Người thuần dưỡng dược liệu quý
Phải hẹn rất nhiều lần, chúng tôi mới có dịp gặp anh Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Thuận Hằng, xã Thái Sơn (Hàm Yên) - người đã thuần dưỡng thành công nhiều dược liệu quý. Đón chúng tôi trên lưng chừng núi Kai Con, xã Nhân Mục (Hàm Yên), dưới bầu không khí sương giăng, mây phủ, anh Thuận niềm nở khoe, lên núi để mục sở thị cây cát sâm - một trong những cây dược liệu quý hiếm nhất nơi rừng xanh, núi thẳm đã được anh thuần dưỡng về sống gần dân bản.
Anh Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc HTX Dược liệu Thuận Hằng hỗ trợ người dân kỹ thuật chăm sóc cây cát sâm.
Kể về hành trình thuần dưỡng các loài cây dược liệu như thể là cách để anh Thuận chuộc lỗi với rừng. Thuở mười năm, mười bảy tuổi vừa chăn trâu anh Thuận đã biết mang mai, mang dao vào rừng tìm cây thuốc bán cho ông lang, bà mế. Bán quanh bản, quanh làng giá rẻ, anh Thuận kết nối với thương lái miền xuôi gom hàng, công dụng từ các loại cây thuốc quý rất tốt với sức khỏe con người nên việc khai thác cũng nhiều hơn. Anh Thuận nhớ lại, thời điểm 2010-2012 thị trường dược liệu khan hiếm, cây cát sâm, máu chó, gắm... giá cứ lên vù vù, đến cả triệu đồng/kg nhưng ngặt nỗi cây thuốc trong rừng đã cạn kiệt, thậm chí dãy núi lớn trên địa bàn huyện như Cao Đà, Cham Chu tìm được cây thuốc còn khó nhọc.
Nguồn cây thuốc quý khan hiếm và ý tưởng thuần hóa cây dược liệu nhen nhóm từ đó. Anh Thuận kể, 4 năm đằng đẵng tìm kiếm đưa về thuần dưỡng các loại cây dược liệu đã lấy đi của anh không biết bao công sức, tiền của. Điển hình như cây sâm bố chính, ươm mầm, nhân giống đều được nhưng khi đưa ra trồng thì cây nhiễm nấm và chết sạch. Cây máu chó, gắm cũng vậy lần lượt chết khi đem ra trồng ở vườn đồi. Đến cây cát sâm, anh Thuận phải di chuyển lên vùng núi cao, ráo nước nhưng mát mẻ để trồng, kết quả thật bất ngờ cây phát triển tốt, ít sâu bệnh. Dù vậy cây vẫn phải chăm sóc rất tỉ mỉ, công phu. Anh Thuận dẫn chứng, sở dĩ cát sâm phát triển tốt như này cũng bởi khí hậu núi Kai Con quanh năm mát mẻ. Đặc tính của cây dược liệu là không được bón phân hóa học hay phun bất kỳ loại thuốc gì, hoàn toàn thuận theo tự nhiên, dù mỗi loại cây sinh sống ở môi trường khác nhau dưới tán rừng, bìa rừng nhưng tựu chung là phải mát mẻ, ráo nước và tùy công dụng của cây mà có chế độ chăm sóc khác nhau. Cụ thể như cây cát sâm lấy củ là chủ yếu phải thường xuyên ngắt ngọn, lá cho cây không nuôi lá, nuôi thân mà tập trung xuống củ. Cây sâm càng nhiều tuổi, củ càng lớn, giá càng cao.
