Nguyên liệu và quy trình nhuộm
Cây chàm có tên khoa học là Indigofera tinctoria, là một loại cây thân bụi, có thể cao từ 1 đến 2 mét. Lá chàm mọc đối xứng, hình bầu dục và có màu xanh đậm, là bộ phận chính được sử dụng để chế biến chất nhuộm. Cây thường mọc thành bụi, ưa nắng, dễ trồng và phát triển tốt trong môi trường núi rừng có độ ẩm cao và đất đai giàu dinh dưỡng. Chính nhờ tính chất dễ trồng mà cây chàm có thể được trồng tại nhiều vườn nhà hoặc dọc theo các nương đồi.
Đồng bào Nùng ở thôn Bum Kẹn, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đến nay vẫn giữ được nghề truyền thống nhuộm vải chàm.
Người dân thường trồng chàm trong mùa mưa để cây có đủ nước phát triển tốt. Sau khi trồng vài tháng, khi lá đã đạt đến độ trưởng thành, người dân sẽ thu hoạch lá chàm để chuẩn bị cho quá trình nhuộm. Để duy trì cây cho các vụ tiếp theo, người dân thường chỉ hái lá và giữ lại thân cây, giúp cây có thể tiếp tục đâm chồi.
Trong văn hóa dân tộc Tày, Nùng Tuyên Quang, cây chàm tượng trưng cho sự bền bỉ và sức sống mãnh liệt của con người vùng núi. Màu xanh của chàm giống như màu của núi rừng, là biểu tượng của sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Trang phục chàm không chỉ đẹp mắt mà còn mang trong mình niềm tự hào của người dân về truyền thống và văn hóa của dân tộc mình.
Quy trình làm chàm phức tạp, đòi hỏi sự cẩn trọng và kiên nhẫn. Lá chàm được hái về, đem đi phơi khô rồi ngâm trong nước khoảng 3 - 4 ngày để phân hủy và lên men, tạo thành dung dịch nhuộm. Tiếp tục khuấy đều nước chàm, thêm tro hoặc vôi để giúp dung dịch đậm màu hơn và bền màu khi nhuộm.
Cây chàm trong vườn nhà bà con người Nùng xã Hùng Lợi, Yên Sơn. Ảnh: Hoàng Niềm
Sau khi dung dịch chàm đã đạt đủ độ đậm, bà con sẽ nhúng vải vào nước chàm, mỗi lần nhúng thường kéo dài vài phút rồi lại mang ra phơi khô. Quy trình này được lặp lại nhiều lần cho đến khi màu chàm thấm đều vào từng thớ vải. Công đoạn này yêu cầu sự tinh tế và kiên nhẫn, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ trong cách nhúng hay thời gian phơi cũng có thể làm màu chàm không đều hoặc dễ phai.
Vải nhuộm chàm không chỉ đơn thuần là miếng vải nhuộm màu. Khi sử dụng vải chàm, người Tày, Nùng thường thêu các hoa văn mang ý nghĩa may mắn, phúc lành, hoặc biểu tượng của thiên nhiên như mây, nước, và cây cối; làm tăng tính thẩm mỹ mà còn mang lại ý nghĩa tâm linh, giúp sản phẩm vừa đẹp vừa có giá trị tinh thần.
Những giá trị và cơ hội mới
Trang phục chàm của người Tày, Nùng có màu xanh đậm, là màu sắc của đất trời, rừng núi, và tượng trưng cho sự gắn kết với thiên nhiên. Chiếc áo chàm vừa giản dị, vừa cứng cáp giúp người dân dễ dàng lao động giữa thiên nhiên và có sức chịu đựng trước khí hậu khắc nghiệt của vùng núi.
Ngày nay, vải nhuộm chàm không chỉ dùng may trang phục, mà còn sử dụng để làm khăn, mũ, làm chăn, gối, đệm ghế, túi xách... Trên nền chàm trơn, các nghệ nhân còn thêu thêm hoa văn truyền thống tạo thành những bức tranh mang đậm dấu ấn văn hóa.
Quá trình tạo dung dịch nhuộm chàm.
Sản phẩm từ vải chàm không chỉ có sức hút về mặt thị giác mà còn đem lại sự thoải mái cho người mặc. Vải chàm tự nhiên có khả năng thấm hút mồ hôi tốt và không gây kích ứng da, phù hợp cho các hoạt động hàng ngày. Đây cũng là lý do mà vải chàm ngày càng được người tiêu dùng đánh giá cao trong xu hướng tìm kiếm các sản phẩm thân thiện với môi trường và sức khỏe.
Với xu hướng thời trang xanh, bền vững hiện nay, vải nhuộm chàm được săn đón như một sản phẩm thủ công mang đậm giá trị văn hóa, thân thiện môi trường. Những sản phẩm từ vải chàm không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều du khách nước ngoài đến Tuyên Quang đều rất thích thú và tìm mua các sản phẩm từ vải chàm, từ trang phục cho đến khăn quàng, túi xách và các vật dụng gia đình.
Tuy nhiên, hiện cây chàm không còn nhiều. Nghề nhuộm chàm thủ công của bà con Tày, Nùng đã dần bị thay thế bởi các sản phẩm công nghiệp nhanh chóng và tiện lợi hơn. Để bảo tồn và phát triển bền vững, cần có sự đầu tư về cả nguồn nguyên liệu và đào tạo thế hệ trẻ theo nghề. Việc xây dựng các làng nghề chuyên nhuộm chàm, đồng thời tạo ra các liên kết với thị trường trong và ngoài nước sẽ giúp nâng cao giá trị của vải chàm, không chỉ là một sản phẩm văn hóa mà còn là tài sản kinh tế bền vững cho cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết