Mảnh đất bề dày lịch sử
Tuyên Quang là một vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Từ thời các vua Hùng dựng nước, Tuyên Quang đã là phên giậu của nước Văn Lang. Danh xưng Tuyên Quang đã xuất hiện từ lâu trong các triều đại phong kiến. Ngày 4-11-1831, vua Minh Mệnh chia định địa hạt từ Quảng Trị trở ra phía Bắc thành 18 tỉnh, trong đó có tỉnh Tuyên Quang, đây là mốc thời gian đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của tỉnh.
Du khách tham quan Di tích thôn Lập Binh, xã Bình Yên (Sơn Dương), nơi làm việc của Văn phòng Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ và Ban Thanh tra Chính phủ từ năm 1948 - 1954.
Dưới các triều đại phong kiến, Tuyên Quang luôn là “trấn biên” che chở cho kinh thành Thăng Long. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Tuyên Quang, quân và dân trong tỉnh đã một lòng đoàn kết đứng lên chống giặc ngoại xâm. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), ánh sáng cách mạng đã soi đường, chỉ lối, thổi bùng ngọn lửa yêu nước của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm 1941, Chi bộ Mỏ Than, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh ra đời, ngay sau đó Ban Cán sự Đảng Tuyên Quang được thành lập, là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử Tuyên Quang.
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang là Thủ đô Khu Giải phóng, trung tâm lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ đã ở và làm việc, lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Tuyên Quang tiếp tục được chọn làm Thủ đô Kháng chiến, được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đóng trụ sở để lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong những năm tháng lịch sử hào hùng ấy, trên mảnh đất Tuyên Quang chứng kiến những sự kiện trọng đại đất nước, quyết định vận mệnh của dân tộc như: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc tức Chính phủ lâm thời; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng - Đại hội đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi; Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt; Đại hội liên minh Nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia....
Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang.
Những địa danh như Bình Ca, Km 7, Khe Lau, Cầu Cả, Tân Trào, Kim Bình… đã mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, ghi dấu cho những đóng góp to lớn của Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong các giai đoạn lịch sử của đất nước.
Không ngừng vươn lên
Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, nhất là trong những năm đổi mới vừa qua, với vai trò, trách nhiệm của một địa phương từng là Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, Tuyên Quang đã không ngừng đổi mới, sáng tạo để từng bước hiện thực hóa những mục tiêu phát triển. Trong mỗi chủ trương, quyết sách của tỉnh luôn xác định tầm nhìn cũng như vun đắp và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên.
Đặc biệt, sau 4 năm thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tuy đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo điều hành, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2024 đạt trên 7,75%; 9 tháng năm 2024 tăng 9,14%, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 5/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ.
Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Dấu ấn nổi bật là tỉnh đã huy động, thu hút được nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung vào hạ tầng giao thông. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2024 đạt trên 53,7 nghìn tỷ đồng, tạo nguồn lực lớn cho đầu tư, xây dựng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Đầu nhiệm kỳ, tỉnh chưa có đường cao tốc, nhưng đến nay đã hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; đang đầu tư xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Khởi công xây dựng 2 tuyến đường kết nối liên vùng với tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn
Với khát vọng phát triển, bằng tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực, qua hơn 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tỉnh Tuyên Quang không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững, vươn lên thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên phát triển
Những thành tựu của tỉnh trong thời gian qua cùng với truyền thống, bề dày lịch sử là hành trang quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh tự tin, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hiện nay, tỉnh đang triển khai công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Chỉ đạo về nội dung này tại các hội nghị của tỉnh, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Cùng với việc kiểm điểm những kết quả thực hiện của nhiệm kỳ, các cấp ủy đảng chú trọng dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm cho nhiệm kỳ 2025 - 2030 bảo đảm sát với tình hình thực tiễn của tỉnh, có tính khoa học, kế thừa, đổi mới, có tính khả thi cao, thể hiện được quyết tâm, khát vọng vươn lên, phấn đấu đến năm 2030 đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; tạo nền tảng vững chắc đến năm 2050 là tỉnh phát triển, thu nhập cao của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.
Tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 5 năm (2021 - 2025) đạt 14%.
Bày tỏ tự hào về sự phát triển đột phá của tỉnh hôm nay, ông Nguyễn Văn Thịnh, xã Xuân Vân (Yên Sơn) năm nay vừa tròn 65 năm tuổi Đảng chia sẻ: Những năm qua, tỉnh đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp để nâng cao đời sống, mang lại hạnh phúc cho người dân. Qua mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều đặt ra những mục tiêu quan trọng nhằm xây dựng Tuyên Quang giàu mạnh và nâng cao hơn nữa đời sống - xã hội. Những thành quả này thực sự rất đáng trân trọng, phấn khởi, tự hào. Chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ mới, Nhân dân tin tưởng tiếp tục có những định hướng mới, đưa quê hương tiếp tục phát triển.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Thị Nga ngay trong ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ đã khẳng định sẽ tiếp tục phát huy và kế thừa những thành tựu đã đạt được sau 33 năm tái lập tỉnh và kế thừa những thành quả, giá trị tốt đẹp mà các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã dày công gây dựng, từng bước giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh đề ra. Qua đó góp phần hiện thực hóa những quan điểm, tư duy mới của Trung ương trong giai đoạn mới để xây dựng tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát triển, xứng đáng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng, một thời là Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, trung tâm của cách mạng cả nước.
Tuyên Quang hôm nay đã và đang thực sự đổi khác về mọi mặt, khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới của vùng quê cách mạng. Đó là thành quả của những khát vọng đổi mới không ngừng, của sự nỗ lực, đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là tiền đề, nền tảng quan trọng, tạo đà cho Tuyên Quang phát triển nhanh, bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới.
Gửi phản hồi
In bài viết