P.V: Thưa bà, nếu có so sánh sự học của thế hệ trẻ ngày nay với thế hệ xưa, bà có thể nói gì?
Bà Vũ Thị Bích Việt: Là người từng trải qua những năm tháng học tập trong điều kiện vô cùng khó khăn, đồng thời có cơ hội gắn bó với giáo dục nhiều năm nay, tôi có thể nói rằng, sự học giữa các thế hệ có rất nhiều điểm khác biệt cả về điều kiện, phương pháp và mục tiêu học tập.
Mỗi thế hệ đều có hoàn cảnh riêng, nên việc học cũng mang những đặc điểm khác nhau. Thế hệ trước học trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, sách vở ít, trường lớp đơn sơ - nhưng luôn giữ tinh thần vượt khó, xem việc học là con đường duy nhất để đổi đời và cống hiến cho xã hội.
Thế hệ trẻ hôm nay được tiếp cận tri thức trong điều kiện đầy đủ hơn, với sự hỗ trợ của công nghệ, phương pháp giảng dạy hiện đại và môi trường thuận lợi. Các em năng động, sáng tạo, tiếp cận nhanh với cái mới, những kiến thức rộng lớn. Tuy nhiên, các em cũng chịu nhiều áp lực - từ thành tích, kỳ vọng của gia đình, đến ảnh hưởng từ mạng xã hội hay đơn giản từ chính bạn bè đồng trang lứa.
Theo tôi, điều quan trọng là thấu hiểu rằng mỗi thế hệ đều mang trong mình những giá trị riêng, gắn liền với hoàn cảnh lịch sử và xã hội của từng thời kỳ. Điều mà chúng ta - những người đi trước - cần làm, chính là tạo dựng một môi trường học tập lành mạnh, khơi dậy niềm say mê tri thức, và đồng hành để các em biết học tập một cách tự giác, có trách nhiệm - không chỉ cho bản thân mình, mà còn vì gia đình, cộng đồng và tương lai đất nước.
P.V: Thưa bà, việc học tập, nghiên cứu, làm giàu vốn kiến thức của mỗi người có ý nghĩa như thế nào trong xã hội thay đổi và vận động không ngừng như ngày nay?
Bà Vũ Thị Bích Việt: Tôi cho rằng, trong một thế giới thay đổi không ngừng, học tập không còn là lựa chọn mà là nhu cầu thiết yếu. Kiến thức là nền tảng để mỗi người mở rộng tầm nhìn, thích nghi với cái mới và phát triển bền vững. Bởi lẽ, kỹ năng hôm nay có thể nhanh chóng lạc hậu, chỉ những ai không ngừng học hỏi mới bắt kịp xu hướng và giữ vững vị thế trong cuộc sống.
Học không chỉ để biết - mà còn để sống tốt, làm việc hiệu quả và cư xử có văn hóa. Quá trình học giúp mỗi người rèn luyện tư duy, kỹ năng và cả nhân cách. Nó giúp chúng ta biết suy nghĩ độc lập, biết phân tích chứ không chỉ tiếp nhận thông tin một chiều và từ đó có thể đóng góp những giải pháp, sáng kiến cho những vấn đề thực tế của xã hội tôi luôn tin rằng, một người biết học tập suốt đời không chỉ nâng cao chất lượng sống cho bản thân và gia đình, mà còn đang góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ và phát triển bền vững.
Hội Khuyến học tỉnh động viên, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Hàm Yên.
P.V: Giới trẻ ngày nay có xu hướng dựa quá nhiều vào Internet, điều này có tốt không? Và bà có khuyến cáo gì về vấn đề này không?
Bà Vũ Thị Bích Việt: Không thể phủ nhận rằng Internet là một kho tàng tri thức khổng lồ. Nhờ Internet, các em học sinh hôm nay có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng, cập nhật kiến thức mới, học ngoại ngữ, tham gia các khóa học trực tuyến và kết nối với thế giới rộng lớn một cách dễ dàng - điều mà thế hệ chúng tôi ngày trước không thể có được. Đó là một lợi thế rất lớn. Nhưng nếu lạm dụng lâu dần các em sẽ mất khả năng tự suy nghĩ, tự học. Thậm chí, nhiều em lại dễ bị cuốn vào mạng xã hội, game, hay những nội dung thiếu lành mạnh nếu không có sự định hướng và kiểm soát kịp thời.
Tôi nghĩ, thay vì cấm đoán, người lớn chúng ta - bố mẹ, thầy cô - nên đồng hành và nhắc nhở để các em biết chọn lọc thông tin. Tôi thật lòng mong các em học sinh ngày nay hãy coi công nghệ là một người bạn đồng hành thông minh - hỗ trợ mình học tốt hơn, sống tích cực hơn - chứ đừng để mình bị lệ thuộc, rồi dần dần mất đi khả năng tự đứng vững trên đôi chân của chính mình.
P.V: Để phong trào Học tập suốt đời thực sự lan tỏa, Hội Khuyến học tỉnh đã có những giải pháp gì thưa bà?
Bà Vũ Thị Bích Việt: Trong thời gian qua, để phong trào Học tập suốt đời thực sự lan tỏa, Hội Khuyến học tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực và phù hợp với địa phương: Trước hết, Hội đã phối hợp với các cơ quan truyền thông, trường học, tổ chức đoàn thể để tuyên truyền sâu rộng về vai trò, ý nghĩa của học tập suốt đời. Bên cạnh đó, Hội chú trọng các hoạt động tại các trung tâm học tập cộng đồng ở cấp xã, phường, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, giúp người dân có điều kiện tiếp cận tri thức và kỹ năng cần thiết trong đời sống và lao động; phát triển các mô hình học tập “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “đơn vị học tập” cấp huyện, cấp tỉnh nhằm tạo nên môi trường học tập đa chiều, bền vững.
Hằng năm, phối hợp với hội Khuyến học các cấp phát hiện, biểu dương, khen thưởng, tuyên truyền điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu, thanh niên, học sinh, sinh viên tiêu biểu trong học tập, làm kinh tế giỏi, tự học thành tài; kêu gọi sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, cá nhân hảo tâm trong việc xây dựng cơ sở vật chất, tài liệu học tập, học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, Hội cũng chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các lớp tập huấn, hoàn thiện phần mềm dữ liệu và thu thập đánh giá mô hình “công dân học tập” tiếp tục vận động thực hiện chương trình máy tính, điện thoại thông minh cho người dân và tổ chức tập huấn để giúp việc học trở nên linh hoạt và phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Tôi tin rằng, với những giải pháp thiết thực như vậy, phong trào Học tập suốt đời sẽ lan tỏa mạnh mẽ, góp phần xây dựng một xã hội học tập thực sự - nơi ai cũng có cơ hội học tập, phát triển và cống hiến.
P.V: Xin cảm ơn bà về những chia sẻ này.
Gửi phản hồi
In bài viết