Gìn giữ những giá trị xưa

- Trò chơi dân gian được ví von như “khúc hát” văn hóa đầy màu sắc và chứa chan kỷ niệm ngày thơ ấu. Xuất hiện từ ý tưởng của người dân trong quá trình lao động sản xuất, mỗi trò chơi có một ý nghĩa, cách chơi riêng, nhưng mục đích chính là rèn luyện sức khỏe, rèn luyện ý chí quyết tâm của người chơi. Các trò chơi tạo ra niềm vui đáng nhớ, kết nối thế hệ và truyền tải những giá trị truyền thống qua thời gian.

Tuy nhiên, theo xu thế thời đại cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, trò chơi dân gian dần bị lãng quên. Trẻ em không còn say mê với các trò nhảy dây, ô ăn quan, rồng rắn lên mây... mà hướng đến các trò chơi hiện đại hấp dẫn bởi tính mới lạ, muôn màu vẻ.

Để khôi phục, bảo tồn các trò chơi dân gian, những năm gần đây, các địa phương, trường học đã quan tâm đưa các trò chơi dân gian quay trở lại, gần gũi hơn với mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tại các lễ hội xuân, các giải thể thao, trò chơi dân gian được các địa phương đưa vào thi đấu và thu hút số lượng lớn người tham gia, cổ vũ. Trong các trường học, ngành giáo dục cũng đã đưa các trò chơi dân gian vào tổ chức vui chơi cho học sinh trong các buổi ngoại khóa...

Thực tế hiện nay cho thấy, việc hướng giới trẻ quay về với văn hóa giải trí dân tộc không phải là một bài toán dễ, nhất là khi công nghệ đã và đang tác động quá sâu sắc trong cuộc sống hằng ngày. Chính vì vậy, để khôi phục lại các trò chơi dân gian, bên cạnh việc tổ chức các phong trào ngày hội văn hóa thể thao để góp phần bảo tồn các trò chơi dân gian, thì cần thiết hơn nữa là phải tổ chức thường xuyên, tạo thành nếp sinh hoạt của người dân, cho thế hệ trẻ. 

Hiểu về những giá trị văn hóa dân tộc, yêu thích những điều đó sẽ giúp thế hệ trẻ thêm yêu đất nước, dân tộc mình. Việc duy trì và phát triển các trò chơi dân gian vào các hoạt động tại địa phương sẽ góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời, giúp thế hệ trẻ tìm hiểu về cội nguồn, thêm trân trọng, giữ gìn và phát huy vốn quý của cha ông.

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục