Tiếp bước cha anh
Gia đình ông có nhiều đời làm cán bộ, công nhân viên nhà máy. Bố của ông tên Châu Hè, sinh năm 1924, nguyên là Phó Giám đốc nhà máy, mẹ làm công nhân. Nhắc đến người bố đã khuất của mình, ông Long tự hào kể: “Bố tôi là một trong những người làm trong ngành quân giới đầu tiên của đất nước. Ông Hè nguyên là Trưởng ban Công an thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Đến cuối năm 1953 ông được Đảng, Nhà nước giao trọng trách tham gia vào ngành quân giới tập trung sản xuất đạn dược phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Dù không trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, nhưng ở nhà máy ông và toàn thể cán bộ, công nhân viên nhà máy đã ngày đêm sản xuất đạn dược phục vụ đất nước”. Lớn lên trong môi trường quân giới, doanh nghiệp quân đội nên ông sớm yêu thích công việc tại nhà máy. Vì vậy, ngay sau khi học xong Trung học phổ thông, ông xin vào nhà máy làm việc.
Cựu chiến binh Châu Thanh Long đi kiểm tra cánh rừng keo 3 năm tuổi.
Ngày đầu đi làm, ông được bố dặn: “Gia đình mình bao đời nay trong ngành quân giới, cả đời cống hiến sức trẻ và trí tuệ cho nhà máy, con phải giữ gìn truyền thống gia đình và truyền thống của nhà máy mình”. Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu làm việc tại xưởng mộc, chuyên đóng các hòm đạn phục vụ cho quân đội. Ông đã dành hết sức trẻ, trí lực cho công việc và luôn hoàn thành tốt, xuất sắc công việc được giao. Sau 21 năm làm việc tại bộ phận đóng hòm đạn, tới năm 2000 ông luân chuyển vị trí chuyển sang bộ phận bảo vệ. Tới năm 2011 ông về nghỉ hưu.
Dù làm việc ở bộ phận nào ông Long cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và tự hào được làm việc tại nhà máy dù chỉ là công nhân bình thường. Ông Long nỗ lực lao động, tuân thủ nghiêm kỷ luật, tự tin với tay nghề, đua nhau phát huy sáng kiến, làm ra hòm đạn - một sản phẩm quốc phòng chất lượng cao. Cá nhân ông cùng với phân xưởng, bộ phận bảo vệ, tập thể đều nỗ lực phấn đấu vì thành công của tập thể, vì danh dự của bản thân, của nhà máy. Nếu như tiêu chí cao nhất của cái đẹp là cống hiến hết mình cho đất nước, phấn đấu hết mình vì tập thể, thì ở nhà máy Z2, Cựu chiến binh Châu Thanh Long cũng đã dùng hết thanh xuân, sức trẻ của mình để làm điều đó.
Ông Long kể, sau 31 năm công tác tại nhà máy, cuộc sống gia đình ông ngày càng được cải thiện. Con cái có thêm điều kiện học hành. 2 con của ông cũng đều theo học nghề, tốt nghiệp đại học rồi lại quay về phục vụ nhà máy, nơi ông bà, cha mẹ mình đã gắn bó, cống hiến cả cuộc đời. Về hưu ở tuổi ngoài ngũ tuần, nhiều người chọn cho mình cách ngơi nghỉ, an vui bên con cháu nhưng ông lại muốn mình tiếp tục được lao động, tạo ra giá trị cho gia đình và xã hội vì thế ông nuôi khát vọng làm giàu từ nông, lâm nghiệp. Ông cho rằng con người sẽ hoàn thiện hơn trong lao động.
Không ngơi nghỉ
Hơn 50 năm sống và làm việc trên đất của nhà máy, ông Long nhận thấy diện tích đất của nhà máy còn rất rộng, nhiều cánh đồng, đồi rừng chưa được khai thác, sử dụng. Năm 2016, ông mạnh dạn lên gặp lãnh đạo nhà máy để hỏi mượn đất canh tác nông, lâm nghiệp. Để được nhà máy cho mượn đất trồng rừng, ông đào hào ranh giới giữa đất của nhà máy với đất của người dân trên ngọn đồi cao - nơi ông mượn để trồng rừng sản xuất. Hào ranh giới có độ sâu 2,5 m, rộng 1,5 m, dài cả 3.000 m. Vốn liếng không nhiều, ông phải vay thêm người thân, bạn bè và sự hỗ trợ từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trong khi nhiều người khác từ chối vì lý do đất rừng hẻo lánh, sợ ném sức vào đó rồi lợi nhuận thu về không được bao nhiêu, vừa mất công, mất sức, mất cả thời gian lẫn tiền bạc, nhưng ông lại có cách nghĩ khác và làm khác. Ông động viên vợ con hăng hái khai khẩn đất đai, phát nương, làm đất trồng rừng, trồng ngô…
Cựu chiến binh Châu Thanh Long bên ruộng ngô của gia đình.
Đứng giữa rừng bạch đàn đang bước vào kỳ thu hoạch, khuôn mặt Cựu chiến binh Châu Thanh Long ánh lên niềm vui, đôi mắt sáng hẳn lên bởi nguồn thu từ kinh tế rừng giúp gia đình ông thêm phát triển, tiếp tục vươn lên làm giàu. Khoát tay lên nhẩm tính, ông Long khoe, 10 ha bạch đàn 5 năm tuổi này, thu ít nhất cũng được 1.000 tấn, giá Nhà máy Giấy An Hòa đang thu mua là 1.150.000 đồng/tấn, tính ra cũng thu được 1,15 tỷ đồng. Nếu được giá hơn thì thu được 1,2 - 1,3 tỷ đồng. Trồng bạch đàn hay ở chỗ, thời gian cho thu hoạch ngắn hơn keo, lại có thể tự tái sinh, sau khi khai thác 1 lứa, thì lứa sau không cần trồng lại mà chỉ cần chăm sóc rồi sẽ tiếp tục thu hoạch lứa 2. Ngoài trồng bạch đàn, ông còn có 20 ha keo, trong đó có 10 ha keo được 5 năm tuổi, 10 ha keo 3 năm tuổi.
Ông Long là người dễ trải lòng và thoải mái. Hễ ai đến nhà, ông vô tư kể hết cách thức làm ăn mà không một chút đắn đo, nghi ngại. Ông bảo, chả giấu làm gì. Người làm kinh tế tốt phải là người mở đường, đường càng đông người thì càng phát triển. Thế nên dù đang ngoài ruộng chăm ngô hay ở nhà, lúc nào ông cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mọi người. Gia đình ông linh động chuyển đổi và thực hiện sáng tạo các mô hình. Nào lấy ngắn nuôi dài, trồng xen canh, gối vụ, thấy cái gì mới, cái gì hay là áp dụng ngay. Khi các đồi keo, bạch đàn được bao phủ. Ông mạnh dạn nghiên cứu các giống ngô để trồng ngô ngọt lấy quả, rồi ngô làm thức ăn chăn nuôi gia súc cung cấp cho các trại bò.
Theo ông Long, trồng ngô làm thức ăn gia súc, thời gian thu hoạch ngắn ngày hơn chỉ khoảng 100 ngày, một năm quay vòng được 3 vụ, tăng được hệ số sử dụng đất, lại không bị sâu bệnh nhiều như trồng ngô lấy hạt. Những năm ngô được mùa, giá phân bón rẻ thì 10 ha ngô thu được gần 400 tấn/vụ, thì 1 vụ đã thu lãi 150 triệu đồng. Nhưng sang năm nay, chi phí giống, phân bón tăng cao nên ông không còn lãi nhiều, nhưng đây vẫn là nguồn thu giúp gia đình ông tích cóp làm giàu.
Với ông Long, làm kinh tế cũng như xây nhà, phải chắc chắn, đặt từng viên gạch vững chãi thì mới kiên cố và bền được. Ông nghiêm túc thực hiện từ việc đích thân đi thực tế các mô hình trong và ngoài tỉnh, tìm giống tốt, học hỏi, sau đó trồng thử nghiệm, cho kết quả tốt mới bắt đầu nhân giống đại trà. Thế nên khi gặp thất bại thiệt hại không quá lớn, vẫn dư giả đồng vốn để xoay chuyển hướng mới. Nhờ tư duy kinh tế tốt và có nhãn quan nhìn nhận nông, lâm nghiệp sắc bén mà Cựu chiến binh Châu Thanh Long giờ đây có nguồn thu nhập ổn định từ trồng ngô làm thức ăn gia súc và có “kho báu” hàng tỷ đồng từ rừng xanh.
Giờ đây mỗi ngày ông đều dành hết thời gian để ra đồng chăm ngô, lên rừng chăm cây. Vùng đất trống của nhà máy giờ đã không còn trống bởi đã có bàn tay Cựu chiến binh Châu Thanh Long gieo mầm, nẩy hạt… Vừa tạo ra giá trị cho gia đình và xã hội, giúp ông thỏa niềm say mê lao động, nuôi khát vọng làm giàu cho gia đình và quê hương.
Gửi phản hồi
In bài viết