Phóng viên (P.V): Đầu xuân năm mới, nhiều địa phương tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống gắn với các lễ hội. Vậy Tiến sỹ có thể trao đổi thêm về ý nghĩa, giá trị trò chơi dân gian trong cộng đồng các dân tộc?
TS. Giang Thị Huyền: Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có khoảng hơn 7.000 lễ hội truyền thống, trong đó phần lớn diễn ra vào dịp sau Tết Nguyên đán. Vì vậy, mỗi độ xuân về, người dân trong cả nước lại náo nức tham gia trẩy hội. Trong các lễ hội, bên cạnh những nghi thức mang tính tâm linh quan trọng ở phần lễ thì một trong những hoạt động không thể thiếu tạo nên nét tươi vui, sống động, đầy sắc màu và mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống được người dân các địa phương gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ đó chính là các trò chơi dân gian.
Từ góc độ văn hóa, trò chơi dân gian là một “sản phẩm” tinh thần được người dân sáng tạo từ thực tiễn đời sống lao động nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa và tinh thần của người dân. Vì vậy, các trò chơi thường gắn với cộng đồng qua nhiều thế hệ nên ngoài ý nghĩa như rèn luyện sức khỏe, mang lại niềm vui, sự giải trí sau những ngày lao động vất vả hay giải tỏa những áp lực của cuộc sống, trò chơi dân gian cũng mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa. Trong đó nổi bật là tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng. Thông qua việc được cùng nhau tham gia tranh tài, đua sức ở các trò chơi mang tính tập thể trong bầu không khí vui tươi, cùng chia sẻ là cơ hội giúp các thành viên giao lưu, thắt chặt hơn tình cảm làng xóm quê hương. Bên cạnh đó, tham gia vào các trò chơi dân gian còn giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về nguồn gốc và lịch sử của cộng đồng, dân tộc. Việc này giúp duy trì sự liên kết giữa các thế hệ đồng thời là cơ hội nhắc nhở con cháu gìn giữ, trân trọng và tự hào thuần phong mỹ tục của dân tộc để những giá trị văn hóa tồn tại mãi với thời gian.
Trẻ em xã Thiện Kế (Sơn Dương) thích thú với trò chơi ô ăn quan truyền thống.
P.V: Trò chơi dân gian vẫn luôn hấp dẫn trẻ em, tuy nhiên một số trò chơi truyền thống ít nhiều bị mai một theo thời gian. Theo Tiến sỹ, đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
TS. Giang Thị Huyền: Với nhiều thế hệ người Việt Nam, trò chơi dân gian như một phần không thể thiếu của tuổi thơ. Bởi đó không chỉ là trò vui, giải trí mà còn giúp mọi người gắn kết với nhau, nhất là trong những dịp lễ tết hoặc nghỉ hè. Những trò chơi như chơi ô ăn quan, chơi đánh đáo, đánh chuyền, thả diều, nhảy dây tuy đơn giản nhưng đã góp phần bồi đắp thế giới tinh thần, lưu lại trong ký ức tuổi thơ mãi về sau. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống, nhiều trò chơi dân gian truyền thống bị mai một theo thời gian. Đây cũng không phải là tình trạng ở riêng nước ta mà cũng là thực trạng, xu thế chung ở nhiều quốc gia. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng này phải kể đến là sự phát triển phong phú của các loại hình và phương tiện giải trí hiện đại, nhất là giải trí gắn với công nghệ, các trò chơi điện tử mới mẻ và hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội đương thời mà trò chơi dân gian không còn đáp ứng được. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cũng làm thay đổi không gian, môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đồng nghĩa với việc môi trường để chơi trò chơi dân gian truyền thống bị thu hẹp và thậm chí “biến mất” khỏi xã hội hiện đại. Ngoài ra, sự hội nhập, tiếp thu các loại hình văn hóa, giải trí từ bên ngoài, sự phát triển của truyền thông cũng làm cho văn hóa truyền thống nói chung, trong đó có các trò chơi dân gian đứng trước nguy cơ bị mai một.
Trò chơi đẩy gậy được duy trì và phát triển trong cộng đồng các dân tộc xứ Tuyên.
P.V: Là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, chị có thể gợi ý, đề xuất một số giải pháp gìn giữ, phát huy giá trị của trò chơi dân gian?
TS. Giang Thị Huyền: Theo tôi, để giữ gìn và phát huy giá trị của trò chơi dân gian, trước hết vẫn cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng người dân hiểu về ý nghĩa của việc giữ gìn, bảo lưu những trò chơi dân gian chính là bảo lưu những giá trị bản sắc của cộng đồng, dân tộc thông qua tuyên truyền, giáo dục và chủ trương, chính sách cụ thể. Thứ hai, cần đánh giá một cách đầy đủ hiện trạng trò chơi dân gian tiêu biểu của từng vùng, miền để xây dựng kế hoạch quản lý bảo tồn và chính sách phát huy một cách hiệu quả (ví dụ như trò chơi dân gian hàng ngày của trẻ em thì đưa vào các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường, bảo tàng, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; trò chơi dân gian của người lớn trong các lễ hội thì gắn với sản phẩm, hoạt động du lịch địa phương…). Thứ ba, bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian trong bối cảnh hiện nay không thể tách rời nền tảng khoa học - công nghệ, kỹ thuật số. Phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào các trò chơi dân gian, đưa các trò chơi dân gian lên các nền tảng game điện tử tạo nên sự hấp dẫn và mới mẻ cho các trò chơi truyền thống. Và cuối cùng, tạo ra nhiều các không gian, môi trường, điều kiện thuận lợi để trò chơi dân gian được thực hành sáng tạo và phát huy giá trị trong đời sống thực tiễn.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Gửi phản hồi
In bài viết