Phóng viên (P.V): Thưa ông, vắc xin là gì và việc tiêm đúng, tiêm đủ các loại vắc xin có ý nghĩa như thế nào đối với công tác phòng chống các loại dịch bệnh trên người?
Bác sĩ Đoàn Lương Anh: Vắc xin là biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả nhất, đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm nay và có cơ sở khoa học vững chắc trong dự phòng các bệnh nhiễm trùng.
Vacxin là chế phẩm sinh học đặc biệt có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh, được bào chế nhằm đảm bảo độ an toàn cần thiết cho người sử dụng, đưa vào cơ thể con người nhằm kích thích hệ miễn dịch của con người sản sinh kháng thể chủ động phòng ngừa bệnh tật. Vắc xin chỉ đảm bảo an toàn cho người sử dụng khi được bảo quản với các tiêu chuẩn khắt khe nhằm đảm bảo chất lượng tuyệt đối, giúp phòng tránh nguy cơ phản ứng sau tiêm và có tác dụng phòng bệnh cho người tiêm trước các loại virus, vi khuẩn.
Khoảng 95% người được tiêm vắc xin sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Nhờ có vắc xin hàng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm, thanh toán được bệnh bại liệt, đậu mùa, loại trừ bệnh uốn ván và giảm số ca tử vong gây ra do sởi, ho gà, bạch hầu, viêm gan A, B, thủy đậu…
Trên thế giới hiện nay đã có gần 30 bệnh nhiễm trùng phổ biến có thể dự phòng được bằng vắc xin. Tại Việt Nam, hiện đã có 23 bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin, trong đó Chương trình tiêm chủng mở rộng đang triển khai tiêm vắc xin để phòng 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib, sởi, rubella, bại liệt, viêm não Nhật Bản). Theo nghị Quyết số 104/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ thì lộ trình đến năm 2030 Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ được bổ sung 4 loại vắc xin nữa.
Việc tiêm đúng, tiêm đủ các loại vắc xin có rất nhiều lợi ích. Về mặt sức khỏe, cơ thể sẽ phát triển đủ kháng thể để bảo vệ trước tác nhân gây bệnh và đảm bảo hiệu quả cao nhất trong phòng ngừa và ức chế sự lây lan của bệnh. Qua đó góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, kéo dài tuổi thọ, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm tỷ lệ kháng kháng sinh và ngăn chặn các chủng kháng kháng sinh.
Về mặt kinh tế, tiêm chủng góp phần làm giảm chi phí khám chữa bệnh và các chi phí phát sinh khác cho người dân. Đồng thời tạo ra một quần thể khỏe mạnh góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế.
Về mặt xã hội, tiêm vắc xin đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe, chăm sóc y tế cho Nhân dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giúp nâng cao sức khỏe và quyền của phụ nữ, góp phần tăng cường an toàn trong lưu thông và hội nhập...
Cán bộ Trung tâm y tế dự phòng huyện Na Hang khám sàng lọc cho trẻ em trước khi tiêm vắc xin.
P.V: Qua câu trả lời của ông thì có thể thấy, hiệu quả của tiêm vắc xin là rất lớn. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, tình trạng thiếu vắc xin cục bộ đã phần nào ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã khắc phục tình trạng này như thế nào?
Bác sĩ Đoàn Lương Anh: Sau đại dịch Covid-19, tình trạng thiếu vắc xin diễn ra cục bộ một phần do đứt gãy nguồn cung vắc xin (Phần lớn vắc xin là nhập khẩu), một phần do khó khăn trong tiếp cận tiêm chủng (do cách ly).
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cung ứng cho Tuyên Quang dù có thiếu cục bộ ở một số thời điểm nhưng đến hiện tại cơ bản đã được cung ứng đủ vắc xin theo đề xuất của Trung tâm y tế các huyện, thành phố và đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện chỉ còn thiếu 1 loại vắc xin là DPT (Thiếu từ tháng 7 và dự kiến sẽ được cấp bù trong thời gian tới).
Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương và Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn Trung tâm y tế các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp đối tượng có nhu cầu tiêm, tổ chức tiêm bù, tiêm vét ngay khi có vắc xin và đủ điều kiện tiêm, tránh bỏ sót. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã gửi công văn về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị cung ứng ngay khi có vắc xin đồng thời tăng cường công tác truyền thông và có văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền về lợi ích của tiêm chủng tới người dân, kêu gọi người dân cho trẻ đi tiêm bù mũi ngay khi được cấp bổ sung vắc xin và khuyến khích các gia đình có điều kiện kinh tế đưa trẻ tiêm vắc xin dịch vụ để đảm bảo đúng lịch.
