Hệ lụy hóng drama

- Gần đây, với sự phát triển của mạng xã hội, những vụ việc ồn ào (drama) đã tạo thành một trào lưu “hóng drama” khiến cư dân mạng “bỏ công, bỏ sức” miệt mài, gây không ít hệ lụy tiêu cực về tâm lý, sức khỏe, thậm chí tạo nên những chấn thương về văn hóa.

Hóng xuyên đêm, xuyên biên giới

Trên mạng xã hội, dễ thấy không chỉ những câu chuyện ồn ào liên quan đến cộng đồng, mà cả những câu chuyện cá nhân của người nổi tiếng cũng được bàn luận sôi nổi xuyên đêm, xuyên cả biên giới.

Ấy là câu chuyện quảng cáo kẹo rau củ sai sự thật của Chị Em Rọt, hoa hậu Thùy Tiên; chuyện lùm xùm “sao kê” từ thiện của Phạm Thoại và mẹ Bắp; rồi đến chuyện drama của các diễn viên tận xứ kim chi...; đều được cộng đồng mạng Việt Nam theo dõi, tranh luận sôi nổi, thậm chí sôi sùng sục.

Mạng xã hội có vô vàn địa chỉ khiến nhiều người nghiện hóng drama. Thức xuyên đêm để hóng.

Mới đây là vụ việc ồn ào tình ái của một streamer và một tiktoker khiến dân mạng hóng không có thời gian nghỉ ngơi. Có phiên live với màn đối chất trực tuyến của một nữ rapper đã thu hút tổng 4,8 triệu người xem, lúc đông nhất có 1,6 triệu người cùng xem. Người xem live không màng ngủ nghỉ lúc đêm khuya, để tranh luận, phân tích tình huống, thậm chí chi tiền để có thể hỏi trực tiếp những người liên quan trong câu chuyện, dù không liên quan đến mình.

Những nguy cơ tiềm ẩn

Hóng drama xuất phát từ sự tò mò giờ đây trở thành “món ăn tinh thần” của người dùng mạng xã hội. Những thói quen tưởng chừng vô hại nhưng lại tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần, chứa đựng những nguy cơ trống rỗng về văn hóa.

Theo chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân khiến con người bị thu hút bởi các vụ lùm xùm trên mạng xã hội. Những câu chuyện có yếu tố kịch tính, gây tranh cãi thường dễ dàng kích thích trí tò mò, mang lại cảm giác hứng thú với mỗi người. Người trẻ hiện nay còn có tâm lý mình thành người “lạc lõng”, “tối cổ” nếu không theo dõi một sự kiện gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Mặt khác, hiểu được tâm lý thích chia sẻ và bàn luận về đời tư người khác, và tâm lý nhiều người thấy sự nhàm chán trong đời sống thực; các nền tảng mạng xã hội thường ưu tiên hiển thị nội dung gây tranh cãi để tăng tương tác, tạo hiệu ứng “vòng xoáy drama” khiến người dùng khó thoát ra.

Việc “hóng drama” liên tục, nhất là bất chấp ngày đêm sẽ khiến não bộ luôn trong trạng thái căng thẳng, dễ dẫn đến các vấn đề tâm lý như lo âu, stress; dễ trở nên tiêu cực hơn. Khi quen với việc theo dõi và bàn tán về những câu chuyện giật gân, nhiều người có xu hướng hình thành thói quen phán xét, soi mói, thậm chí nhìn nhận cuộc sống theo hướng bi quan, mất niềm tin vào xã hội, hình thành tư duy “ai cũng xấu”, các kỹ năng, mối quan hệ trong đời thực bị giảm sút.

Ấy là chưa kể, việc thức khuya để hóng drama phá vỡ nhịp sinh học, tăng nguy cơ cận thị, trong khi lối sống ít vận động dẫn đến tích tụ mỡ thừa, tăng nguy cơ béo phì. Hậu quả là hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc các bệnh về chuyển hóa, tim mạch.
Cần chọn lọc thông tin

Thay vì miệt mài hóng drama, cần biết tỉnh táo và kiểm chứng thông tin. Trước những tin đồn tiêu cực lan truyền hãy tự hỏi, điều này có liên quan đến mình không, có giúp mình tốt hơn không?

“Hóng drama” không làm ta hiểu chuyện hơn, mà chỉ khiến ta mất thời gian, mất bình tĩnh, và có khi... mất nhân tính. Khi món ăn tinh thần chỉ là bấm xem, bấm share tin rác, một đoạn cắt ghép gây sốc, chính là khi đang tiếp tay cho văn hóa tiêu cực lan rộng. Khi ấy, sẽ tạo nên sự chấn thương văn hóa, tiếp tay cho thị phi lên ngôi, còn sự tử tế bị xem là nhàm chán.

Người thông minh không phải người biết nhiều, mà là biết bỏ qua cái không đáng biết. Dành thời gian cho một cuốn sách, bức tranh đẹp, một bản nhạc hay sẽ giúp tâm hồn ta có giá trị thực tế và văn hóa hơn là hóng các drama trên mạng xã hội.

Minh An

Tin cùng chuyên mục