Bởi nghệ nhân được ví như “báu vật nhân văn sống”, sợi dây níu giữ các yếu tố văn hóa dân gian và là người giữ lửa cho di sản. Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa năm 2001 chưa quy định chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân.
Năm 2009, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa quy định tại Điều 26 việc trợ cấp sinh hoạt hàng tháng và ưu đãi đối với nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn. Nhưng theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Di sản văn hóa, cho đến nay chỉ có rất ít nghệ nhân được phong tặng danh hiệu được hưởng chế độ này.
Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm tạo dựng môi trường để các nghệ nhân phát huy vai trò của mình như: tạo dựng môi trường sinh hoạt và thực hành di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc; tăng cường giao lưu cộng đồng, câu lạc bộ, tạo sự gắn bó mật thiết của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc gắn với phát triển du lịch, tạo ra lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh địa phương; thúc đẩy phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, trọng tâm là tổ chức các hoạt động diễn xướng, dân ca, liên hoan hát dân ca, trình diễn trang phục trong nhà trường và ở cơ sở, khai thác, khôi phục một số lễ hội truyền thống, sưu tầm các bài dân ca, các điệu dân vũ, trò chơi dân gian, bài thuốc, món ăn đặc sắc, khôi phục các làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc. Đồng thời tiến hành khảo sát, rà soát, phát hiện, lựa chọn những hạt nhân tiêu biểu đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian, Nghệ nhân Ưu tú theo quy định.
Việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản phi vật thể đã góp phần động viên các nghệ nhân tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và trao truyền cho thế hệ trẻ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý giá mà họ đang nắm giữ.
Đặc biệt cần bổ sung quy định về chính sách đãi ngộ đối với tất cả các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, không chỉ dừng lại nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, mà tất cả các nghệ nhân khi được vinh danh, được công nhận đều được hưởng các chính sách Nhà nước đã ban hành, gồm cả sinh hoạt phí hàng tháng.
Chính sách đãi ngộ và hỗ trợ nghệ nhân cần bảo đảm tính ổn định lâu dài, phù hợp, xứng đáng đối với các nghệ nhân, khích lệ họ thêm yêu nghề, truyền nghề, khích lệ lớp nghệ nhân kế cận là những người trẻ tích cực hơn trong việc tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Gửi phản hồi
In bài viết