Hiện nay, mỗi năm Việt Nam sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất nông nghiệp với số lượng khá lớn, khoảng 100.000 tấn/năm, trung bình mỗi người dân sử dụng khoảng 1 kg thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm. Việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa tốt đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm tài nguyên đất, nước sinh hoạt, môi trường sống, mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Câu chuyện “rau hai luống, lợn hai chuồng” từng là chuyện bi hài mà có thật. Ai cũng biết tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng vì mục tiêu lợi nhuận nên họ sẵn sàng bỏ qua, chỉ cần sạch cho mình để bảo đảm sức khỏe còn mặc kệ người khác. Theo thống kê của ngành chức năng, tỷ lệ ung thư của Việt Nam được xếp vào hàng cao nhất thế giới. Mà nguyên nhân chính là do sử dụng thực phẩm bẩn, nhiều hóa chất độc hại.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp muốn xuất khẩu đến các nước đòi hỏi phải được kiểm định khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế. Yêu cầu đầu tiên chính là phải có sản phẩm sạch được thực hiện theo một quy trình sạch khép kín từ chọn giống cây trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản... Mà có một nghịch lý là, những sản phẩm không xuất khẩu thì được sử dụng cho người dân trong nước lại là những sản phẩm không đạt chất lượng nếu không được kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sản xuất, tiêu thụ.
Việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản mà còn bảo vệ môi trường sống. Do vậy, cả người sản xuất và người tiêu dùng đều cần được nâng cao nhận thức về sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch. Nâng cao chất lượng cuộc sống con người có rất nhiều yếu tố, nhưng yếu tố đầu tiên có lẽ là phải có môi trường sống sạch, an toàn.
Gửi phản hồi
In bài viết