Phóng viên: Thưa đồng chí, việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang được triển khai mạnh mẽ. Đồng chí có thể cho biết quan điểm của mình về quá trình thực hiện chủ trương này?
Đồng chí Ngụy Văn Thận: Chủ trương sắp xếp bộ máy tinh gọn không phải là vấn đề mới. Ngay từ những năm 1980, khi thực hiện Đổi mới, chúng ta đã có các đợt điều chỉnh tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này vẫn tiếp tục được đặt ra vì bộ máy của chúng ta vẫn còn cồng kềnh, hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, nhiều đơn vị đã sáp nhập, như các ban thuộc Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND, UBND tỉnh, hay một số sở ngành có chức năng tương đồng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sau khi nhập lại thì một thời gian sau lại tách ra, vì không phù hợp thực tiễn. Điều này cho thấy, không phải cứ sáp nhập là tốt, mà quan trọng là phải sắp xếp hợp lý, tránh hình thức.
Nghị quyết 18 ra đời nhằm giải quyết tình trạng cồng kềnh, chồng chéo trong bộ máy công quyền. Mục tiêu lớn nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi ngân sách không cần thiết, đồng thời tạo ra hệ thống quản lý linh hoạt, minh bạch. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi nền hành chính phải “gọn nhẹ nhưng mạnh mẽ”. Mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng một bộ máy tinh gọn nhưng vẫn mạnh, nghĩa là không chỉ giảm số lượng đơn vị mà còn nâng cao chất lượng cán bộ, đảm bảo họ có đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ. Đây thực sự là một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, không thể làm qua loa mà phải có lộ trình chặt chẽ.
Phóng viên: Theo đồng chí, thách thức lớn nhất khi thực hiện tinh gọn bộ máy là gì?
Đồng chí Ngụy Văn Thận: Thách thức nằm ở văn hóa tổ chức và tâm lý người lao động. Nhiều cán bộ đã quen với cơ chế cũ, e ngại thay đổi vì sợ mất vị trí hoặc phải thích nghi với quy trình mới. Bên cạnh đó, việc xác định vị trí nào cần giữ, vị trí nào cần cắt giảm đòi hỏi đánh giá công tâm, dựa trên năng lực thực tế chứ không phải “xin - cho”. Nếu làm không khéo, ta có thể mất đi những người giỏi do họ cảm thấy bị đối xử bất công.
Giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, sắp xếp bộ máy có thể dẫn đến việc dư thừa nhân lực, đặc biệt là những cán bộ có năng lực nhưng bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập cơ quan, đơn vị. Đồng chí nghĩ sao về vấn đề này?
Đồng chí Ngụy Văn Thận: Đúng vậy. Khi sáp nhập các đơn vị, điều không thể tránh khỏi là có những người sẽ rơi vào tình trạng “dư thừa” hoặc bị điều chuyển sang vị trí khác. Nếu không làm tốt công tác sắp xếp, chúng ta có thể vô tình loại bỏ hoặc không sử dụng đúng người có năng lực. Có những người thực sự muốn nghỉ hưu sớm vì thấy mình không còn phù hợp với bộ máy mới, và họ được hỗ trợ để ra đi trong danh dự. Nhưng cũng có những trường hợp, những người giỏi, có kinh nghiệm lại xin nghỉ vì họ cảm thấy không còn môi trường làm việc phù hợp, trong khi một số người không thực sự có năng lực vẫn tiếp tục ở lại. Nếu không kiểm soát tốt, chính sách này có thể dẫn đến tình trạng người giỏi ra đi, người yếu kém ở lại, làm suy giảm chất lượng bộ máy.
Vì vậy, khi thực hiện tinh giản biên chế, không chỉ là giảm số lượng, mà quan trọng hơn là phải giữ lại được những người thực sự có năng lực, phẩm chất tốt. Học hàm, học vị chỉ là một yếu tố, nhưng điều quan trọng hơn là năng lực thực sự và sự phù hợp với công việc. Nếu không có cơ chế đánh giá hợp lý, chúng ta có thể mất đi những người có khả năng lãnh đạo và sáng tạo.
Đây là bài toán cân bằng giữa hiệu quả và sự ổn định. Trước hết, cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá năng lực cán bộ, ưu tiên giữ lại người có chuyên môn sâu, khả năng thích nghi cao. Đồng thời, cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt cho nhóm này, ví dụ: Lương và phúc lợi cạnh tranh, đảm bảo thu nhập tương xứng với năng lực, kèm theo gói phúc lợi như bảo hiểm sức khỏe cao cấp, hỗ trợ đào tạo; cơ hội thăng tiến, tạo lộ trình rõ ràng để họ thấy được tương lai trong hệ thống; môi trường làm việc mở, khuyến khích sáng kiến, trao quyền tự chủ trong giải quyết công việc.
Phóng viên: Trách nhiệm trong việc giữ chân người tài thuộc về người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đồng chí có đồng tình với quan điểm này không?
Đồng chí Ngụy Văn Thận: Tôi hoàn toàn đồng ý. Trách nhiệm lớn nhất trong việc giữ chân người tài thuộc về người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Nếu lãnh đạo có tâm, có tầm, biết trọng dụng người giỏi, tạo môi trường làm việc tốt thì chắc chắn người tài sẽ muốn ở lại cống hiến. Nhưng nếu người đứng đầu chỉ lo “quan hệ”, chỉ bổ nhiệm dựa trên cảm tính hoặc lợi ích cá nhân, thì chắc chắn bộ máy sẽ mất đi những nhân sự giỏi. Chúng ta cần có cơ chế đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu trong đơn vị nào có tình trạng “chảy máu chất xám”, mất đi nhiều cán bộ giỏi, thì cần xem xét lại trách nhiệm của lãnh đạo ở đó. Ngoài ra, cần có chính sách cụ thể để người đứng đầu có quyền tự chủ hơn trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, nhưng đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm rõ ràng nếu để mất nhân tài hoặc để xảy ra tình trạng bổ nhiệm sai người, sai vị trí. Bên cạnh đó, cần có cơ chế lắng nghe ý kiến từ tập thể, từ cơ sở. Người dân và cán bộ tại đơn vị đó là những người hiểu rõ nhất về năng lực của từng cá nhân, nên việc lựa chọn nhân sự cần có sự tham vấn rộng rãi, tránh tình trạng bổ nhiệm theo cảm tính hoặc vì lợi ích cá nhân.
Phóng viên: Như vậy, sắp xếp bộ máy tinh gọn không chỉ là vấn đề cắt giảm nhân sự, mà còn là bài toán làm sao để nâng cao chất lượng cán bộ, đúng không thưa ông?
Đồng chí Ngụy Văn Thận: Chính xác. Mục tiêu cuối cùng không phải là giảm bao nhiêu người, mà là làm sao để bộ máy vận hành hiệu quả nhất. Nếu chỉ giảm số lượng mà không nâng cao chất lượng, thì chưa chắc đã tốt hơn. Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 một cách quyết liệt nhưng cũng phải linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, cần có chính sách dài hạn để giữ chân người tài, vì nếu không có nhân tài, bộ máy dù tinh gọn đến đâu cũng không thể hoạt động hiệu quả được. Hãy coi tinh gọn bộ máy là cơ hội để “trẻ hóa” đội ngũ, chứ không chỉ là cắt giảm. Cần công khai minh bạch quy trình, tổ chức đối thoại thường xuyên với cán bộ để tháo gỡ băn khoăn.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Gửi phản hồi
In bài viết