Bồi đắp tình yêu văn học trong giới trẻ

- Bàn về văn chương, nhà thơ Thanh Thảo đã cho rằng: “văn chương giúp ta trải nghiệm cuộc sống ở những tầng bức và những chiều sâu đáng kinh ngạc. Nó giúp con người sống ra người hơn, sống tốt hơn nếu ta biết tìm trong mỗi quyển sách những vệt sáng, những nguồn sáng soi rọi vào những góc khuất của cuộc đời và của con người”. Trong bất cứ thời đại nào, việc định hình cho lớp trẻ tiếp cận cảm thụ tác phẩm văn học là rất quan trọng, giúp các em hoàn thiện nhân cách, biết yêu, trân quý giá trị cuộc sống.

“Văn học là nhân học”

Nói về vai trò của văn chương, Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) cho rằng, văn học có vai trò rất quan trọng trong định hình nhân cách của người trẻ. Đó là chiếc chìa khóa vàng mở rộng lòng nhân ái trong tâm hồn, giúp con người hướng thiện. Khi thấm nhuần các tác phẩm văn học, từ văn học dân gian, văn học hiện thực phê phán đến văn học hiện đại chúng ta đều hiểu rõ “văn học là nhân học” và học văn chính là học cách làm người. Thông qua mỗi tác phẩm văn học, những bài đạo đức, ý thức trách nhiệm, lối sống được nâng lên những tầm mới để phù hợp từng giai đoạn phát triển tâm hồn.

Cho dù ở bất kỳ một xã hội nào thì việc học văn cũng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống. Nếu như ở xã hội cổ truyền thước đo trình độ, học vấn của một con người luôn là văn hay, chữ tốt, lấy văn làm môn thi để tuyển chọn nhân tài cho đất nước thì ngày nay, văn học vẫn duy trì vẹn nguyên giá trị cao quý đó. Và độc giả không quá khó để tiếp xúc với văn học, bởi lẽ nó tồn tại song song và gắn liền mật thiết với xã hội như báo chí, sách vở…

Đại diện lãnh đạo Hội đồng Lý luận Phê bình Trung ương, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao đổi về cảm thụ văn chương với các sinh viên trường Đại học Tân Trào.

Do đó, việc bồi đắp tình yêu văn học cho lớp trẻ cần được quan tâm và coi trọng. Tại các diễn đàn, hội thảo văn chương nhiều nhận định nói rằng ngày nay chúng ta rất nên thận trọng với hai lực lượng công chúng trẻ. Thứ nhất, một số thanh niên say mê khoa học công nghệ, điều đó rất tốt nhưng không nên để sự say mê ấy biến con người thành một cái máy. Sợ nhất là việc con người suy nghĩ máy móc, thiếu cảm xúc. Thứ hai, giới trẻ không được định hướng nên cái gì cũng xúc động, xúc động lung tung rất nguy hiểm. Chính văn học tạo nên sự hài hòa, ổn định và tạo cho con người biết cảm xúc, cảm xúc đúng. Xúc động văn chương là xúc động bằng trái tim thông qua trí tuệ con người.

Dẫn dắt người trẻ đến với văn chương

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các thầy cô giáo cũng đã góp phần lớn trong việc bồi đắp, cảm thụ các tác phẩm nghệ thuật. Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hải, trường THCS Trung Môn (Yên Sơn) chia sẻ, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập là một thách thức lớn đối với đội ngũ giáo viên dạy văn. Để giúp các em có hứng thú, cảm thụ tốt môn Văn học, trước hết giáo viên thường xuyên tư duy sáng tạo trong giảng dạy để “truyền lửa” cho học sinh.

Bên cạnh đó, để nâng cao khả năng cảm thụ văn chương, nhiều trường tích cực tổ chức các buổi ngoại khóa, câu lạc bộ, mở các tập san để các em được chủ động tiếp cận văn học một cách hiệu quả nhất. Tập san “Nắng rẻo cao” của trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh là một trong những cách để giúp học sinh thể hiện niềm đam mê, yêu thích với môn Văn. Tập san là một sân chơi bổ ích, đã giúp các em yêu thích môn Văn trong nhà trường được phát triển khả năng viết văn, viết truyện, làm thơ.

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Hàm Yên đọc tác phẩm văn chương trong giờ giải lao.

Tại trường học thường xuyên phối hợp để mở các buổi ngoại khóa. Cách đây vài năm về trước trường Đại học Tân Trào có mở ngoại khóa về thơ và kịch Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ thu hút được đông đảo sinh viên tham gia trao đổi. Ngoài ra Hội Văn học Nghệ thuật cũng có những cách làm riêng để đưa tác phẩm đến gần các bạn trẻ.

Vừa qua, lớp Tập huấn Lý luận phê bình văn học nghệ thuật do Hội đồng lý luận Trung ương tổ chức tại Tuyên Quang đã thu hút nhiều bạn sinh viên Khoa Sư phạm văn trường Đại học Tân Trào đã được tham dự. Em Nguyễn Văn Nam chia sẻ: “Tại lớp tập huấn em được nghe nhiều chuyên đề về văn học, trong đó em thích nhất là văn học mạng. Đây là cơ hội để em được gặp gỡ, giao lưu với các nhà văn, nhà thơ của tỉnh. Qua đó, bồi đắp tình yêu văn chương, giúp em hình thành ước mơ trở thành cây viết văn trẻ”.

Một tác phẩm ra đời không chỉ phản ánh cuộc sống phong phú, muôn vẻ quanh ta mà còn thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của tác giả với vạn vật. Trong thời đại bùng nổ thông tin nhiều bạn trẻ tìm đến nhiều hoạt động khác nhau thế nhưng việc bồi đắp tình yêu văn học luôn cần được quan tâm, chú trọng. Từ đó giúp các em định hình nhân cách, hoàn thiện mình, hướng đến giá trị chân thiện mỹ.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục