Điểm hẹn mùa xuân

- Thôn Biến là thôn xa nhất, cách trung tâm xã Phúc Sơn (Lâm Bình) 14 km. Nơi đây có hai dân tộc cùng sinh sống nhưng dân tộc Dao đỏ chiếm đa số. Lên với thôn Biến, ai cũng cảm nhận thấy không gian của mùa xuân ngập tràn trong bản sắc văn hóa dân tộc Dao, Tày và được thưởng thức không khí trong lành, khung cảnh bình yên nhưng mang đầy sức xuân.

 

Giữ gìn hồn cốt dân tộc

Người dân ở thôn Biến luôn đoàn kết để giữ gìn bản sắc văn hóa. Tuy là hai dân tộc khác nhau cùng sinh sống nhưng người Dao Đỏ ở đây coi việc giữ gìn văn hóa của dân tộc Tày như giữ gìn văn hóa của dân tộc mình và ngược lại. Vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, thôn Biến đều tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao. Tuy nhiên trong ngày này, nhiều trò chơi dân gian của hai dân tộc Tày, Dao đều được tổ chức như thi tung còn, đánh Pam, thi thổi tù và, bắn nỏ, thi trèo cây chuối, thêu thổ cẩm, thi hát Páo dung... Chúng tôi bắt gặp những người phụ nữ Dao Đỏ đang ngồi quây quần ở sân nhà của chị Hỏa Thị Thêu để làm những chiếc còn thật đẹp, chuẩn bị thi tung còn. Chị Thêu cho biết, chị là người Dao, còn khâu còn là nét văn hóa của người Tày nhưng khi đã chung sống cùng nhau thì không phân biệt người Dao hay Tày mà đều là anh em. Bởi vậy, chị đã học được cách khâu còn đẹp chẳng khác gì những phụ nữ Tày.

Những phụ nữ Dao Đỏ thôn Biến khâu còn cầu nguyện cho năm mới nhiều may mắn.

Ở đây, những người phụ nữ Tày, Dao còn thành thạo trong việc thêu thùa trang phục truyền thống. Vào các ngày lễ của hai dân tộc, các chị em đều diện những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất. Chị Đặng Thị Cói, 32 tuổi cho biết: “Phụ nữ Dao không biết thêu thổ cẩm, làm trang phục truyền thống như con chim không biết bay về tổ, như con suối không có nguồn”. Bên cạnh việc gìn giữ trang phục dân tộc, người Dao nơi đây còn giữ gìn những điệu hát Páo dung. Vào các ngày lễ, Tết, thôn thành lập các đội thi hát Páo dung.

Đến thôn Biến muốn nghe tiếng tù và thì những chàng trai, thậm chí cụ già trên 80 tuổi luôn sẵn lòng thổi. Bí thư Chi bộ Ma Phúc Hiền cho biết, trong thôn, nhiều cụ già biết thổi tù và khi không còn sức khỏe để thổi đã truyền lại cho con, cháu từ rất sớm nên nhiều trai tráng, thanh niên trong thôn đều biết thổi tù và. Vì vậy, gần như nhà nào cũng có một chiếc tù và, coi đó là linh vật trong gia đình. Trong ngôi nhà của ông Đặng Quý Hưng, 81 tuổi, những chiếc tù và được ông cất và giữ gìn cẩn thận ở vị trí trang trọng trong ngôi nhà. Con trai ông là Đặng Phúc Năng nâng một chiếc tù và từ các cụ đời trước truyền lại và thổi, âm thanh rền vang cả núi rừng.

Anh Đặng Phúc Năng, thôn Biến, xã Phúc Sơn biết thổi tù và khi còn rất trẻ.

Việc giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc đã làm cho thôn Biến mang một sức sống mới trong những ngày đầu năm, đem đến sự hứng khởi cho mỗi người, mỗi nhà trong không gian của văn hóa dân tộc.

Nhộn nhịp khí thế lao động

Vừa đặt chân đến đầu thôn Biến, chúng tôi đã nghe thấy tiếng máy bừa làm đất, tiếng nói cười rộn rã trên khắp các cánh đồng. Đồng chí Ma Văn Chất, công chức Văn hóa - Xã hội xã bảo: “Năm nào cũng vậy, người dân thôn Biến ra đồng sản xuất sớm nhất trong các thôn. Từ mùng 4 Tết, nhiều nhà đã khai xuân làm đất trồng lạc rồi”. Những ngày này, gặp được Trưởng thôn Ma Phúc Hiến rất khó vì gia đình anh làm dịch vụ bừa đất cho bà con đến tối mịt mới về tới nhà. Anh Hiến cho biết, nhận thấy việc cơ giới hóa nông nghiệp thực sự rất cần thiết để nâng cao năng suất, sản lượng của cây lạc nên gia đình anh đã đầu tư gần trăm triệu đồng mua máy bừa từ mấy năm trước về phục vụ nhân dân trong những ngày làm đất. Nếu như trước đây, chỉ có gia đình anh có máy bừa đất làm lạc thì nay trong thôn đã có nhiều gia đình chịu đầu tư. Tranh thủ những ngày thời tiết có nắng đẹp, anh vận động bà con đồng loạt ra đồng làm đất để trồng lạc vụ xuân đúng khung thời vụ, bởi khí hậu ở thôn Biến bao giờ cũng lạnh hơn những thôn khác.

Đường về thôn Biến, xã Phúc Sơn dịp đầu năm trở nên khang trang.

Vài năm trở lại đây, tận dụng khí hậu quanh năm mát mẻ, người dân ở thôn Biến không chỉ trồng lạc mà bắt đầu trồng cam sành. Toàn thôn hiện có 15ha cây cam sành cho thu quả. Ngay sau Tết, nhiều gia đình đã lên đồi cam cải tạo đất, cắt tỉa cam để chuẩn bị cho cam bước vào chu kỳ mới.

Nhiều gia đình ở đây ngay từ mùng 3 Tết đã chỉnh trang nhà cửa, trồng hoa, cải tạo khuôn viên nhà ở để đón khách du lịch. Toàn thôn hiện có 6 homestay, dự kiến trong năm nay sẽ có thêm 4 gia đình làm Homestay. Chị La Thị Thanh, chủ Homestay Thanh Hiền cho biết: “Gia đình mình đã đón đoàn khách du lịch đầu tiên trong năm nay vào đúng mùng 3 Tết. Khách lên để check - in tại những cây hoa mận, thưởng thức khí hậu trong lành và những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc. Vì vậy ngay sau khi đón Tết, gia đình mình đã trồng thêm hoa cúc làm điểm check - in cho du khách và vệ sinh, dọn dẹp lại nhà cửa để đón khách”. Không chỉ khai xuân dịch vụ homestay từ rất sớm mà gia đình chị Thanh cũng đã nhận những đơn hàng lợn đen, rau sạch ở các tỉnh, thành trong cả nước từ mùng 6 Tết.

Đầu xuân lên với thôn Biến - một thôn xa nhất của xã vùng cao Phúc Sơn nhưng chúng tôi cảm nhận thấy rõ không khí hăng say lao động của người dân hòa quyện trong không gian đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Người dân nơi đây đang từng ngày gìn giữ, dựng xây một điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục