Đa số các bạn trẻ khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông đều chung suy nghĩ bước qua cánh cổng trường Đại học là con đường để đi đến thành công. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, Đại học có thể là con đường thuận lợi, nhưng chưa hẳn là con đường duy nhất dẫn đến thành công.
Thời đại ngày nay đang cho thấy một điều, đó là có nhiều người đang thành công trong cuộc sống mà chưa hề có tấm bằng đại học. Bên cạnh đó có một thực tế khác đó là, rất nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng lại không sống được bằng nghề đã học; đỗ đại học ngành này nhưng sau lại làm nghề khác không phải chuyện hiếm thấy. Điều này gây ra sự lãng phí rất lớn, lãng phí tài năng, lãng phí công sức, tiền của của người học. Nhiều trường Đại học hiện nay đang đào tạo nhưng chưa thật sự căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động. Thống kê cho thấy, hiện nay mỗi năm nước ta đang thừa trên 200.000 cử nhân.
Thừa là vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp lại đang đứng trước thực tế thiếu những công nhân lành nghề. Hiện nay, các nhà tuyển dụng lao động thường quan tâm đến những gì người lao động sẽ thể hiện trong công việc chứ ít quan tâm đến học trường nào, thành tích học tập ra sao. Bởi học bất cứ trường nào cũng đòi hỏi phải có kiến thức thực tế phù hợp với vị trí được tuyển dụng. Thành công nằm ở đôi tay, khối óc, sự học hỏi và sự nỗ lực hoàn thiện bản thân mỗi ngày của mỗi người. Và như vậy thành công không chỉ là ở học trung cấp, cao đẳng hay đại học mà ở chỗ có thể tự bước đi bằng chính đôi chân của mình và nỗ lực phấn đấu để đến được thành công hay không của mỗi người.
Đại học không phải con đường duy nhất để vào đời. Thành công chỉ đến với mỗi người khi có sự lựa chọn thật sự phù hợp, đúng đắn với khả năng của mình và sự nỗ lực vươn lên không ngừng. Bởi “trên bước đường thành công, không có bước chân của những kẻ lười biếng”.
Gửi phản hồi
In bài viết