Anh Thuận tự tin khẳng định, giờ bà con không phải mang mai, mang cuốc lên rừng tìm kiếm cây thuốc quý mà hoàn toàn có thể trồng được. Hợp tác xã Thuận Hằng sẵn sàng cung ứng giống, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trồng các loại dược liệu quý. Trên thực tế Hợp tác xã cũng đang liên kết với 30 hộ ở khắp các xã, thị trấn trên địa bàn Hàm Yên trồng khôi nhung, cát sâm, sa nhân, đu đủ đực... với diện tích 48,6 ha, trong đó, nhiều rừng cây khôi nhung, sa nhân đã cho thu hoạch với giá 300-500 nghìn đồng/kg, riêng cát sâm, nhiều rừng cây có tuổi 3-4, 5 năm, dự tính sang năm sẽ cho thu hoạch. Viện Y học bản địa Thái Nguyên và Công ty Dược phẩm Bình Minh (Bắc Giang) đã lên làm việc ký kết thu mua khi cây dược liệu đến kỳ thu hoạch, anh Thuận phấn khởi khoe.
Anh Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc HTX Dược liệu Thuận Hằng kiểm tra rừng cát sâm tại xã Nhân Mục.
Đánh thức tiềm năng
Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cùng với độ che phủ rừng lớn trên 65% đây là môi trường lý tưởng để cây dược liệu phát triển. Tại nhiều địa phương, một số tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học, kinh nghiệm sản xuất vào việc thuần dưỡng, bảo vệ nguồn gen dược liệu quý đang được thực hiện khá tốt.
Bảo vệ nguồn gen dược liệu quý hiếm, từ năm 2018, tỉnh ta đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dược đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó định hướng phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng với mục tiêu, giai đoạn 2021-2025 với diện tích 300 ha. Toàn tỉnh đã thực hiện 10 đề tài, dự án khoa học - công nghệ cấp tỉnh, cấp huyện về phát triển cây dược liệu, trong đó có nhiều dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng, như: thâm canh cây sa nhân, cà gai leo, ba kích, xạ đen,...
Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) Ma Đình Sắc chia sẻ, từ năm 2018, người dân trong xã đã trồng 2 ha cây khôi nhung, một trong những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao trồng dưới tán rừng. Người dân được đơn vị thu mua hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. 1 kg lá cây khôi nhung khô được đơn vị liên kết thu mua với giá từ 200 đến 300 nghìn đồng. Xã Hùng Mỹ cũng đã kết nối với Trung tâm Đào tạo nghề nông nghiệp và Tư vấn phát triển nông thôn (Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ) hỗ trợ xây dựng vùng dược liệu an toàn có chỉ dẫn địa lý.
Tại huyện Sơn Dương, có 3 xã: Hợp Hòa, Trường Sinh và Văn Phú đã đưa cây cà gai leo vào trồng trên diện rộng, giá thu mua cây tươi khoảng 30 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi sào cũng thu gần chục triệu đồng/vụ. Năm 2021, sản phẩm cà gai leo của xã Hợp Hòa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra diện tích cây sa nhân tại xã Thái Sơn (Hàm Yên).
Toàn tỉnh có khoảng 600 loài cây thuốc chữa bệnh được phân thành 11 nhóm thuốc, trong đó, có một số loài cây dược liệu quý có giá trị cao như: Hoàng liên chân gà, tam thất vũ diệp, tiết trúc sâm, ba kích, cát sâm, sâm đương quy, nấm tỏa dương, thổ phục linh, quế...
Đồng chí Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, tỉnh đã chủ động mời gọi các doanh nghiệp chế biến dược phẩm, các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về dược liệu, các nhà khoa học trong và ngoài nước thông qua liên kết kinh tế và các chương trình khuyến nông, các dự án khoa học - công nghệ của các bộ, ngành Trung ương để phát triển cây dược liệu trên địa bàn. Qua đó, vừa khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương đồng thời, gìn giữ, bảo tồn những nguồn gen quý, từng bước đưa cây dược liệu trở thành cây trồng “mũi nhọn”, hướng đến nâng cao giá trị canh tác.
Điều mừng hơn cả là gần đây, cây dược liệu đã và đang được các địa phương trong tỉnh gắn với phát triển du lịch, trên cơ sở các tiềm năng về cảnh quan, thổ nhưỡng, khí hậu và tri thức văn hóa bản địa của từng vùng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mai Thị Hoàn khẳng định, cây dược liệu đã và đang mang lại đa giá trị cho sức khỏe con người, kinh tế và môi trường.
Gửi phản hồi
In bài viết