Phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong cách mạng tháng Tám

- Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Báo Tuyên Quang có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Trọng Thơ (trong ảnh), Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về vị thế, vai trò, đóng góp của quân và dân Tuyên Quang trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:

Phóng viên: Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang được lựa chọn làm căn cứ địa cách mạng - Thủ đô Khu giải phóng, trung tâm lãnh đạo cách mạng của cả nước. Vậy theo đồng chí, vì sao Tuyên Quang trở thành Thủ đô Khu giải phóng?

PGS.TS Trần Trọng Thơ: Việc chọn và xây dựng Tuyên Quang làm đại bản doanh của Trung ương Đảng, Mặt trận Việt Minh thời kỳ vận động Cách mạng tháng Tám -1945, Thủ đô Khu giải phóng không phải là ngẫu nhiên, mà là nằm trong quan điểm chỉ đạo, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ trong xây dựng căn cứ địa cách mạng, trong việc bảo đảm an toàn cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động lãnh đạo của cơ quan đầu não cách mạng, phù hợp và đáp ứng với sự phát triển và yêu cầu của phong trào cứu quốc đang lên. Và đương nhiên, vào thời điểm khu Giải phóng Việt Bắc ra đời (6-1945), phong trào khởi nghĩa từng phần đáng sôi nổi ở Việt Bắc, Tuyên Quang đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để xây dựng và thực hiện vai trò của căn cứ trung tâm.

Giữa năm 1945, khi phong trào Kháng Nhật cứu quốc phát triển mạnh, vùng giải phóng ở Việt Bắc mở rộng, yêu cầu về lãnh đạo đòi hỏi phải có một trung tâm mới theo hướng kết nối với toàn quốc. Theo đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại, Bác yêu cầu phải chọn một địa điểm có dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, có thể thuận tiện để làm trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài. Qua xem xét, lựa chọn, thấy vùng Tân Trào, rừng núi hiểm trở, nằm giữa Tuyên Quang và Thái Nguyên, rất xa đường cái lớn, nhân dân và cơ sở cách mạng rất tốt, chính quyền cách mạng đã thành lập, nằm trong Châu Tự Do, có thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng, có thể cung cấp lương thực, thực phẩm trong một thời gian nhất định…hội đủ những yếu tố cần có của một căn cứ trung tâm về địa dư, kinh tế, quân sự, chính trị và có thể phát huy tốt vị thế khi phong trào cách mạng đang lên cao. Do đó, tháng 5-1945, Bác đã về Tân Trào. Tại Tân Trào, Bác chỉ thị thành lành lập Khu Giải phóng Việt Bắc. Khu Giải phóng Việt Bắc ra đời, Tuyên Quang, mà trung tâm là Tân Trào, được chọn làm thủ đô của Khu giải phóng.

Bây giờ, ta hay nói, Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn Tuyên Quang làm Thủ đô Khu giải phóng bởi nơi đây hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nhưng theo tôi, điểm then chốt để Tuyên Quang được chọn làm thủ đô Khu giải phóng, trước hết là nhân tố con người. Trong bài Chọn căn cứ địa đăng trên báo Cờ Giải phóng, số 15, ngày 17-7-1945,  Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ rõ: Nơi nào điều kiện địa dư không được đầy đủ, nhưng trái lại có tổ chức quần chúng đông đảo, hùng hậu, nhất là quần chúng lại có truyền thống cách mạng, tức là như thế ta có rừng người, núi người thay cho rừng núi hiểm trở thiên nhiên. Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang có truyền thống yêu nước và từ khi có Đảng, đã một lòng, một dạ sắt son theo Đảng, xây dựng phong trào, đấu tranh củng cố cơ sở cách mạng vững chắc. Đó là điều cốt lõi nhất để Trung ương Đảng chọn Tuyên Quang làm thủ đô khu giải phóng.

Ðình Thanh La, nơi diễn ra cuộc mít-tinh tuyên thệ của quân khởi nghĩa sáng 11-3-1945 và cuộc mít-tinh tuyên bố thành lập châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu ngày 16-3-1945. Ảnh: Ngọc Chiến

Phóng viên: Với vai trò là Thủ đô Khu giải phóng, Tuyên Quang đã có đóng góp quan trọng trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Dưới góc độ nhà nghiên cứu lịch sử, đồng chí có thể chia sẻ cho bạn đọc Báo Tuyên Quang  hiểu rõ hơn về nội dung này?

PGS.TS Trần Trọng Thơ: Theo tôi, vai trò của Thủ đô khu Tuyên Quang gắn liền với vai trò của Khu Giải phón- hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam thời kỳ tiền khởi nghĩa, hơn thế nữa, gắn liền với sự phát triển của phong trào cách mạng trên cả nước, và do đó, có nhiều đóng góp cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám-1945.

Đầu tiên, là Thủ đô Khu Giải phóng Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc việc bảo đảm an toàn tuyệt đối và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan đầu não của Đảng hoạt động, bảo vệ an toàn tuyệt đối và đóng góp vật chất to lớn vào sự thành công tốt đẹp của các sự kiện của toàn Đảng, toàn quốc diễn ra trên đất Tuyên Quang như Hội nghị toàn Đảng diễn ra ngày 14, 15-8-1945 với quyết sách Tổng khởi nghĩa và quyết định những vấn đề lớn về đối nội và đối ngoại sau ngày cách mạng thắng lợi, Quốc dân Đại hội - có chế tiền Quốc hội, ngày 16, 17-8-1945, với sự ra đời của Ủy ban dân tộc giải phóng, tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới…vv. Chúng ta biết rằng, quân Nhật đã nhiều lần tấn công Khu Giải phóng, vào Tuyên Quang, nhưng đều bị quân và dân trong khu, quân và dân Tuyên Quang đánh trả thành công.

Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang là nơi vào đêm ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc phát Quân lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc. Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang cũng là nơi diễn ra các hoạt động đối ngoại với quân Đồng Minh, cụ thể là Mỹ, tức là thực hiện chức năng đối ngoại của thủ đô của một nước Việt Nam thu nhỏ…

Thứ hai, Thủ đô Khu Giải phóng Tuyên Quang là nơi thực hiện 10 chính sách lớn của khu Giải phóng, bao gồm những nội dung chính của Chương trình Việt Minh. Điều này rất quan trọng, vì đến lúc này, những chính sách của Mặt trận Việt Minh mới được kiểm nghiệm trong thực tế. Việc Nhân dân Tuyên Quang thực hiện 10 Chính sách của Khu Giải phóng chính là cơ sở để Quốc dân Đại hội thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, cũng là 10 chính sách xã hội của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau ngày thành lập. Nhưng điều có ý nghĩa tinh thần lớn là ở chỗ, nơi thực hiện 10 chính sách lớn của khu Giải phóng, Tuyên Quang là nơi thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ mới. Trong bối cảnh quân phiệt Nhật đang thi hành chính sách cai trị tàn bạo, thì hình ảnh của Thủ đô Tuyên Quang có sức cổ vũ, động viên, thôi thúc rất lớn đối với cao trào kháng Nhật trên cả nước. Cũng cần nói thêm rằng, tại Tuyên Quang, các hội nghị nhân dân, đại hội đại biểu nhân dân ở nhiều châu đã diễn ra, hình thức dân chủ đại diện xuất hiện, là tiền đề , là “trường học thực tế” cho thể chế dân chủ cộng hòa.

Thứ ba, quân và dân Tuyên Quang đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của phong trào khởi nghĩa từng phần trong cao trào kháng Nhật cứu quốc rất sôi động ở Việt Bắc, có tác động rất lớn trong toàn quốc. Nhân dân Tuyên Quang đã hưởng ứng, ủng hộ và được Cứu quốc hỗ trợ nổi dậy giành chính quyền, mở rộng vùng giải phóng. Dù đời sống còn rất khó khăn, đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đã quyên góp, cung cấp lương thực, thực phẩm cho Khu giải phóng, cho chính quyền các cấp, nuôi bộ đội… Có thể nói, Khu Giải phóng hoàn thành sứ mệnh có sự đóng góp rất quan trọng của nhân dân Tuyên Quang.

Thứ tư, với việc thực hiện mệnh lệnh khởi nghĩa của Ủy ban chỉ huy Lâm thời Khu giải phóng và của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, quân và dân Tuyên Quang đã tấn công các đồn binh Nhật đóng ở các huyện rồi tiến lên giải phóng thị xã vào ngày 21-8-1945, Quân và dân Tuyên Quang, góp phần quan trọng vào thành công của Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.

Phóng viên: Bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Với một tỉnh có 22 dân tộc như Tuyên Quang, đồng chí có thể gợi mở một số giải pháp để Tuyên Quang tiếp tục phát huy bài học lịch sử này?

PGS.TS Trần Trọng Thơ: Chúng ta biết rằng, không chỉ ở Việt Nam, mà đoàn kết là bài học quý báu đối với mọi thời, mọi dân tộc trên thế giới. Ngay khi bắt đầu cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc, vào năm 1941, trong thư gửi đồng bào toàn quốc, Bác Hồ đã viết: muốn đánh Pháp - đuổi Nhật, thì toàn dân phải đoàn kết. Theo tôi, thành công lớn nhất, bài học lớn nhất, có giá trị lâu dài của Cách mạng tháng Tám-1945 đó là đã xây dựng và phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 22 dân tộc chung sống trên địa bàn Tuyên Quang có truyền thống quý báu là luôn đoàn kết, tôn trọng và tương trợ lẫn nhau. Nhưng đoàn kết không tự nhiên mà có, không tự nhiên mà vững, mà phải luôn quan tâm bảo vệ và vun đắp.

Để tiếp tục phát huy bài học về đoàn kết, Tuyên Quang cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, là giải pháp tuyên truyền, phải thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân, nhất là tuyên truyền về những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, để nhân dân thấy rõ lợi ích từ việc đoàn kết thực hiện mục tiêu đó. Cùng mục tiêu phấn đấu chính là hạt nhân của đoàn kết. Thứ hai, là giải pháp tổ chức, phải tăng cường đổi mới và phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội- nghề nghiệp, để tạo điều kiện cho nhân dân các dân tộc gặp gỡ, sinh hoạt, giao lưu, giúp đỡ lẫn nhau… Thứ ba, là giải pháp về bảo đảm, phải tạo mọi điều kiện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ, nhất là các cơ chế bảo đảm dân chủ cơ sở; phải có cơ chế bảo đảm những quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân,… Thứ tư, là giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chống các thế lực thù địch phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Nhân dân Tuyên Quang đã đoàn kết, làm nên nhiều kỳ tích trong quá khứ, chắc chắn sẽ ngày càng đoàn kết, chung sức đồng lòng vì mục tiêu xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh và văn minh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Trần Trọng Thơ!

Thực hiện: Chúc Huyền

Tin cùng chuyên mục