Tưng bừng lễ hội xuân

- Đầu xuân năm mới, du khách thập phương khắp nơi lại đổ về xứ Tuyên trẩy hội. Những lễ hội đầu xuân mang nét văn hóa đặc sắc cũng là dịp để Tuyên Quang quảng bá hình ảnh, nét đẹp của thiên nhiên, con người nơi đây.

Lễ hội chùa Hương Nghiêm

Chùa Hương Nghiêm (chùa Hang) thuộc địa phận thôn Phúc Lộc, xã An Khang, TP Tuyên Quang. Đây là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỉ XVI, thời Mạc Đăng Doanh, trong một hang núi đá.

Hiện tại, chùa còn lưu giữ được tấm bia cổ khắc trên vách đá, hai pho tượng Bồ tát bằng đồng, giá đọc văn tế, hương án, mâm đồng thời Nguyễn...

Lễ hội chùa Hương Nghiêm năm nay bắt đầu từ 29-1 đến 1-2 (tức từ 8-1 tháng Giêng). Những ngày khai hội, dân làng lại mở hội tế lễ cùng những trò chơi dân gian đặc sắc.

Các năm trước, Lễ hội chùa Hương Nghiêm thu hút hàng nghìn người từ khắp nơi về tham gia lễ rước nước và lễ cầu an. Nước tế Lễ được lấy từ sông Lô rồi rước về chùa để cúng trong ngày hội và làm lễ trong suốt cả năm.

Lễ hội đình Giếng Tanh

Đã thành thông lệ, Lễ hội đình Giếng Tanh được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng Giêng tại xã Kim Phú (TP Tuyên Quang). Lễ hội thường được diễn ra trong vòng một ngày. Ngoài những hoạt động mang ý nghĩa tâm linh đậm đà bản sắc của người Cao Lan, Lễ hội còn có các hoạt động văn hóa, thể thao sôi động.

Tham gia Lễ hội, du khách sẽ được sống trong không gian văn hóa đặc trưng của người Cao Lan. Đồng thời, tận hưởng những điệu Sình ca, các điệu múa truyền thống, trò chơi ném còn sôi động.

Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La

Đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La là những công trình kiến trúc cổ có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc. Đồng thời, có sự linh thiêng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Đây là nét đẹp tâm linh trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam.

Đoàn rước Mẫu di chuyển từ đền qua các con phố trên địa bàn thành phố.

Năm 2018, Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La đã được công nhận là Di tích văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La năm 2023 được tổ chức từ ngày 1 đến 7-3 (tức từ ngày 10 đến 16 tháng 2 âm lịch). Lễ hội được tổ chức tại đền Hạ (phường Tân Quang), đền Ỷ La (phường Ỷ La), đền Thượng (xã Tràng Đà).

Tham gia Lễ hội, du khách sẽ được chiêm ngưỡng Lễ rước Kiệu Mẫu với nghi thức trang nghiêm. Ngoài ra, những trò chơi dân gian như đấu vật, đánh cờ người, múa lân cũng được diễn ra rất sôi nổi.

Lễ hội Lồng Tông (dân tộc Tày)

Lễ hội Lồng Tông (hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng) là lễ hội lớn nhất của người Tày diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày 15 tháng Giêng hằng năm trên địa bàn tỉnh, là lễ hội phản ánh mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Nghi lễ truyền thống cúng tế đất trời, thần linh ban tặng cho mưa thuận gió hòa tại Lễ hội Lồng Tông huyện Lâm Bình.

Lễ hội được tổ chức theo trình tự: Lễ rước, lễ đặt mâm tồng, lễ dâng hương, lễ tế thần, lễ cầu mưa, lễ dâng rượu, lễ hóa dâng văn tế, phần cuối có lễ hạ điền. Phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc: Tung còn, múa lân, hát Then…

Đây là một trong những lễ hội truyền thống thực sự trở thành nơi bảo tồn, và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, được xem là một bảo tàng sống và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Năm 2013, Lễ hội Lồng Tông của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Cầu may và Cầu mùa (đình Tân Trào)

Lễ hội Cầu may và Cầu mùa diễn ra vào ngày mùng 2 và mùng 4 tháng Giêng hàng năm tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.

Lễ hội đình Hồng Thái, xã Tân Trào (Sơn Dương).

Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày gắn với Di tích lịch sử văn hóa đình Hồng Thái và đình Tân Trào mang ý nghĩa tâm linh và giáo dục truyền thống cách mạng cho Nhân dân.

Lễ hội Cầu may và Cầu mùa gồm 2 phần: Phần lễ được tổ chức cúng tế trong đình với ước muốn của người dân cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi nhà ấm no, hạnh phúc và tỏ lòng thành kính với các vị thần Thành hoàng làng có công khai canh lập địa, giúp cho Nhân dân sinh cơ lập nghiệp bình yên, hạnh phúc. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: Cày bừa, khai địa, kéo co, tung còn…

Lễ hội đã trở thành hoạt động văn hóa không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân vùng đất chiến khu cách mạng Tân Trào mỗi dịp Tết đến xuân về.

Tin cùng chuyên mục