Tháng Năm mở đầu bằng ngày thống nhất non sông 30/4 - một ngày mang ý nghĩa lịch sử trọng đại, khép lại những năm tháng chiến tranh tàn khốc, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước. Tiếp nối là chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” Điện Biên Phủ 7/5, dấu son chói lọi trong trang sử hào hùng của dân tộc. Và rồi, như một sự sắp đặt thiêng liêng của lịch sử, ngày sinh của Bác Hồ - 19/5 - lặng lẽ xuất hiện như một nốt trầm sâu lắng giữa bản nhạc hân hoan của những chiến thắng. Chính sự trùng hợp ấy khiến cho niềm vui được nhân lên bội phần, nhưng cũng làm cho nỗi nhớ về Bác thêm thấm đẫm và khôn nguôi.
Có lẽ không ở đâu trên thế giới, một ngày sinh nhật lại không chỉ là ngày riêng của một con người, mà trở thành ngày của cả dân tộc, của tình yêu, sự biết ơn và ký ức. Ở Việt Nam, ngày sinh nhật Bác không chỉ được nhắc đến với hoa, với lễ, với cờ, mà còn là ngày để mỗi người tự soi lại chính mình - sống đã đủ tốt chưa, đã đủ giản dị, chân thành và yêu thương như lời Bác dạy chưa?
Minh họa: Việt Hòa
Bác ra đi đã hơn nửa thế kỷ, nhưng hình ảnh của Người vẫn hiện hữu khắp mọi nẻo đường đất nước. Trong dáng đứng lặng lẽ của hàng cau trước sân đình, trong những câu hát dân ca ngọt ngào, trong tấm ảnh Người treo nơi phòng khách, lớp học hay cả trên những con thuyền lênh đênh giữa biển khơi… Người như chưa từng đi xa. Mỗi lần tháng Năm về, dường như cả đất trời lại dịu dàng hơn, nhẹ nhàng hơn để cùng lòng người lắng lại - tưởng nhớ và tri ân Người.
Tôi nhớ có lần về quê, đúng dịp 19/5, thấy mấy em nhỏ mặc áo trắng tinh, cài huy hiệu Bác trên ngực áo, rạng rỡ hát bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. Những câu hát trong trẻo ấy vang lên dưới hàng phượng vĩ rực rỡ, khiến lòng tôi chợt rưng rưng. Dường như dù thời gian có trôi đi bao lâu, thì trong trái tim mỗi thế hệ người Việt, hình ảnh của Bác vẫn luôn vẹn nguyên - giản dị mà vĩ đại, gần gũi mà thiêng liêng.
Bác Hồ không chỉ là một nhà cách mạng kiệt xuất, một danh nhân văn hóa thế giới, mà còn là hiện thân của lòng nhân ái, của trí tuệ và sự khiêm nhường. Bác sống một đời thanh bạch, không màng danh lợi, dành trọn tình yêu thương cho nhân dân, cho từng em nhỏ, từng cụ già, từng chiến sĩ hay nông dân lam lũ. Bác là người cha, người thầy, người bạn của cả dân tộc.
Trong những ngày khó khăn nhất, khốc liệt nhất, chỉ cần nghĩ đến Bác - một người đang lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho nhân dân, là đã có thêm động lực để chiến đấu, để sống tốt, sống tử tế. Tấm lòng của Bác đã trở thành ánh sáng soi đường cho cách mạng, và giờ đây, vẫn đang tiếp tục soi lối cho mỗi con người hôm nay giữa muôn vàn ngã rẽ của cuộc đời.
Tháng Năm, tôi hay nghĩ đến những điều giản dị mà sâu sắc. Nghĩ đến Bác ngồi bên bậu cửa, chắp tay sau lưng nhìn hàng cau trong khu vườn Phủ Chủ tịch; nghĩ đến đôi dép cao su mòn gót, chiếc áo ka-ki bạc màu mà Bác đã dùng suốt bao năm; nghĩ đến những dòng thơ Bác viết giữa rừng sâu, trong tù ngục mà vẫn ánh lên tinh thần lạc quan, yêu đời. Những điều nhỏ bé ấy - tưởng chừng bình thường - lại chính là nơi toát lên khí chất phi thường và tấm lòng yêu nước vô bờ bến của Người.
Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng Năm, biết bao bài thơ, bài hát về Bác lại được ngân vang khắp nơi, như lời ru của mẹ, của đất trời, của chính lương tri đang vọng lên từ sâu thẳm trái tim mỗi người con đất Việt. Dù là ở miền xuôi hay miền ngược, nơi phố thị hay chốn bản làng xa xôi, thì tình yêu Bác vẫn luôn là sợi dây nối kết những con tim, vượt qua mọi cách trở địa lý và thời gian.
Tháng Năm, mùa của hoa phượng đỏ. Loài hoa học trò ấy lại có dáng vẻ rất đặc biệt - vừa rực rỡ, vừa buồn man mác. Rực rỡ như chiến thắng, nhưng cũng buồn như nỗi nhớ. Có lẽ vì thế mà mỗi khi hoa phượng nở, lòng người lại nao nao. Trong ánh nắng tháng Năm, đỏ thắm những chùm phượng như màu máu thấm vào đất, vào cờ, vào trang sử, và cả vào trái tim biết ơn của muôn triệu người dân.
Tháng Năm, lòng người như dịu lại. Dẫu biết phải sống tiếp, phải lo toan bao điều trong cuộc sống hiện đại gấp gáp này, nhưng đâu đó vẫn cần những khoảnh khắc dừng lại - để nhớ, để yêu, để biết mình đang đi trên con đường mà Bác đã vạch ra bằng cả cuộc đời mình. Để sống tốt hơn, tử tế hơn, giản dị hơn - như Bác từng mong.
Người đã từng viết: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được độc lập, dân mình được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Câu nói ấy đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự, như kim chỉ nam cho mọi nỗ lực phát triển, mọi hành động phụng sự nhân dân của thế hệ hôm nay và mai sau.
Và trong tháng Năm này, khi nhìn thấy một em nhỏ chăm chỉ học bài bên hiên nhà, một cụ già thong thả đi dạo trong công viên, một người công nhân mồ hôi nhễ nhại giữa trưa nắng, hay một bác sĩ ân cần bên giường bệnh… ta biết rằng: giấc mơ của Bác vẫn đang hiện hữu. Giấc mơ ấy, không phải là giấc mơ xa vời, mà là những điều bình dị, đời thường, là hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng chân thật của mỗi người dân.
Tháng Năm. Tháng của phượng đỏ, của nắng trong veo, của chiến thắng và của lòng biết ơn. Và hơn hết, tháng của nỗi nhớ Bác - một nỗi nhớ không nguôi, không chỉ riêng một ngày. Bởi vì, trong lòng dân tộc này, Người vẫn đang sống - mãi mãi.
Gửi phản hồi
In bài viết