Khác hẳn hai cuốn sách trước chỉ là sưu tầm và dịch thuật, lần này cuốn sách “TRANH THỜ NGƯỜI DAO” đã đi hẳn vào con đường nghiên cứu văn hóa của người Dao qua hệ thống tranh thờ còn lưu giữ trong cộng đồng 09 tộc Dao ở Tuyên Quang. Và như Tống Đại Hồng từng trao đổi, Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em, nhưng chưa dân tộc nào có đủ chín ngành như người Dao ở Tuyên Quang, dân số chiếm 12,1% dân số toàn tỉnh.
Với người Dao, ngoài phong tục tập quán về ăn, ở, trang phục, tiếng nói, chữ viết, kỹ thuật canh tác, nghề gia truyền về khai thác, chế biến và sử dụng cây thuốc nam chữa bệnh, rồi các làn điệu dân ca, dân vũ... thì việc sử dụng TRANH THỜ trong nghi lễ tín ngưỡng dân gian của các ngành Dao là nét văn hóa truyền thống rất tiêu biểu của người Dao mà không dân tộc nào trong tỉnh có được!
Tác giả Tống Đại Hồng với cuốn sách Tranh thờ người Dao.
TRANH THỜ NGƯỜI DAO có những điểm nổi bật như sau:
Tác giả đã nghiên cứu viết về văn hóa của người Dao một cách có lý luận về dân tộc học, về nhân chủng học; về lịch sử, địa chí... và được kiểm định qua thực tiễn sau 11 chuyến đi điền dã trong hai năm 2017 - 2018 tới các huyện có 09 ngành Dao trong tỉnh Tuyên Quang. Từ lý luận và thực tiễn, ông đã phân tích rất sâu về văn hóa của người Dao qua nét Văn hóa truyền thống rất tiêu biểu là TRANH THỜ của NGƯỜI DAO, vốn được người Dao lưu giữ, bảo quản cẩn mật, truyền tụng đời này qua đời khác.
Cuốn sách có cái nhìn tổng hợp, đầy đủ để cung cấp cho chính đồng bào Dao và các nhà nghiên cứu về dân tộc Dao trong tỉnh và các tỉnh miền núi về đặc điểm cư trú; nguồn gốc và những đặc điểm văn hóa, chữ viết, tiếng nói của người Dao ở Tuyên Quang. Từ đó người ta có thể vẽ được trên tấm bản đồ Tuyên Quang nơi cư trú của 09 ngành Dao là Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Quần Trắng, Dao Quần Chẹt, Dao Coóc Mùn, Dao Coóc Ngáng, Dao Ô Gang, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài ở tất cả các huyện trong tỉnh. Trong sách, vấn đề nguồn gốc của người Dao và sự thiên di của người Dao từ phía nam Trung Quốc vào Tuyên Quang qua những thời kỳ lịch sử trên đất Tuyên Quang được trình bày và phân tích khá chi tiết, tỉ mỉ đã làm sáng tỏ lịch sử và các cuộc thiên di này.
Cuốn TRANH THỜ NGƯỜI DAO đã giúp cho chính đồng bào Dao và những người yêu thích và nghiên cứu văn hóa của người Dao một cái nhìn tổng quát, với phổ rộng và chiều sâu về quá trình sáng tạo ra tranh thờ của người Dao. Trong đó làm rõ được khái niệm về tranh thờ; nguồn gốc tranh thờ, sự gắn kết chặt chẽ không thể tách rời giữa tranh thờ với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Dao; những nguyên liệu dùng làm tranh thờ, cách đồng bào lưu giữ tranh thờ để tranh thờ tồn tại mãi trong đồng tộc người Dao.
Cuốn sách cũng giúp người đọc hiểu được các nghệ nhân đã sử dụng tranh thờ trong việc thờ cúng tổ tiên như thế nào, họ học vẽ tranh, rồi tự vẽ tranh, đến việc mua bán tranh, trao đổi tranh thờ giữa các tộc người Dao ra sao? Trong đó lý thú nhất là quá trình tìm kiếm chất liệu làm giấy, chất liệu làm màu để vẽ tranh từ các loại nguyên liệu có từ nơi họ đang sinh sống, khiến tranh vừa bền và màu không phai dù mưa rừng, gió núi, độ ẩm cao cũng không thể phá hoại các bức tranh thờ, đó cũng là một bí mật gia truyền của dân tộc Dao.
Trong 05 chương của cuốn sách TRANH THỜ NGƯỜI DAO, có chương ba và chương bốn là hai chương quan trọng bậc nhất trong cuốn sách này.
Chương ba cho những người chưa biết, chưa am hiểu về việc thờ cúng của người Dao qua nét văn hóa tiêu biểu là TRANH THỜ những kiến thức vô cùng mới lạ đầy hấp dẫn về nội dung tranh thờ mà đồng bào Dao coi như báu vật trên đời. Đó là những đặc điểm tôn giáo chi phối nội dung tranh thờ, vai trò của các nhân vật trên tranh thờ. Đọc chương ba, ta như lạc vào thế giới của chuyện cổ tích dân tộc Dao mà các tác giả chuyên viết truyện cổ tích Tuyên Quang chưa lần nào khám phá ra.
Điểm nổi bật của chương này là hình tượng và đặc trưng nghệ thuật của các bộ tranh thờ của người Dao ở Tuyên Quang, trong đó bộ tranh Đại Đường Tam Thanh có tới 15 bức mà bức đầu tiên là tranh Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn; bức tranh cuối cùng là tranh Tứ Trực Công Tào. Bộ tranh thứ hai là bộ tranh Hành Sư có ba bức, trong đó có bức tranh thờ Tổng Đàn 72 vị danh thần, bức Hải Phan và bức tranh thờ Thái úy.
Chương ba cũng cho chúng ta biết về cuốn “Cẩm nang màu sắc tranh thờ”; Hình tượng và đặc trưng nghệ thuật của các bộ tranh thờ của người Dao Tuyên Quang, trong đó tác giả đã giới thiệu mười bức tranh thờ, điển hình như bộ tranh thứ nhất thờ Tam Nguyên Tam Bảo Dao Quần trắng của ông Lê Hải Thanh người Dao QUẦN TRẮNG thôn Đá Bàn xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn; bộ tranh thứ mười là bộ tranh Đại Đường Tam Thanh của Thầy Tào Triệu Văn Bảo là người Dao đỏ ở xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Đã nói về tranh thờ của người Dao ở Tuyên Quang, rất nhiều người trong chúng ta luôn hỏi, tại sao người Dao lại đưa tranh thờ vào tục lệ thờ cúng tổ tiên? Những đại lễ nào phải dùng tranh thờ? Tống Đại Hồng sẽ giải thích rõ vấn đề này trong chương bốn của cuốn sách. Đó là: Vị trí, chức năng của tranh thờ trong các đại lễ cúng. Chương này tác giả cho chúng ta biết có tới 9 lễ và đại lễ của người Dao phải dùng tranh thờ khi cúng tổ tiên, nhóm người Dao nào phải treo cả tranh Tam Thanh và Hành Sư; nhóm người Dao nào treo bộ Tam Thanh, Tam Bảo, Tam Nguyên. Chương bốn cũng cho ta biết thủ tục mời thầy, những thủ tục từ nhà thầy đến nhà có đại lễ cúng; thứ tự chương trình lễ cấp sắc và lễ cởi trói...
Cuốn sách TRANH THỜ NGƯỜI DAO sẽ là cuốn cẩm nang cho rất nhiều người thích tìm về văn hóa dân tộc Dao.
Gửi phản hồi
In bài viết