“Lớn lên từ câu Kiều, sao mà sống ác được!”
Tại Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Thiếu nhi và Trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất năm 2022, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của văn học nghệ thuật: “Ở bất cứ thời đại nào và ở bất cứ quốc gia nào, một câu hỏi lớn luôn được đặt ra là, một đứa trẻ lớn lên sẽ thành một con người như thế nào nếu trong tâm hồn chúng không tràn ngập những vẻ đẹp văn hóa dân tộc, tràn ngập tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên và những giấc mơ trong trẻo… Những tác phẩm văn học nghệ thuật đã làm cho con người sống một đời sống có nhân phẩm, nhân văn và tâm hồn phong phú”.
Cũng đồng quan điểm đó, trên các diễn đàn, khi bàn về vai trò của văn học nghệ thuật các nhà phê bình luôn khẳng định rằng, văn học, nghệ thuật là một lĩnh vực đặc biệt của văn hóa, là mảnh đất đầy tính nhân văn chứa đựng sự sáng tạo, tâm hồn và cảm xúc. Các tác phẩm có sức mạnh cảm hóa, hướng công chúng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Nhà thơ, nhà văn thường được gọi là người “nghệ sỹ của ngôn từ”, họ biến đổi từ ngữ để gây ảnh hưởng, tác động tích cực tới người đọc. Biết bao thế hệ thanh niên yêu nước Việt Nam đã hy sinh vì nghĩa lớn, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc với những lý tưởng cao đẹp được truyền cảm hứng từ những tác phẩm như Hòn Đất, Sống như anh, Người mẹ cầm súng, Nhật ký Đặng Thùy Trâm...
Hay tiêu biểu nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du, tác phẩm ấy đã làm rung động bao con tim, đến tận ngày hôm nay nó vẫn luôn vẹn nguyên giá trị. Tác phẩm đánh thức tâm hồn, lòng bao dung, nhân ái của con người ngày càng rộng hơn. Người ta dễ đồng cảm và thấu hiểu cho người khác hơn.
Sinh viên trường Đại học Tân Trào tìm hiểu những tác phẩm văn chương mạng.
Ở đâu trên đất nước, những trí thức đến người lao động bình thường, không ai không thuộc hoặc không đọc, không nghe một vài câu Kiều của Nguyễn Du. Người ta đọc Kiều, người ta lẩy Kiều, người ta bói Kiều, người ta ru con bằng những câu Kiều. Tại trại sáng tác văn học Tuyên Quang, Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, Tạp chí Văn nghệ Quân đội từng nói rằng, chúng ta có thể thấy rằng những cô bé, cậu bé nằm nôi lớn lên từ những lời ru tha thiết, được tắm mát trong dòng chảy ngôn từ êm đềm, dịu dàng của Kiều. Lớn lên các con không thể sống ác được, không thể không thương người, không thương mình trong những bước truân chuyên của cuộc đời.
Rõ ràng, đầu tư bồi dưỡng tâm hồn trẻ thơ bằng văn học nghệ thuật là bồi dưỡng văn hóa cho thế hệ tương lai của đất nước. Từng bước giúp các em giữ được sự hồn nhiên, trong trẻo và hướng tới những ước mơ đẹp, làm người có ích cho xã hội.
Một sứ mệnh xuyên suốt thời đại
Trong thời đại ngày nay, hầu hết các bạn trẻ nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng ít đọc sách bởi các em có quá nhiều “kênh” giải trí như: truyền hình, lướt mạng xã hội, trò chơi điện tử... Do đó mỗi chúng ta cần có trách nhiệm để nâng tầm sứ mệnh văn học nghệ thuật trong thời đại ngày nay.
Văn học nghệ thuật bao gồm các bộ môn như văn chương, hội họa, âm nhạc, sân khấu… Mỗi mảng đều có cung đường thẩm thấu riêng. Bàn về vấn đề này, nhà văn Đỗ Anh Mỹ, Phân hội trưởng Phân hội Văn học Tuyên Quang chia sẻ, văn học bây giờ khá mở nên các người trẻ cảm thụ cũng cần sự khác biệt. Chẳng hạn với một đề mở như: “Em nghĩ gì về nội dung Truyện Kiều?”, nếu như chúng ta trả lời Truyện Kiều có giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo thì rõ ràng câu trả lời này đúng theo sách vở. Nhưng có một người trẻ khác trả lời rằng: “Đọc Truyện Kiều em nhận thấy có nhiều mảng màu khác nhau. Màu vàng em nghĩ đến những nỗi buồn, màu xanh em nghĩ đến cuộc sống “Cỏ non xanh rợn chân trời”, màu đỏ em nghĩ đến những giây phút thăng trầm của Kiều...
Do đó người trẻ cần được dẫn dắt để tìm được cung đường thẩm thấu nghệ thuật để tránh khuôn mẫu cứng nhắc từ đó kích thích sự sáng tạo, hăng say khám phá nghệ thuật. Những năm qua, trường Đại học Tân Trào thường xuyên phối hợp để mở các buổi ngoại khóa, triển lãm tranh, ảnh. Tiêu biểu như “Triển lãm ảnh biển đảo quê hương”, “Nét đẹp đời thường”... đã thu hút được đông đảo công chúng trẻ đến xem và cảm nhận nghệ thuật.
Bạn Nguyễn Văn Nam, sinh viên trường Đại học Tân Trào cho rằng: “Việc quan tâm đến nghệ thuật là cần thiết với người trẻ. Khi đi xem các buổi triển lãm nghệ thuật thì em thấy yêu cái đẹp, yêu cuộc sống hơn. Đồng thời giúp nảy sinh những ý tưởng để có thể sáng tạo và phát triển bản thân hơn”.
Nhà thơ Tạ Bá Hương, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ, khi chúng ta đặt văn học nghệ thuật lên tầm cao nhất của đời sống, nghĩa là chúng ta đã thấu hiểu con đường đi tới hạnh phúc đích thực. Văn học nghệ thuật mang giá trị lớn lao, định hướng nhân cách cho mỗi con người. Đó cũng chính là một trong những lý do những năm gần đây Hội thường xuyên khuyến khích, kêu gọi các tác giả sáng tác những tác phẩm đẹp, hướng con người tới giá trị nhân văn, vẻ đẹp chân thiện mỹ. Đồng thời khuyến khích người trẻ dấn thân hơn nữa vào văn học nghệ thuật để sáng tác lan tỏa sâu xa hơn vẻ đẹp con người trong xã hội ngày nay.
Như vậy, văn học, nghệ thuật là công cụ đắc lực góp phần trong việc hình thành và hoàn thiện nhân cách. Văn nghệ sỹ thông qua các tác phẩm làm cho phần tốt ở mỗi con người nảy nở và phần xấu bị mất dần đi. Bằng sức mạnh chinh phục, cảm hóa của mình, văn học nghệ thuật trở thành “sức mạnh mềm” giúp công chúng từng bước định hướng giá trị và sự chuẩn mực.
Gửi phản hồi
In bài viết