Bản làng vui Tết

- Bản làng xứ Tuyên những ngày đầu xuân như nàng thiếu nữ dịu dàng, e ấp. Trong làn sương mờ ảo, sắc hồng của hoa đào, sắc trắng của hoa mận như đang đánh thức núi rừng. Mùa xuân về, mỗi dân tộc đều có cách đón Tết riêng với những phong tục, nghi lễ riêng biệt tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu.

Vui Tết bản Tày

Trước Tết cả tháng, các gia đình người Tày ở bản làng Tuyên Quang đã chuẩn bị lợn tết, gà, gạo nếp ngon và lá dong để gói bánh chưng… và một phần không thể thiếu được đó là củi đun. Mỗi gia đình đều chuẩn bị 3 đoạn củi to bằng loại gỗ rắn chắc để khi đun đoạn củi có thể cháy suốt 3 ngày Tết mà không cháy hết và tắt lửa. Bếp lửa vừa để giữ ấm trong những ngày giá rét, vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho một gia đình hạnh phúc, hòa thuận êm ấm, cuộc sống no đủ, sung túc trong cả năm.

Phụ nữ người Tày thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh, Chiêm Hóa đón Tết.

Ngày 30 tết, chủ nhà thường là đàn ông làm nhiệm vụ sửa sang bàn thờ, quét sạch bụi bẩn, đốt rơm lúa nếp sạch lấy tro bù vào bát hương, cắm lại chân hương và đặt vào chỗ cũ; lấy nước lá bưởi lau rửa các đồ thờ. Trước các bát hương, bày khay hoa quả vào chính giữa; hai bên đặt bánh chưng, bánh khảo, mứt, kẹo... Mỗi bên bàn thờ dựng một cây mía to, lá được buộc túm cụm vào nhau như đầu rồng... bày trí gọn, đẹp tạo được không khí tĩnh lặng và nghiêm trang.

Chiều 30 Tết gia đình nào cũng mổ gà cúng tất niên. Sáng ngày mùng 1 tết, ông bà, cha mẹ mừng tuổi, dặn dò con cháu đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ở nhiều nơi, ngày đầu tiên của năm mới, người Tày có truyền thống đi lấy nước đầu năm. 

Đón Tết của dân tộc Cao Lan

Tết Nguyên Đán của người dân tộc Cao Lan thường được bắt đầu từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Vào ngày Tết, những ngôi nhà ở bản làng người Cao Lan lại bừng sáng trong sắc đỏ. Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành và tượng trưng cho khí dương, ánh nắng mặt trời. 

Theo thường lệ vào ngày 30 Tết, gia chủ dậy từ sáng sớm để trang hoàng nhà cửa. Chủ nhà cắt giấy thành những nét hoa văn và có hình con chim đang bay lượn, hình con cá đang bơi... để dán vào bàn thờ, cửa, dụng cụ sản xuất... thể hiện sự khéo léo và mong muốn những điều may mắn nhất sẽ đến trong năm mới.

Ngày 30 Tết là quan trọng và đặc biệt nhất trong năm, sau khi vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Đến đêm Giao thừa, chủ nhà thường pha một ấm trà, rót ra chén, để ở các ban thờ mời tổ tiên (thường gọi là tục lệ cúng nước mới). Nước pha trà có một điều đặc biệt rằng, đúng giờ sang canh năm mới, chủ nhà phải lấy nước ở giếng sâu hoặc và trong khe đá. Nước đó phải thật mới, trong veo, sạch sẽ như thể hiện được tấm lòng của chủ nhà.

Tết của dân tộc Dao

Trước Tết từ 1 đến 2 tháng bà con người Dao ở khắp các bản làng tất bật chuẩn bị gạo, mộc nhĩ, măng khô, lạp xườn, thịt lợn, rượu men lá… để làm cỗ Tết. Từ 26, 27 tháng Chạp, các gia đình đã bắt đầu gói các loại bánh như bánh chưng, bánh tro, chè lam, bánh khảo. 

Người Dao ở Phai Đá, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) giã bánh dày đón Tết.

Sáng sớm mồng 1 Tết, gia chủ sẽ dậy sớm để đi làm lễ tạ ơn thần nước, thần cây. Điều này thể hiện rất rõ quan niệm, mọi vật đều có thần linh ngự trị của đồng bào Dao.

Mỗi gia đình người Dao đều tổ chức bữa cơm đầu năm mới vào lúc 8 - 9 giờ sáng. Ai chưa ăn cơm chưa được ra khỏi nhà đi chơi. Vì người Dao đỏ tâm niệm ngày đầu năm mà nhịn đói thì cả năm xui xẻo, bước ra khỏi nhà với bụng no thì có nghĩa cả năm được may mắn, ấm no. Sau bữa cơm đầu năm, mọi người có thể đi chơi chúc Tết ông bà, anh em, bạn bè. 

Tết ở bản Mông

Ở nhiều bản làng, từ đầu năm gia đình người Mông nuôi sẵn một con lợn để cuối năm đón Tết. Đêm 30 Tết, người Mông cúng “ma nhà” (tổ tiên) bằng một con lợn và một con gà trống còn sống, rồi mang lợn và gà ấy đi giết thịt, sau đó đem cúng một mâm thịt chín. Người Mông không đón Giao thừa, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mồng Một là cái mốc đánh dấu một năm mới của người Mông bắt đầu.

Sắc trắng của hoa mận ở thôn Nà Héc, xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa khiến bao người say đắm tìm về.

Trong những ngày đầu năm mới, người Mông kiêng không quét nhà, nếu có quét thì chỉ quét vào trong và không hót đổ đi, làm như vậy là sang năm mới sẽ mất của. Không chỉ có vậy, trong dịp Tết, chuyện ăn, chuyện dùng lửa của người Mông cũng còn mang nhiều điều kiêng kỵ đầy thú vị. Ngày Tết người Mông chỉ được nhóm lửa chứ không được thổi lửa, làm như vậy cả năm sẽ gặp gió bão.

Tết cũng là dịp người Mông tổ chức các trò chơi truyền thống như đánh tu lu (đánh cù), ném pao, đánh quay… Họ gặp gỡ chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, bình an.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục