Nụ cười trong mưa

Khánh Tường tuột cái áo nhựa ra, mồ hôi và nước mưa cùng rớt tong tỏng. Vậy mà miệng Tường vẫn tươi rói, giọng lộp bộp trong mưa. Đúng là tháng 6 đầu ráo, áo ướt thật. Nhưng con lợn hôm nay ngon quá, con phải lách mưa mang cho ông đây. Lòng còn hôi hổi nóng ạ. Khách hàng là thượng đế mà ông.

Con cảm ơn ông. Vừa nói Tường vừa xách xâu thịt, gói lòng đặt vào chạn bếp.

Nhìn Tường tôi nghẹn ngào:

- Ông phải cám ơn con mới đúng chứ, mưa gió thế này…

- Việc của con mà ông, làm ăn là phải thế. Lúc nào rảnh ông qua gian hàng nhà con nhé, ngay chân dốc đường vào Bệnh viện Công an ấy. Nói rồi Tường lại khoác áo nhựa lách mưa đi. Nhìn theo nó tôi như gặp bao nhọc nhằn cùng mưa nắng ngày đêm đổ lên thân thể nó. Phận người sinh ra kẻ thì ngồi mát ăn bát vàng, người thì lặn lội vẫn không đủ bát cơm manh áo.

Con bé này, nghe người ta bảo nó hoàn cảnh lắm, chồng yếu bệnh vẫn phải lăn lưng với nghề mộc, hai đứa con lại khuyết tật... Giời bắt gian nan nhưng nó hồn nhiên, xởi lởi, làm việc gì chu toàn việc ấy. Người như thế sao giời không cho sung sướng nhỉ. Tôi chép miệng nhưng lại thấy một điều gì rất kỳ diệu như nụ cười tươi rói của nó nở ra trong mưa lúc xách hàng cho tôi. Nụ cười như tiếng gọi giục tôi phải đi tìm cái điều kỳ diệu ấy.

Minh họa: Bích Ngọc

Như là cái duyên, một buổi chiều tôi dong con xe đạp về phía đường Bệnh viện Công an, đến chân con dốc thì nhìn thấy cái biển: Sạp hàng Khánh Tường. Một cháu gái chừng hơn chục tuổi đang tất tả giao hàng cho khách, thấy tôi nó lễ phép:

 - Ông mua gì ạ? Vừa nói nó vừa chỉ tay lên sạp hàng đầy rau quả, thịt cá.

- Cháu cứ làm việc đi, để ông tự chọn. Con bé lại loay hoay xếp hàng cho khách.

Vừa lúc ấy Khánh Tường về, trên xe đầy hàng họ, thấy tôi nó nở nụ cười tươi rói. Ôi! Con chào ông, cơn gió nào đưa ông đến đây.

Ông thấy sạp hàng của con thế nào?

- Phong phú, rất phong phú lại toàn hàng sạch.

- Con cảm ơn ông đã khen ngợi. Hàng của nhà con toàn sạch thật. Thịt lợn thì con găng tê với người thân trong làng, toàn anh em, nuôi bằng rau cám ruộng, rau quả cũng vậy. Ngày nào con cũng phải lồng hai chuyến xe thì cái sạp hàng này mới đáp ứng nhu cầu của khách ạ. Ông vào nhà uống nước, mua gì con xếp cho sau. Nói rồi nó kéo tôi vào căn phòng khách liền kề gian hàng. Căn phòng nhỏ nhưng gọn gàng ngăn nắp. Nước rót ra, tự nhiên nụ cười trên môi nó tắt ngấm, gương mặt nó rầu rầu. Nó ngước nhìn tôi, ánh nhìn như đứa con nhìn người cha. Giọng nó rầu rầu:

- Vậy là hôm nay ông mục sở thị gia cảnh nhà con nhé. Đấy, trước cửa là sạp hàng, gian trên cạnh là xưởng làm nghề mộc của nhà con, cọc cạch những việc vừa sức thôi vì nhà con ốm yếu lắm, còn gian này, nó kéo tay tôi đứng dậy, tôi lẹ theo nó, cánh cửa phòng mở ra, tôi ngẩn người thấy hai cháu trai nằm thẳng tuột trên giường, một cháu chừng ngoài hai mươi tuổi, một cháu chừng mười lăm tuổi. Giọng nó đầm trong nước mắt.

Giời cho được hai thằng con giai thì các cháu bị khuyết tật, cứ nằm ăn như thế. Ngày mới đẻ chúng nó con cũng hết cực vì nhà chồng cứ đay nghiến con “tha ở đâu về…” nhà này không có giống ấy. Con chỉ biết khóc và kiên nhẫn tu phẩm hạnh cùng học pháp và những luân lý ở đời. Các cháu lớn gương mặt tỏ rõ, cả nhà lại thương, nhờ vậy con thêm nghị lực sống và càng thương hai cháu!
Dù sao cũng là con mình, con mình thì phải chăm nuôi dù rất xót xa.

