Gắn di sản với phát triển bền vững

- Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là một trong 15 Luật được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Báo Tuyên Quang đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Lê Thị Thu Hiền (trong ảnh), Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nội dung này.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV lần này có những điểm gì mới?

PGS. TS Lê Thị Thu Hiền: Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) Chính phủ trình Quốc hội gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (07 chương 73 điều).

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được chỉnh lý theo hướng cụ thể hóa ba nhóm chính sách: thứ nhất là hoàn thiện các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; thứ 2 là hoàn thiện các quy định về thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn; thứ 3 là hoàn thiện các quy định về huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bổ sung 12 quy định mới, gồm: hoạt động quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; về thay đổi, mở rộng chính sách đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể; bảo vệ di sản văn hóa có nguy cơ mai một, thất truyền; bổ sung việc phân cấp thẩm quyền cho địa phương trong việc bảo quản, sửa chữa nhỏ, tu sửa cấp thiết di tích; quy định, thẩm quyền đối với các công trình thực hiện trong khu vực bảo vệ của di tích và điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ di tích; quy định việc phát huy giá trị di tích; quy định thăm dò, khai quật khảo cổ dưới nước và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước; quy định về mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình, trưng bày bảo tàng công lập; bổ sung quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam; quy định xếp hạng, ghi danh, quản lý di sản văn hóa có địa bàn phân bố từ 02 địa phương trở lên, hồ sơ đa quốc gia; quy định về sử dụng, khai thác di sản văn hóa.

Gian trưng bày các hiện vật đặc trưng như trang phục, đồ dùng sinh hoạt và các công cụ lao động của dân tộc Tày. Ảnh: Cảnh Trực

Phóng viên: Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân được quy định tại dự thảo Luật này như thế nào, thưa đồng chí?

PGS. TS Lê Thị Thu Hiền: Về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với di sản văn hóa, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã quy định cụ thể  rõ vấn đề này tại Điều 5, bao gồm các nội dung: Quyền của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân đối với di sản văn hóa; Nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với di sản văn hóa; Quyền của cộng đồng, cá nhân sở hữu di sản văn hóa; Trách nhiệm của cộng đồng, cá nhân sở hữu di sản văn hóa; Quyền của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa.

Cùng với đó, tại Điều 91 dự thảo Luật cũng quy định về sử dụng, khai thác di sản văn hóa, là việc sử dụng công trình, địa điểm, nội dung, hình ảnh, thông tin và giá trị của di sản văn hóa để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, giáo dục, biểu diễn, sáng tạo sản phẩm công nghiệp văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời quy định cụ thể về các trường hợp tổ chức, cộng đồng và cá nhân được sử dụng, khai thác di sản văn hóa; yêu cầu của việc sử dụng, khai thác di sản văn hóa và các trường hợp hạn chế sử dụng di sản văn hóa.

Phóng viên: Các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú là “linh hồn” trong việc thực hành, nắm giữ, trao truyền các kỹ năng, những hiểu biết sâu sắc về di sản. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chính sách, mức hỗ trợ đối với các nghệ nhân hiện chưa thỏa đáng. Tại dự thảo Luật di sản văn hóa (sửa đổi) lần này có thay đổi gì mới, thưa đồng chí?

PGS. TS Lê Thị Thu Hiền: Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới, quan trọng, bao quát và phù hợp hơn trong chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Cụ thể tại Điều 26 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định “Trợ cấp sinh hoạt hằng tháng và ưu đãi khác đối với nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn” thì tại Dự thảo của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định: “Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng BHYT, hỗ trợ chi phí mai táng khi chết”.

Như vậy có thể thấy, chính sách hỗ trợ, trợ cấp không chỉ còn là đối với đối tượng là nghệ nhân “có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn” mà đã mở rộng chính sách đối với các nghệ nhân khác. Đồng thời, bên cạnh các chính sách cụ thể quy định tại Luật, dự thảo Luật còn quy định giao quyền chủ động cho các địa phương tùy theo điều kiện thực tiễn, đặc trưng giá trị và loại hình di sản văn hóa phi vật thể và các nghệ nhân chủ thể của di sản, thông qua Hội đồng nhân dân để xây dựng và ban hành chế độ chính sách cho các nghệ nhân, bảo đảm phù hợp với thực tiễn hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

So với các quy định trước đây (Luật Di sản văn hóa 2001, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009), các nội dung chính sách đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể được quy định tại Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có nhiều thay đổi lớn và được đánh giá là tích cực, khắc phục được những bất cập trong thời gian qua, phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu về các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, phù hợp với Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã dành cho Báo Tuyên Quang cuộc trò chuyện này.

Thực hiện: Hảo Lê

Tin cùng chuyên mục