Bài học từ cuộc sống
Cuộc sống chính là một người thầy sống động - dạy ta bằng cảm xúc thật, hệ quả thật và bài học thật. Nên học tập suốt đời không đồng nghĩa với việc phải quay lại ghế nhà trường hay thi lấy bằng cấp. Ta có thể học từ một cuốn sách cũ ở hiệu sách vỉa hè, một cuộc trò chuyện với bác xe ôm, một sai lầm đau đớn trong quá khứ, một chuyến đi xa, hay thậm chí từ… một đứa trẻ.
Steve Jobs học thư pháp ở đại học - tưởng như vô dụng - nhưng sau này lại tạo nên thẩm mỹ tinh tế của Macbook. Leonardo da Vinci vừa là họa sĩ, vừa là nhà giải phẫu, nhà cơ học, nhà tư tưởng - vì ông học suốt đời, vượt qua mọi giới hạn chuyên môn.
Người học suốt đời thường là những người sống đầy đủ nhất. Họ không tự mãn, không khép lòng. Họ nhìn thế giới như một đứa trẻ đầy tò mò, và vì thế, họ luôn trẻ, luôn mới mẻ, luôn tiếp tục nở hoa. Nhận thức đúng về học tập suốt đời sẽ giúp ta hiểu việc học không nhất thiết phải là sách vở - mà là thái độ sống học hỏi. Trong một xã hội mà tri thức thay đổi không ngừng, “học” không còn là đặc quyền của nhà trường. Người học suốt đời không hỏi phải học cái gì, mà hỏi có thể học được gì từ điều này?
Ảnh minh họa.
Một người trẻ có thể học được tính kiên nhẫn, sự cần cù và khả năng ứng biến khi làm bồi bàn, phụ hồ, bán hàng vỉa hè - những thứ không có trong sách - nhưng lại là nền tảng để trưởng thành và hiểu con người. Jack Ma từng bị từ chối hàng chục công việc, từng làm hướng dẫn viên du lịch. Chính quãng thời gian đó giúp ông học được cách giao tiếp, thấu hiểu khách hàng, đặt nền móng cho sự nghiệp kinh doanh lừng lẫy sau này.
Thấu hiểu học tập suốt đời, sẽ thấy có vô vàn bài học trong cuộc sống hằng ngày. Một người mất việc, ngồi kể chuyện với con, chính là đã học được cách gỡ bỏ cái tôi, học lại sự mềm mỏng - điều mà cả đời đi làm ông chưa từng nghĩ tới. Một người đi du lịch học được những bài học về chấp nhận khác biệt khi đến nơi xa lạ, cách ứng xử linh hoạt, tự chăm sóc bản thân, giải quyết tình huống khi lạc đường, gặp rào cản ngôn ngữ…
Kết hợp lý thuyết và trải nghiệm
Không thể phủ nhận vai trò nền tảng của sách vở và giáo dục chính quy. Sách vở và trường lớp cung cấp kiến thức nền, giúp ta tư duy hệ thống và mở rộng hiểu biết. Nhưng nếu chỉ học trong sách, ta dễ rơi vào lý thuyết - nơi mọi lý tưởng hóa có thể khiến ta xa rời thực tiễn. Điều cần thiết là biết kết hợp giữa lý thuyết trong sách và trải nghiệm ngoài đời, để kiến thức trở nên sống động và ứng dụng thực tế.
Nên cần học thêm từ cuộc sống, từ những người xung quanh và chính bản thân. Khi ta viết nhật ký, thiền, tự vấn lại hành động, cảm xúc của mình chính là khi ta tự quan sát và chiêm nghiệm, là lúc ta đang tự học sâu nhất. Đây là kiểu học mà sách vở không thể dạy, chỉ có trải nghiệm và ý thức tỉnh thức mới đem lại.
Việc học không phụ thuộc vào độ tuổi, bằng cấp hay nghề nghiệp. Nó phụ thuộc vào cái nhìn của bạn về thế giới. Nếu thấy cuộc sống là lớp học, thì mọi người, mọi việc, mọi thất bại hay niềm vui đều là người thầy. Nếu biết cách quan sát, suy ngẫm và thay đổi, tức là ta đang học - dù không có cuốn sách nào trên tay.
Việc học ngoài sách vở rèn luyện cho ta năng lực tự học, tư duy độc lập và khả năng thích nghi - những phẩm chất đặc biệt quan trọng trong thời đại số. Khi một người biết tự học, thậm chí học từ chính sai lầm của mình, từ những người xung quanh, từ những trải nghiệm thường ngày, họ không còn bị động chờ ai đó “dạy”, mà chủ động “tự học để sống”. Đây cũng chính là bản lĩnh của một người trưởng thành và là thước đo thực sự của trí tuệ.
Điều quan trọng nhất không phải là ta có bao nhiêu sách hay bao nhiêu bằng cấp, mà là ta có giữ được sự tò mò, lòng ham học hỏi, và khả năng nhìn thấy bài học trong từng trải nghiệm sống hay không. Chính điều ấy giúp ta sống trọn vẹn và sâu sắc hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết