Hơn bốn năm, quân giặc hai lần tràn sang quấy rối. Từ nơi núi rừng tới nơi đồng ruộng đều bị tàn phá hầu hết. Vậy mà nhân dân vẫn một lòng hướng về triều đình, xuất tài, xuất lực đi lính và đóng thuế làm nên một lực lượng mạnh cho triều đình chống nhau với quân giặc. Nay nhà vua được trở về nơi yên ổn, việc làm trước hết là chú ý ngay đến nhân dân. Những nơi nào bị tàn phá, tùy tình trạng nặng, nhẹ, có thể miễn tô thuế cho mấy năm. Có như thế nhân dân mới nức lòng cùng quay hướng về triều đình hơn nữa.
Người xưa đã nói: “Chúng chí thành thành” nghĩa là ý chí của quần chúng làm nên bức thành kiên cố. Đó mới là cái thành cần sửa ngay, xin nhà vua xét kỹ”.
Học sinh các trường công lập trên cả nước được miễn học phí từ tháng 9-2025.
“Chúng chí thành thành” là khái niệm đã được nói đến trong các binh thư cổ. Nhưng điều đáng nói là vị danh tướng rường cột nhà Trần, khi “xem xét và lựa chọn binh pháp các nhà” đã phát hiện, tâm đắc và ứng dụng nó một cách đúng lúc và có hiệu quả. Trong khi nhà vua nghiêng về sửa sang thành quách, coi đó là việc cần kíp phải làm ngay, thì Trần Hưng Đạo lại coi việc chăm sóc đời sống muôn dân là cấp bách hơn cả.
Với quan điểm nhất quán: lòng dân là bức tường thành vững chắc nhất trong sự nghiệp giữ nước của dân tộc, nhà Trần đã phát huy cao nhất sức mạnh từ nhân dân - sức mạnh lòng dân - nhờ đó đã ba lần đánh bại đạo quân xâm lược Nguyên - Mông hùng mạnh nhất bấy giờ, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự chủ của nước nhà.
Cũng chuyện xây thành, lịch sử nước ta đã chứng kiến triều đại nhà Hồ với bài học khác. Hồ Quý Ly chú trọng xây thành, tuy không phải không biết “lòng dân là một sức mạnh cực lớn”, nhưng do chính sách chính trị và kinh tế chứa đựng nhiều yếu tố xa dân nên khi đất nước bị xâm lược, dù có hệ thống thành quách vững bền, quân sĩ hàng trăm vạn, rốt cuộc cũng phải cam chịu thất bại.
Nhìn lại các triều đại lịch sử xưa cho đến nay thì thấy, chế độ nào thấm nhuần “chúng chí thành thành”, nhận thức rõ sức mạnh dời non lấp biển của nhân dân, chế độ ấy sẽ thành công. Bởi nhân dân luôn sẵn sàng đem tài sản và sinh mệnh để bảo vệ một chế độ mà họ thừa nhận đích thực là của họ, một cơ chế đang hoạt động vì họ.
Nguyễn Trãi nhìn thấy sức mạnh vô địch của dân, chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân: “Lật thuyền mới rõ dân như nước/Cậy hiểm không xoay ở mệnh trời”.
Thấm đẫm tinh thần trọng dân, vì dân của những bậc tiền bối, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Bài học lịch sử dựng nước và giữ nước nghìn đời còn tươi mới. Đảng và Bác Hồ luôn thấm nhuần “chúng chí thành thành” nên huy động được sức dân làm thành một sức mạnh vô địch, thực hiện thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa đất nước, dân tộc chiến thắng những đế quốc mạnh nhất của thế giới.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta đã tổng kết: “Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”. Đảng chỉ rõ: Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Lợi ích chính đáng của nhân dân phải là cơ sở để hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước.
Các nghị quyết Đại hội Đảng cũng chỉ rõ vấn đề này, trong đó nhấn mạnh việc thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong tình hình mới hiện nay, Đảng ta và Nhà nước ta đã chú trọng điều chỉnh các chính sách kinh tế - chính trị, xã hội, hạn chế những bất công, tham nhũng lãng phí, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thiết thực bồi dưỡng sức dân. Đó chính là “chúng chí thành thành, là đảm bảo để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm - Dân thụ hưởng”. Đặc biệt, những chính sách gần đây nhất như miễn học phí cho học sinh công lập, tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu và cống hiến, phát triển kinh tế tư nhân… chính là biểu hiện sinh động nhất của “chúng chí thành thành”, phát huy sức dân.
Bài học “chúng chí thành thành” từ ngàn năm trước vẫn tươi mới đến hôm nay và mai sau, sẽ giúp khơi dậy ý chí và sức lực của nhân dân để làm nên những bước đi vững chắc, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới.
Gửi phản hồi
In bài viết