chính vì vậy, khó tránh được việc các tác phẩm mới này có nội dung chưa phù hợp về thuần phong mỹ tục hay chưa phù hợp với định hướng phát triển văn học nghệ thuật của cơ quan chủ quản. Bên cạnh đó, cũng có những tác phẩm có nội dung xuyên tạc, bóp méo về đề tài lịch sử dẫn đến những nhận thức sai lệch, thiếu toàn diện cho người đọc, nhất là người đọc trẻ. Chính điều này làm cho tác phẩm văn học mạng luôn tiềm ẩn các nguy cơ, nhất là nguy cơ với người đọc là thanh thiếu niên.

Thêm vào đó, là bất cập trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm. Trên thực tế, nhiều tác giả trẻ gần như ít để ý đến vấn đề bản quyền tác phẩm. Anh Hữu Thêm - người mới bước vào sân chơi này cho biết, việc tác phẩm của mình được chia sẻ lại, không đề tên tác giả, là “may mắn” bởi đã có nhiều người biết đến mình và yêu thích tác phẩm của mình.

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tạ Bá Hương cho biết, tới đây, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đang làm việc với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc để đăng ký, bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm của các tác giả trên địa bàn tỉnh. Đối với những sản phẩm có lượng người đọc cao, tương tác tốt, sẽ hỗ trợ để tác giả in sách, đăng tải trên các báo, tạp chí chính thống để giới thiệu đến độc giả.

Trước những giá trị và giới hạn của văn học mạng, điều cần làm là phải tạo được môi trường để những nhà văn trẻ chưa thành danh có cơ hội sáng tác và quảng bá tác phẩm đến với công chúng. Như mới đây, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức thành công cuộc thi viết truyện ngắn lần thứ nhất, thu hút rất nhiều gương mặt mới tham gia. Hội cũng đã nâng cấp trang điện tử của hội, đăng tải thường xuyên các tác phẩm của các tác giả để khuyến khích các tác giả tiếp tục sáng tác, góp phần làm cho văn học mạng trở thành một động lực tích cực cho sự phát triển của nền văn học tỉnh nhà hiện nay.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục