Rồng rắn lên mây...

- Chắc hẳn tuổi thơ nhiều thế hệ vẫn nhớ như in bài đồng dao Rồng rắn lên mây gắn với trò chơi thơ bé vui nhộn. Đây là một trò chơi theo nhóm, các người chơi được phân vai và phải thực hiện vai chơi của mình trong sự phối hợp với người khác.

Rồng rắn lên mây
Có cây xúc sắc
Có quả đồng hồ
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?
           (…)

Từ một trò chơi dân gian

Một người đứng riêng ra làm thầy thuốc, những người còn lại sắp hàng một, tay người sau nắm vạt áo người trước hoặc đặt trên vai của người đứng trước. Sau đó cả đoàn người bắt đầu lượn qua lượn lại như con rắn, vừa đi vừa hát: “Rồng rắn lên mây/Có cây lúc lắc/Hỏi thăm thầy thuốc/Có nhà hay không?”.

Minh Hoạ: Cảnh Trực

Người đóng vai thầy thuốc trả lời: “Thầy thuốc đi chơi (hay đi làm việc gì đó, ví như đi chợ, đi câu cá, đi vắng nhà…)”. Cả nhóm lại tiếp tục đi và hát. Đến khi thầy thuốc trả lời “Có!” thì diễn ra cuộc đối đáp giữa hai bên.

Thầy thuốc (A) hỏi: Rồng rắn đi đâu? Người đứng làm đầu của “rồng rắn” (B)  trả lời: Đi lấy thuốc chữa bệnh cho con. A: Con lên mấy? B: Con lên một. A: Thuốc chẳng hay. B: Con lên hai. A: Thuốc chẳng hay…

Cứ thế cho đến khi B đáp “Con lên mười” thì A bảo “Thuốc hay vậy”. Kế đó, thầy thuốc đòi hỏi: Xin khúc đầu. B: Những xương cùng xẩu. A: Xin khúc giữa. B: Những máu cùng me. A: Xin khúc đuôi. B: Tha hồ mà đuổi.

Đến đây thì thầy thuốc phải tìm cách đuổi bắt cho được người cuối cùng (khúc đuôi) trong hàng rồng rắn. Người đứng đầu dang hai tay, cố ngăn không cho thầy thuốc bắt được cái đuôi. Cả mình rồng rắn cũng uốn éo, luồn lách, né tránh sao cho cái đuôi của mình không bị thầy thuốc vồ được.

Nếu thầy thuốc bắt được người cuối cùng thì người đó phải ra thay làm thầy thuốc. Nếu rồng rắn bị đứt ngang giữa chừng lúc đang giằng co thì tạm ngừng để nối lại và tiếp tục trò chơi.

Đến vấn đề gìn giữ bản sắc dân tộc

Rồng rắn lên mây hay các trò chơi như Đánh đáo, Chơi chuyền, Chơi ô ăn quan… là trò chơi dân gian không cầu kỳ, tốn kém nên có thể dễ dàng chơi mọi lúc, mọi nơi; dụng cụ dễ kiếm, dễ làm, chủ yếu lấy từ trong tự nhiên, thậm chí chỉ là cái gậy, hòn đá, hòn bi,... có thể nhặt được trong vườn, dưới ruộng. Với sự linh hoạt trong cách chơi, không chỉ nâng cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Tuy nhiên, trẻ em ngày nay vì nhiều lý do đã không được làm quen và chơi những trò chơi dân gian của thiếu nhi thuở trước.

Trước hết, áp lực học tập khiến thời gian dành cho vui chơi, giải trí ngày một bị thu hẹp. Trẻ em bị cuốn vào các trò chơi điện tử, mạng xã hội… ngày càng ít biết đến các trò chơi dân gian. Đó còn là quá trình đô thị hóa khiến không gian vui chơi bị thu hẹp, trẻ em ít được trải nghiệm phong cảnh làng quê, ruộng đồng… cũng khiến các trò chơi dân gian không hấp dẫn và ít nhiều bị mai một.

Thiết nghĩ, trò chơi dân gian không đơn thuần là một trò chơi của trẻ con mà còn chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc. Vì thế, việc cân đối hài hòa giữa học tập và vui chơi, giải trí, đặc biệt là hướng đến giá trị nguồn cội luôn là điều thiêng liêng và cần được gìn giữ, phát triển.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục