Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa

- Tuyên Quang - mảnh đất giàu giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã làm nên tiềm năng, thế mạnh để xứ Tuyên vươn mình phát triển kinh tế - xã hội, du lịch. Tuyên Quang đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, từ đó góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững.

Nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

Đến nay, toàn tỉnh có trên 660 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trên 400 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”.  Xác định văn hóa là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Tuyên Quang đã ưu tiên các nguồn lực quan tâm đầu tư bảo tồn các di sản văn hóa.

Các thành viên Câu lạc bộ hát Then, đàn tính xã Thanh Tương (Na Hang) luyện tập.

Tỉnh đã thực hiện các giải pháp xây dựng Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành khu du lịch quốc gia; trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng của cả nước. Đồng thời tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025.

Đến nay, hạng mục Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, Quảng trường Tân Trào đã đưa vào sử dụng; đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình Bảo tàng ATK Tân Trào và Phòng Chiếu phim; xây dựng Làng Văn hóa du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào; triển khai các bước thiết kế trưng bày Bảo tàng ATK Tân Trào; hoàn thành Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Kim Bình (Chiêm Hóa).

Nhằm xây dựng Danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình là trung tâm của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia và tiến tới thương hiệu quốc tế, huyện Na Hang đã quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, huy động nguồn lực, gắn công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể với phát triển du lịch. Huyện đã ban hành 2 Đề án Làng văn hóa du lịch cộng đồng thông minh thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái và Đề án phát triển kinh tế - xã hội thôn Bản Bung, xã Thanh Tương; đang trong quá trình hoàn thiện ban hành Đề án Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nà Khá, xã Năng Khả. Huyện đã xây dựng tuyến du lịch khám phá trải nghiệm Bó Kim - Nà Niếng, khai thác hang Bó Kim, thôn Bản Bung, xã Thanh Tương; phát triển các loại hình nghỉ dưỡng, cắm trại, lưu trú theo dạng bungalow, Glamping…

Phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân

Trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, Tuyên Quang đã phát huy hiệu quả vai trò chủ thể của Nhân dân, trong đó lực lượng nòng cốt là các nghệ nhân, câu lạc bộ dân gian, đội văn nghệ ở cơ sở. tỉnh đã triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã tiến hành khảo sát, sưu tầm, tư liệu hóa các di sản văn hóa truyền thống; khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Pà Thẻn; nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, mô hình di sản kết nối với các hành trình du lịch; xây dựng 42 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian; hỗ trợ 77 đội văn nghệ truyền thống; xây dựng các điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phụ nữ Dao đỏ thôn Phiêng Mơ, xã Phúc Yên (Lâm Bình) gìn giữ truyền thống thêu trang phục dân tộc.

Nhiều phong tục, tập quán truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện Na Hang được khôi phục, bảo tồn và phát huy như: lễ cấp sắc, nhảy lửa của dân tộc Dao Đỏ, Dao Tiền; các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ các dân tộc được sưu tầm, truyền dạy và lưu giữ: nghi lễ cấp sắc của người Dao, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ, hát then - đàn tính của dân tộc Tày, hát Páo dung của dân tộc Dao.

Qua nhiều thế hệ, người Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) vẫn miệt mài bảo tồn Nghi lễ Nhảy lửa. Hàng năm ngoài việc tổ chức lễ hội nhảy lửa, thầy nắm bí quyết nhảy lửa là Phù Văn Thành và các trai tráng ở Thượng Minh còn biểu diễn nghi lễ Nhảy lửa phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách. 

Làm nên sức sống trường tồn của các di sản văn hóa trên mảnh đất xứ Tuyên là do có sự hội tụ của nhiều yếu tố. Song sự quan tâm, ưu tiên các nguồn lực cũng như khơi dậy vai trò, trách nhiệm của quần chúng Nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa là yếu tố quan trọng nhất để các giá trị di sản văn hóa chảy mãi.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục