Những ngày xuân, bản làng khoác lên mình bộ cánh mới đầy sức sống. Nhịp sống bình dị của người dân dường như trở nên hối hả, rộn ràng hơn, nhà nhà khẩn trương chuẩn bị đón Tết. Các bà, các mẹ tranh thủ ra đồng gieo mạ trên những thửa ruộng để chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Trong vườn, từng cây nhỏ, cây to được đôi bàn tay khỏe khoắn của cha, của ông buộc những mảnh giấy đỏ, như một cách để chúng cũng được đón Tết. Lộc non mới nhú, hàng cây thầm thì reo vui như hưởng ứng…
Trải nghiệm Khinh khí cầu vùng cao. Ảnh: Lê Đức
Đầu làng, nơi con suối trong vắt chảy qua, các bà các mẹ vừa nhanh tay rửa những tập lá dong cho kịp gói bánh đón Tết, vừa sôi nổi khoe với nhau những việc đã làm được trong năm cũ. Để rồi khi chiều muộn, khói cuộn mình bay lên trên mái bếp của từng nếp nhà sàn, mọi người quây quần lại, hồ hởi gọi nhau cùng gói bánh chưng.
Theo truyền thống, nhà nào cũng gói mấy cặp bánh chưng vuông, để lên bàn thờ mời tổ tiên về vui Tết cùng con cháu. Còn lại gạo và nhân đỗ là gói những chiếc bánh chưng gù đặc trưng của đồng bào mình. Giữa đêm đông lạnh buốt bởi gió núi, căn bếp thô sơ được dựng lên giữa sân cháy rừng rực, tỏa ra mùi thơm nồng, quánh đặc của nồi bánh chưng đang sôi sùng sục cũng là lúc người già kể các câu chuyện cổ tích cho lũ trẻ nghe chờ đến thời khắc giao thừa.
Ngày đầu tiên của năm mới, trên bãi đất trống đầu làng, dòng người kéo đến mỗi lúc một đông. Lễ hội Lồng tông, lễ hội lớn nhất năm của đồng bào Tày, mời gọi khách phương xa với trò chơi dân gian truyền thống như: tung còn, đẩy gậy, kéo co, đu quay, đi cà kheo…
Như lời ước hẹn, năm nào trò chơi tung còn cũng được chọn để mở hội, khai xuân. Mỗi chàng trai đến hội xuân mang theo quả còn hình vuông, có bảy sắc tua rua rực rỡ. Trong ruột quả còn là những hạt thóc hay hạt đỗ, vừng… Tiếng trống náo nức, âm vang tưng bừng cất lên, từng quả còn bay vút lên vòm trời, chao lượn nhịp nhàng. Tiếng hò reo vang vọng, dậy đất khi còn bay qua trúng vòng tròn tâm trên đỉnh cột.
Lễ hội Lồng tông diễn ra vào dịp đầu xuân hàng năm. Ảnh: Đức Lê
Chị Hoàng Thị Tranh, thôn Nà Khá, xã Năng Khả (Na Hang) từ trước Tết đã cùng chị em chuẩn bị vải, nhồi các loại hạt giống, nắm cát vào từng quả còn màu sắc. Xanh, đỏ, tím, vàng, những sắc màu nổi bật, ấm áp như mời gọi một năm mới vui tươi, no ấm. Trong nắng vàng mềm mại như tơ của mùa xuân, chàng trai đầu tiên ném trúng vòng thật hãnh diện trước sự ngưỡng mộ của dân làng. Còn cô gái được quả còn rơi trúng người là tín hiệu vui để người chủ còn tìm bạn trăm năm. Chị Tranh bảo, mình đã ở tuổi 40, nhưng năm nào hội làng, cũng thấy háo hức và rộn ràng như cô gái mới lớn.
Năm nay, đồng bào các dân tộc ở Trung Hà (Chiêm Hóa) đón xuân vui hơn, khi Lễ hội Lồng tông truyền thống của đồng bào Tày và Nghi lễ nhảy lửa của người Dao đỏ của bà con được phục dựng; Tri thức về cọn nước của người Tày xã Trung Hà và Hà Lang (Chiêm Hóa), xã Côn Lôn (Na Hang), xã Phúc Yên (Lâm Bình) được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cũng được tổ chức cách đấy không lâu. Trong đó, Lễ hội Lồng tông được nâng cấp thành Lễ hội cấp xã, khai hội ngày mùng 4 tháng Giêng. Với người Dao, người Mông, người Tày ở Trung Hà, niềm vui nối tiếp niềm vui, năm mới dường như đến sớm hơn và vui hơn rất nhiều.
Từ sáng sớm, chị Quan Thị Hiền, xã Trung Hà đã soạn sửa áo quần thật đẹp rồi cùng các chị em trong thôn tập trung ở sân vận động xã chơi đánh pam, đánh yến. Chị Hiền không nhớ, trò chơi đánh yến có từ bao giờ, chỉ biết từ nhỏ đã được nghe các bà, các mẹ kể rằng, đánh yến có nguồn gốc từ câu chuyện về một chàng trai ở Mường Trời. Trong một chuyến du xuân xuống hạ giới, chàng đã phải lòng một cô gái và mỗi khi uống rượu say, chàng lại rủ người yêu của mình đánh yến để giã rượu.
Người Dao đỏ thôn Phiêng Tạ, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Bàn Thanh
Cách đấy không xa là nhóm người làng với trò chơi đánh yến. Trò chơi đánh yến thường được chia thành hai đội gồm cả nam và nữ, mỗi đội có 4 người. Đặc biệt, ở giữa còn được dựng một cột tre cao, bên trên là một vòng tròn, người chơi đánh qua vòng tròn đó để cầu may mắn, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khoẻ và bình an cho năm mới. Tiếng yến vút qua vút lại trong tiếng hò reo cổ vũ của người xem. Cứ như vậy, tạo không khí sôi nổi, vui tươi trong những ngày Tết. Nhiều nam thanh nữ tú, từ đánh yến mà nên duyên, thành vợ thành chồng.
Dạo khắp các bản làng vùng cao của Tuyên Quang, không khí Tết nơi nào cũng rực rỡ và tròn đầy như thế. Với đồng bào, Tết bắt đầu từ khi trước hiên nhà phơi những tấm váy áo mới của bà của mẹ. Là khi hương rượu ngô ấm nóng lan trong làn khói bếp. Là khi những thửa ruộng trước nhà rực vàng màu hoa cải, bản làng vùng cao khoác tấm áo choàng rực rỡ màu sắc, cùng tiếng sáo, tiếng khèn cất thanh âm dìu dặt xóa đi làn sương buổi sớm. Tết cũng là lúc những chàng trai, cô gái ríu rít buổi hẹn hò, hẹn nhau một năm mới trọn vẹn niềm vui.
Gửi phản hồi
In bài viết