P.V: Trên địa bàn tỉnh hiện có khá nhiều điểm tiêm chủng vắc xin. Điều này có tốt không, thưa ông?
Bác sĩ Đoàn Lương Anh: Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 138 điểm tiêm chủng vắc xin tại Trạm Y tế các huyện, thành phố; 10 điểm tiêm Viêm gan B sơ sinh và BCG tại khoa Sản của 6 TTYT, 3 BVĐK khu vực và 1 BV tư nhân. Cùng với đó toàn tỉnh có 17 cơ sở tiêm chủng dịch vụ bao gồm các cơ sở tiêm chủng của Nhà nước và tư nhân trên địa bàn như: Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phương Bắc, Bv Hoàng Việt, BV Hùng Vương, VNVC... như vậy nhân dân có nhiều cơ hội tiếp cận dịch vụ và có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiêm chủng vắc xin.
Tuy nhiên để đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng đòi hỏi các cơ sở tiêm chủng phải thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn tiêm chủng, thực hiện tốt công tác báo cáo tiêm chủng theo quy định. Các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục sai sót để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho người dân.
Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân nên lựa chọn các điểm tiêm chủng có uy tín, được cấp phép hoạt động, đáp ứng đầy đủ các quy định về nhân lực và chuyên môn kỹ thuật để được tư vấn, tiêm chủng an toàn và hiệu quả, tránh tai biến.
P.V: Trên các trang mạng xã hội gần đây xuất hiện nhiều hội nhóm Anti-vắc xin (chống đối việc tiêm vắc xin). Đáng nói, các hội nhóm này thu hút khá đông thành viên. Ông có đánh giá và cảnh báo gì về hiện tượng này?
Bác sĩ Đoàn Lương Anh: Hiện nay, trên mạng xã hội có một số nhóm anti-vắc xin, đây là một quan điểm sai lầm và thiếu chứng cứ khoa học. Thành tựu gần 40 năm triển khai chương trình tiêm chủng đã cho thấy tiêm chủng có vai trò vô cùng to lớn trong công tác phòng bệnh, một số thành tựu có thể kể đến như thanh toán hoàn toàn bệnh đậu mùa từ năm 1979, thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, giảm rõ rệt các bệnh truyền nhiễm trong chương trình TCMR như Bạch hầu, ho gà, Sởi, Viêm não Nhật Bản một cách ngoạn mục từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với trước thời kỳ tiêm chủng.
Việc các hội nhóm tuyên truyền chống đối kêu gọi không tiêm vắc xin xuất hiện thường lợi dụng một vài sự cố, ở một vài thời điểm trong tiêm chủng. Việc bỏ tiêm vắc xin sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng.
Để giảm thiểu và khắc phục tình trạng này, quan trọng nhất theo tôi, là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu lợi ích về sức khỏe, kinh tế và xã hội mà tiêm chủng vắc xin mang lại. Với những bằng chứng về lợi ích mà tiêm chủng vắc xin nhất là tiêm chủng mở rộng mang lại và những nguy cơ khi không thực hiện tiêm chủng vắc xin thì việc chối bỏ vắc xin không khác nào có tội với cộng đồng, Nhân dân và đất nước trong khi Chính phủ đã rất nỗ lực để có thể triển khai tiêm chủng vắc xin cho người dân kể cả đến tận những thôn bản xa xôi, khó khăn nhất. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài xử lý thích đáng đối với những người cố tình tuyên truyền những thông tin giả, không có bằng chứng khoa học, lập các hội nhóm Anti-vắc xin để lôi kéo, thu hút người thiếu hiểu biết.
Tôi rất tâm đắc với một câu nói như này: “Tin đồn dừng lại ở người thông thái” nghĩa là khi người dân hiểu biết những lợi, hại khi tiêm chủng vắc xin thì sẽ có “Kháng thể” với các thông tin xấu, độc và tiêu cực. Mặt khác cũng khuyến cáo với người dân khi tiếp nhận bất cứ thông tin nào, cần kiểm chứng, tìm hiểu kỹ một cách khách quan, khoa học đừng để bị lợi dụng, đặc biệt là bị lợi dụng và phải trả giá bằng chính sức khỏe của bản thân và con em mình.
P.V: Xin cảm ơn ông.
Gửi phản hồi
In bài viết