Phụ nữ dân tộc Mông tại chợ phiên Hùng Lợi.
Lưu giữ những giá trị văn hóa
Từ sáng sớm, trong làn sương mờ, khắp các ngả đường ở xã vùng cao Hồng Quang, bà con các dân tộc náo nức về chợ trung tâm xã. Ngôi chợ ở vị trí trung tâm xã, gần Quốc lộ 279 nên thu hút được nhiều tiểu thương ở trong tỉnh và tỉnh Hà Giang đến buôn bán. Những mặt hàng Tết từ xuôi đưa lên như quần áo, giày dép, đồ gia dụng, điện tử, nông cụ. Nhiều mặt hàng của người dân sản xuất cũng được mang đến phiên chợ. Từ các loại rau đặc sản như giảo cổ lam, rau đắng, rau rớn, cải nương cho đến măng khô... Đặc biệt, những sản phẩm thổ cẩm độc đáo của người Pà Thẻn cũng được bày bán ở nhiều vị trí trong chợ khiến chợ Hồng Quang mang đậm bản sắc riêng của mình.
Chị Húng Thị Kỳ, ở thôn Thượng Minh đến chợ từ sớm để bán lá dong. Chị bảo, năm hết, Tết về gia đình tranh thủ hái lá dong và thu hoạch gừng tươi đem ra chợ bán cho người dân và lái buôn ở miền xuôi. Tiền bán nông sản chị đem mua giày dép, quần áo mới cho các con đang theo học trường bán trú của xã và mua thêm nông cụ để ra Tết vào vụ sản xuất mới.
Nếu như chợ Hồng Quang mang sắc màu của người Pà Thẻn, người Tày, người Dao thì chợ Hùng Lợi (Yên Sơn) lại có những nét văn hóa rất riêng biệt của người Mông. Trong chợ, ngoài những mặt hàng thiết yếu, luôn có nhiều gian hàng bán trang phục của người Mông. Chị Lý Thị Nhình, thành viên Câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mông, xã Hùng Lợi chia sẻ: Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa tại các huyện Yên Sơn, Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Vì thế, năm nay chị và nhiều thành viên trong Câu lạc bộ đã dành nhiều thời gian để thêu những hoa văn để làm trang phục của đồng bào dân tộc mình. Ở chợ, nhiều chị em ở các bản làng trong và ngoài xã không chỉ đến mua hàng mà còn đến học hỏi, chỉ dẫn nhau cách thêu trang phục.
Chợ phiên Hồng Quang (Lâm Bình).
Nét đẹp văn hóa vùng cao
Cùng với chợ Hùng Lợi, chợ Hồng Quang còn có nhiều phiên chợ hấp dẫn khác như chợ Đà Vị (Na Hang); chợ Trung Hà, Linh Phú, Tri Phú (Chiêm Hóa); chợ Tuân Lộ nay là xã Tân Thanh (Sơn Dương)... Những phiên chợ ngày thường đã đông vui, nhộn nhịp, cận Tết lại càng thêm đông đúc, náo nhiệt và thể hiện đậm nét hơn bản sắc của mỗi bản làng vùng cao.
Mỗi chợ phiên đều ấn định mở bán vào 1 ngày trong tuần, nhưng gần Tết, nhiều chợ không chỉ họp theo phiên mà buôn bán thường xuyên hơn. Người ta bán dăm ba thứ có trong vườn, trong chuồng hay kiếm được trên rừng, không nói thách và người mua cũng không mặc cả. Thứ họ trao nhau là niềm vui, sự ấm áp, chân thành.
Đồng chí Ma Văn Lập, Bí thư Đảng ủy xã Trung Hà (Chiêm Hóa) chia sẻ: Chợ phiên của xã có sức mua và bán khá lớn. Xã định hướng phát triển chợ phiên theo hướng trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm bản sắc địa phương, để cùng với danh thắng Thác Bản Ba, du khách sẽ có thêm địa chỉ đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm. Thông qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao dần mức sống người dân vùng cao.
Cùng với sự phát triển của xã hội, xuất hiện ngày càng nhiều các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Tuy vậy, chợ Tết ở vùng cao luôn mang những nét hấp dẫn, đặc sắc riêng, là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Mỗi phiên chợ ở vùng cao đều có những nét đặc trưng riêng biệt. Nét văn hóa ấy có thể ẩn trong phương cách đi chợ, có thể ẩn trong hàng hóa, trong tâm thức người đến chợ. Và hơn hết là được chứng kiến sự thân tình, hòa nhã, sự chân chất, mộc mạc của cả người bán và người mua.
Gửi phản hồi
In bài viết