Trong đó có 26 trại tổ chức tại địa phương, 3 trại phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam và các chuyên ngành Trung ương, 5 trại phối hợp với các nhà sáng tác Đại Lải, Đà Lạt, Nha Trang, Tam Đảo. Hội tổ chức hơn 30 chuyến đi thực tế sáng tác cho trên 365 lượt hội viên. Hội viên tập trung đi sâu thâm nhập thực tế cuộc sống lao động sản xuất ở cơ sở, các khu di tích lịch sử cách mạng trong và ngoài tỉnh như Tân Trào, Kim Bình, Na Hang, Lâm Bình, Pác Bó, Làng Sen, cao nguyên đá Đồng Văn.
Đồng thời phát động 15 cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật, tập trung phản ánh cuộc sống lao động sản xuất của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hội tạo điều kiện cho hội viên có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, học tập kinh nghiệm sáng tác, hoạt động hội với nhiều đoàn văn nghệ sỹ tỉnh bạn đến Tuyên Quang và tổ chức nhiều đoàn văn nghệ sỹ Tuyên Quang đi học tập ở các tỉnh bạn.
Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật năm 2022 tại Na Hang.
Sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, kiểm soát, năm 2022 Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kỹ năng sáng tác cho hội viên. Tháng 8-2022, Hội đã mời nhà thơ Inrasara, Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà Văn Việt Nam truyền đạt kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm sáng tác thể loại thơ và ký văn học. Tại buổi bồi dưỡng, nhà thơ Inrasara cho rằng, ngoài những cái kinh điển, thời kỳ đất nước đổi mới thì văn chương, trong đó có thơ cũng cần đổi mới mạnh mẽ. Thời đại khác, quan niệm thơ cũng phải khác, lối làm thơ càng phải khác.
Hơn nữa, yêu cầu sáng tạo của văn học nghệ thuật là không cho phép người làm thơ cứ đi mãi trên con đường có sẵn và mòn vẹt dấu chân người. Bởi vậy, mỗi người cầm bút, muốn có tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc phải chấp nhận phá bỏ cái cũ ấu trĩ, phá bỏ lối mòn. Người viết cần phải có cách nhìn nhận một vấn đề bằng con mắt đa chiều mới phản ánh được hiện thực toàn diện. Ông nhấn mạnh: mỗi tác giả cần thâm nhập sâu vào thực tế, có sự đồng cảm sâu sắc với người trong cuộc, phải dùng cả tình yêu, sự hy sinh và trách nhiệm để viết mới có thể cho ra đời tác phẩm hay.
Tháng 12-2022, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh lại tiếp tục mời nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng thơ - Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp trao đổi với các hội viên Chi hội Văn học và những người quan tâm, yêu thơ trên địa bàn tỉnh. Theo nhà thơ, việc đổi mới và cách tân của thơ chưa bao giờ tự do, sôi động như ngày nay, và thật sự nó rất cần được khuyến khích. Thế nhưng, nếu sự cách tân không bắt đầu từ một nền tảng văn hóa vững chắc thì chỉ sinh ra những tác phẩm là lạ, quái quái, vừa thấp kém về chất lượng và thẩm mỹ. Theo nhà thơ để có thơ hay thì mỗi người nghệ sỹ phải tìm tòi, sáng tạo, đi đến nỗi đau tận cùng của hoàn cảnh, số phận, bản thể của vấn đề. Đọc thơ là người ta phải thấy mình ở trong đó, chuyển tải một thông điệp rõ ràng.
Nhà văn Đỗ Anh Mỹ, Chi hội trưởng Chi hội Văn học, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh khẳng định, những đợt bồi dưỡng kỹ năng sáng tác như thế này cho các hội viên là rất bổ ích, lý thú. Các nhà văn, nhà thơ trên địa bàn tỉnh được nghe các nhà thơ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam nói chuyện, trao đổi về tình hình thơ, ký văn học hiện nay, các trào lưu, khuynh hướng, phương pháp sáng tác. Đặc biệt là cái nhìn về thơ, ký văn học hay, có giá trị với công chúng. Để từ đó nâng tầm, định hướng con đường sáng tạo đúng đắn, có giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng cao của mỗi tác giả.
Vào tháng 10-2022, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức Trại sáng tác văn học nghệ thuật tại huyện Na Hang thu hút sự tham gia của 24 văn nghệ sỹ Trung ương và của tỉnh. Trong thời gian 10 ngày, các trại viên đã được đi thực tế tại một số địa điểm du lịch ở Na Hang như Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình và các bản làng người Dao, người Tày xã Hồng Thái, Đà Vị, Yên Hoa. Các văn nghệ sỹ đã sáng tác được 13 tác phẩm thơ, 7 truyện ký, 3 kịch sân khấu, 4 kịch bản phim truyền hình, 10 ca khúc, 16 tác phẩm nhiếp ảnh, 1 tác phẩm mỹ thuật.
Nhà thơ Tạ Bá Hương, Chủ tịch Hội Văn học -Nghệ thuật tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Tuyên Quang cho rằng, việc tổ chức Trại sáng tác văn học, nghệ thuật có sự tham gia của các văn nghệ sỹ Trung ương và của tỉnh không nằm ngoài mục đích là sẽ kiếm tìm được những tác phẩm hay, xuất sắc. Đồng thời đây cũng là dịp để các văn nghệ sỹ Tuyên Quang được cọ xát, học hỏi, trao đổi trực tiếp với các văn nghệ sỹ Trung ương. Điều này góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác nghệ thuật ở Tuyên Quang được nâng lên. Trong thời gian tới, công tác bồi dưỡng kỹ năng sáng tác cho các hội viên tiếp tục được Thường trực Hội tổ chức thường xuyên, liên tục, đảm bảo tính hiệu quả.
Gửi phản hồi
In bài viết