Các cháu lớn, bệnh tật là có thật, con đi kêu nhờ chính sách hỗ trợ. Khổ khi khám nghiệm thì hai cháu đúng là bị di chứng chất độc da cam thật nhưng nó lại từ bố đẻ ra con (ông ngoại của các cháu) nên không nằm trong quy định được hưởng chế độ da cam thế là nhà nước xét cho hưởng chế độ người khuyết tật. Tháng cả hai đứa được ba triệu đồng ông ạ. Thôi thì có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ.

Thương các cháu con phải lăn lưng đủ nghề. Vẫn giữ cái gốc, nhà có gần mẫu ruộng làm để giữ sự bình ổn cho cả nhà vì đời người có hạt gạo là sống ông ạ.

Từ hạt lúa, hạt gạo cộng với việc đi làm thuê làm công hùn vốn lại con tạo ra cái sạp hàng này, buổi đầu chỉ bán rau quả, rau quả con đi lượm trong quê, rau quả sạch nên khách ưng chiều ạ. Khi lưng vốn kha khá, lại xem đôi bàn tay có lộc giời cho, con tính việc lớn hơn, cũng nhờ những ngày đi gom rau quả trong làng, thấy trong làng nhiều nhà nuôi lợn gà vẫn kiểu tự nhiên như thời xưa, con tính ngay đến việc thu mua lợn sạch về làm hàng. Khi sướng ra việc này cả nhà đều không thuận vì cho là nghề cấm kỵ, sát sinh. Con cười. Thì ra chợ bây giờ hàng dẫy thịt, ai cũng kiêng thì lấy đâu ra chợ.

Nghe con giãi bày mọi người không ngăn can nữa. Con bắt tay vào việc, lúc mới khai nghiệp ngày chỉ mổ một con, thuê người mổ, con bày bán, dần quen, giời lại cho đôi bàn tay lam lũ con chủ động được công việc của mình. Khi mới bầy sạp hàng chỉ lác đác khách ghé mua, sau thấy thịt ngon lại giá cả hợp lý, khách đông dần, chắc giời giúp nên hai bàn tay con điêu luyện hơn và cũng để đáp ứng khách hàng con tập làm ma két tinh. Nhờ khách lan tỏa cộng với bạn bè cùng sự năng động của bản thân thế là sạp hàng ổn định, tăng dần lượng người đặt mua nên có ngày con phải mổ tới bốn con mà vẫn thiếu.

 

Giữ sạp hàng luôn đông khách ngoài việc bảo đảm chất lượng hàng con còn chủ động giao hàng cho khách nhất là những ông bà già cả, con ship đến tận nhà, không lấy công, mọi người thương nên đặt mua đều. Cứ đầu buổi sáng, buổi chiều bất luận nắng mưa con đi tua, mang hàng đến tận nhà khách hàng, cuối buổi con về canh hàng vì thời điểm này người đi làm về tiện ghé mua mà. Hôm nào bận nhiều, nhà con rảnh việc nghề mộc con nhờ coi, nhờ coi nhưng phải cắt thịt thà thành mô món để sẵn đấy nhà con mới làm được... Nó lại cười tít mắt. Tôi nghẹn ngào.

- Vậy thì vất vả quá.

- Vâng nhưng có thu nhập, cũng quên cả vất vả ông ạ. Nó lại nở nụ cười mát dịu.

- Vậy tháng có được vài chục triệu không con?

- Gớm, được thế con thành đại gia rồi. Đủ chi tiêu trong nhà thôi ông ạ. Ông xem, hai cháu nằm đấy, nguyên mua bỉm cũng tiền triệu rồi lại ăn uống thuốc men, cộng tiền học hành cho cháu út, may còn được cháu út lành lặn, năm nay lên cấp ba, tốn kém con cũng phải đầu tư cho cháu học hành, đời bọn con không được học tiếc lắm. Nó thở dài. Tôi an ủi.

- Thôi! Vẫn còn lộc con ạ. Giời chả cho ai hết cũng chả lấy của ai hết con ạ.

- Vâng! Con cũng nghĩ vậy nên chả quản nhọc nhằn gian khổ. Thương hai thằng cháu tàn tật con càng không biết khổ là gì. Còn được chăm các cháu còn hạnh phúc ông ạ. Máu thịt của mình mà. Làm lụng vất vả nhưng nhìn hai cháu, con lại thấy như có sức mạnh thần linh phù hộ nên chả biết mệt mỏi nữa ông ạ.

Nó thở dài rồi lại nở nụ cười tươi rói, nụ cười lan tỏa khắp gian phòng rồi tỏa ấm sang gương mặt hai đứa con của nó. Tôi ngồi lặng có cái gì cứ đầy lên nghèn nghẹn trong lòng nhưng rồi tôi cũng nở nụ cười theo nó và như tìm thấy cái điều kỳ diệu từ nụ cười luôn tươi rói của nó nở trong trời mưa hôm nó mang hàng cho tôi - Nụ cười của một người mẹ tuyệt vời luôn là lửa ấm bên hai đứa con khuyết tật và cả ngôi nhà này.

Truyện ngắn: Trịnh Thanh Phong

Tin cùng chuyên mục