Chủ động kê khai, tránh việc truy thu

- Công tác quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, số nộp thuế chưa tương xứng so với thu nhập và doanh thu thực từ hoạt động kinh doanh này. Trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Tuyên Quang, luật sư (LS) Đàm Quốc Cường - Giám đốc Công ty Luật Đàm Quốc Cường (TP Tuyên Quang) cho rằng nguyên nhân một phần là do người dân chưa có ý thức tự giác trong việc kê khai, nộp thuế. Ngoài ra, hành lang pháp lý đối với hoạt động kinh doanh này chưa hoàn thiện, các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng thất thu thuế vẫn còn.

Luật sư Đàm Quốc Cường

P.V: Thời gian gần đây, trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn, như TikTok, Shopee… nở rộ livestream bán hàng với doanh số rất lớn, thậm chí lên tới hàng trăm tỷ đồng. Theo ông, sự phát triển của livestream bán hàng nói riêng và TMĐT có ý nghĩa thế nào đối với nguồn thu ngân sách?

LS. Đàm Quốc Cường: Livestream bán hàng và TMĐT đã và đang trở thành lĩnh vực có ảnh hưởng quan trọng đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Đối với Việt Nam, hoạt động TMĐT ngày càng được mở rộng, với sự đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia, mức tăng trưởng được đánh giá là nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Hiện nay giá trị ngành TMĐT của Việt Nam là 20,5 tỷ USD và ước tính sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025.  Thông tin về số thu ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính dẫn số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất cho thấy, kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử năm 2022 là 83.000 tỷ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng.

Về phía doanh nghiệp, người nộp thuế, tôi thấy rằng đã có sự chuyển biến, đồng thuận trong việc chấp hành pháp luật thuế rất nhiều. Nhờ đó mà số thuế nộp ngân sách từ hoạt động kinh doanh TMĐT trong cả nước tăng trưởng qua các năm.

P.V: Nhiều ý kiến cho rằng pháp luật đang có khoảng trống, dẫn đến thất thu thuế trong lĩnh vực này. Xin ông cho biết quan điểm của mình?

LS. Đàm Quốc Cường: Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế số 38 có hiệu lực từ 1 - 7 - 2020. Luật đã quy định nhiệm vụ, chức năng, quy tắc phối hợp giữa các bộ, ban, ngành nhằm chống gian lận trong TMĐT. Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế ban hành tháng 10 vừa qua cũng ghi rõ tại Điều 26, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế. Nhưng bên cạnh đó bộc lộ nhiều hạn chế.

Cụ thể, việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc do hoạt động TMĐT hay một số hoạt động TMĐT chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế trong việc phân loại những ngành nghề kinh doanh để xác định nghĩa vụ nộp thuế; khó khăn trong việc xác định đúng bản chất giao dịch để đánh thuế hoạt động kinh doanh TMĐT nhất là trong nền kinh tế chia sẻ ví dụ như loại hình kinh doanh của Uber, Grab thì hiện nay vẫn đang còn tranh cãi nhiều chưa có quyết định cuối cùng về việc đây là loại hình kinh doanh gì; quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch thương mại xuyên biên giới ví dụ như mô hình cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến, mô hình du lịch, khách sạn trực tuyến; khó quản lý đối với hoạt động bán hàng cung cấp dịch vụ sản phẩm số trên website, các trang mạng xã hội ví dụ như là những doanh nghiệp sử dụng website quảng bá sản phẩm hàng hóa kết hợp bán hàng trực tuyến trực tiếp cho người tiêu dùng là cá nhân nhưng không xuất hóa đơn bán hàng.

Việc bán hàng, quảng cáo còn sử dụng qua điện thoại, tin nhắn nên cơ quan thuế khó kiểm soát với các nhóm này, không kiểm soát được doanh thu. Khó khăn này do cơ chế bảo mật thông tin của khách hàng mà các website đang thực hiện.

Cán bộ Cục Thuế tỉnh công khai, niêm yết các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT tại bộ phận một cửa.

P.V: Để xử lý triệt để tình trạng trên, qua đó đảm bảo công bằng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, theo ông cơ quan thuế cần có những giải pháp gì?

LS. Đàm Quốc Cường: Tôi cho rằng, để giải quyết tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực TMĐT, cơ quan thuế cần tập trung tuyên truyền phổ biến để khuyến khích doanh nghiệp cũng như là người nộp thuế tự giác kê khai nộp thuế thu nhập.

Đối với vấn đề bán hàng trên Facebook cơ quan thuế cần triển khai tuyên truyền đến các tài khoản đề nghị các chủ tài khoản đến tự kê khai nộp thuế, đồng thời cần phối hợp cơ quan báo chí, truyền thông, ban ngành liên quan, ngân hàng thương mại, các công ty chuyển phát, công ty bưu chính để tuyên truyền cá nhân tổ chức thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo quy định.

Đối với các hoạt động mới phát sinh tương tự như Uber cần có văn bản hướng dẫn kê khai nộp thuế nhà thầu và khấu trừ số thuế phải nộp trước khi trả. Cần phối hợp chặt chẽ với các nhà mạng để xác định địa điểm kinh doanh, giao hàng, phối hợp hội đồng tư vấn thuế các vùng để đưa các cá nhân vào diện quản lý thuế.

Cần sửa đổi bổ sung luật thuế trong đó có quy định về quản lý thuế đối với giao dịch TMĐT.

P.V: Theo ông, trách nhiệm của người kinh doanh TMĐT là gì?

LS. Đàm Quốc Cường: Nghị định số 85/2021/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử như sau: Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ; cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử; đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử; Thực hiện các quy định khi thực hiện ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Cùng với đó, các hộ kinh doanh cần cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử; tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

P.V: Việc thu thuế đối với hoạt động TMĐT cần sự chung tay của nhiều cơ quan. Ông có khuyến nghị gì để vừa thúc đẩy sự chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan với nhau, vừa đảm bảo bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu của người dân?

LS. Đàm Quốc Cường: Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện pháp luật liên quan đến TMĐT. Trong đó bổ sung quy định về hoạt động livestream trên các nền tảng và sửa đổi Nghị định 117/2018/NĐ-CP về giữ bí mật và cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Ngoài ra, cần kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng... Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn việc chuẩn hóa về dữ liệu, chia sẻ thông tin của các tổ chức tín dụng cung cấp để đảm bảo đáp ứng việc kết nối để chống thất thu thuế nhưng vẫn bảo vệ được dữ liệu cá nhân.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Thực hiện: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục