Chiều muộn

1. Chợ họp buổi sáng. Buổi chiều chỉ vài đứa nhỏ nhảy lẫng cẫng trong mấy cái chòi đùa giỡn. Phải tới cuối buổi, miếng đất rộng ngay cổng chợ mới bày ra mấy bộ bàn ghế bán bánh canh hẹ. Là bây giờ; chứ hồi trước ngay chỗ ấy là đống rác đồ sộ. Nó là chợ Xổm, nghe tên thôi đã biết chợ họp chỉ một lát. Họp sớm, tan sớm. Chợ nhỏ nên ít rác, cái đống rác to đùng ngay cổng kia của chợ chỉ một phần, phần còn lại của mấy ngôi nhà xung quanh. Sướng lắm, có sẵn cái thùng đổ rác ở đó. Cứ mang ra, đổ ké. Thùng đầy nhóc, vậy là cứ ụp thẳng xuống đất, rất vô tư. Cổng chợ mà, đâu của riêng ai, đường nào sớm mai xe rác chẳng tới hốt? Hốt thật. Vậy nhưng; mới sáng hốt lấy chỗ họp chợ trưa chiều rác đã lại cao nghễu. Rác lắm đồ tươi sống, tung tóe xung quanh như bãi chiến trường. Ruồi nhặng vo ve, chó cắn ủng oẳng, đi ngang thấy thật khó chịu!

Quán bánh canh là của vợ chú Tuẫn. Được ban quản lý chợ đồng ý (có người tình nguyện dọn rác mừng chút chết, sao không đồng được?). Vợ chồng khom lưng hùng hục mấy ngày lo “thanh lý” đống rác. Hốt dọn, tẩy uế, san nền dựng quán. Tạm thôi; bày bán chiều tối, xong dẹp lấy chỗ còn sáng mai họp chợ. Quán bán được. Ngay lập tức bên phải cũng mọc lên quán bán thịt xiên bên trái quán trà sữa ăn theo. Cổng chợ ngày chưa có quán đêm xuống vừa dơ vừa tối, giờ thành quán xá sạch sẽ, nhiều người qua kẻ lại, điện đài lấp la lấp lánh thấy vui. Mấy nhà gần chợ mất chỗ đổ rác ké có càm ràm vài hôm; nhưng bù được cái cảnh quan môi trường sạch sẽ dễ chịu hơn nên cũng nhanh chóng thấy… nhẹ lòng. Vụ di dời đống rác đương nhiên chú Tuẫn công đầu. Lạ một điều, dân xóm không mấy người biết và cũng không ai muốn biết. Đơn giản bởi chú Tuẫn là người khờ…

2. Chú Tuẫn có khuôn mặt và tác phong của một người mắc bệnh Đao (Down); tức khờ rất… thứ thiệt. Cái mặt giống mặt heo, muốn nói gì thì cái miệng cứ động đậy, meo méo nhưng cũng chỉ lắp bắp, nói năm tiếng nghe được hai, ba tiếng. Lại thêm tay chân lóng ngóng. Khó ai tin được ngày xưa chú cũng đi lính, lại còn là thương binh. Hay ở nhà rồi trúng đạn trúng bom nên mất một tay; chứ chú thì đánh đấm gì? Không; ông trưởng ban Thương binh - Xã hội xác quyết: thương binh thiệt đó. Lính sư đoàn 10, có lương hưu, à quên, trợ cấp thương tật, hàng tháng nhận nơi phòng chính sách. Vậy chắc đúng. Có điều gốc gác chú hầu như không ai biết. Tại chú trôi dạt về làng sau chiến tranh biên giới, còn có một tay, người ngợm lại lù đù như đã nói ở trên. Ông Bảy Cối Đá nhận chú làm con nuôi. 

Ông Bảy làm nghề đẽo cối, sống một mình nơi túp nhà tranh đầu xóm. Hai cảnh đời đơn chiếc tựa nương nhau. Không ai quan tâm tra cứu lý lịch của một người khờ - nhất là khi người ấy lại còn từng cầm súng ra trận, có công với nước. Bảo khờ cũng chưa hẳn; tại thấy chú Tuẫn biết phụ cha nuôi làm ăn, tính toán. Ông Bảy Cối Đá chết, chú vẫn biết đường lo ma chay chôn cất, mặc áo xô cầm gậy theo sau quan tài như đứa con trai rứt ruột đẻ ra. Chỉ phải mỗi cái bộ dạng lù đù, nói năng lắp bắp và… hiền quá: ai chọc ghẹo, ác ý ra sao cũng không biết đường phản ứng; chỉ cười! Vậy nên mới bị coi là người khờ. Tên Tuẫn của chú, con nít gọi trại sau lưng thành ông Tửng; hàm ý tưng tửng, “đứt dây”. Lũ con nít tai ác; người lớn mới mắng đầu trước chúng đã lén đầu sau, lặp lại y chang mấy trò chơi mất dạy nhằm vào chú Tuẫn. Nấp, rình lia vỏ chuối lên người chú. Đặt vè, gọi trại tên chú theo kiểu hỗn láo rồi vừa rồng rắn theo sau vừa đồng thanh ê ê đọc vè. Thấy chú đứng lại chúng lập tức ré lên, ù té chạy cho dù chú không hành động gì hung hăng ngoài việc… nhìn quanh; xong đưa ống tay áo quệt mồ hôi, chùi mấy thớ vỏ chuối còn dính trên cổ, trên vai trước khi đi tiếp…

Minh họa: Hồng kiều

3. Tôi lên lớp 10, có mấy nhỏ bạn học ở xóm trên, gần nhà chú Tuẫn. Có lần lên chơi được chúng dẫn ra cái quán nhỏ dưới gốc ổi ngay cửa nhà chú ăn đậu non (tàu hủ). Chúng giới thiệu người bán đậu non ở chợ hàng ngày là… vợ chú Tuẫn. Cái gì, chú Tuẫn có vợ, lại còn là cô Thoa bán đậu non? Thật không tin nổi! Tôi tròn mắt. 

Tôi chạy bay về nhà hỏi mẹ. Mẹ gật. Vậy đúng rồi; nhưng với tôi vẫn cứ là tin… sét đánh. Khờ như chú Tuẫn cũng có vợ, chuyện ấy tôi không ngạc nhiên lắm. Cái khiến tôi choáng váng toàn phần là vợ chú… đẹp. Mà không, phải nói rất đẹp: da trắng trứng gà bóc, mi thanh mục tú, dáng như người mẫu. Nghe kể: cô Thoa từng dan díu hết anh kỹ sư này tới chủ doanh nghiệp nọ; toàn là trí thức, “đại gia” mới được cô để mắt, giờ tự nhiên đi ưng chú Tuẫn. Thực tình, bản thân tôi không chê chú Tuẫn, nếu không muốn nói còn mến chú. Nhìn cái cách mấy nhỏ hỗn hào với chú, tôi nổi xung, nhiều lần kêu chúng nó lại giáo huấn rồi. Tôi nghĩ chú Tuẫn hay thật, chú không giống những người tôi gặp, hình như chú không biết giận ai thì phải. Nhưng yêu mến không luôn đồng hành cùng sự phải lẽ. Cô Thoa ưng chú Tuẫn, chuyện ấy có cái gì đó bất thường, tréo ngoe khó hiểu. Tôi đâm nghĩ ngợi, suy diễn lung tung. Cảm giác có cái gì cứ ấm ức. Cứ như vụ này cô Thoa đang bị “chơi ép”, một cuộc chơi không công bằng. Tôi thương chú Tuẫn, nhưng tôi cũng yêu sự công bằng. Hay như người ta bảo: già kén kẹn hom, cô Thoa kén chọn quá tới lúc lỡ làng mới đi ưng chú Tuẫn để khỏi mang tiếng ế? Cầu mong là vậy. Dù sao, cũng phải có một lý do biện giải hợp lý cho cuộc hôn nhân “đũa lệch”. Tạm chấp nhận; có điều sao tôi vẫn mơ hồ không yên tâm mỗi lúc ghé quán ăn đậu thấy chú Tuẫn lăng xăng phụ vợ múc, bưng, dọn bàn với nụ cười toe hết cỡ trên môi. Bộ dạng thô thiển vụng về lắp bắp đặt bên cô vợ người mẫu với nụ cười duyên và giọng mời chào ngọt như mía lùi khiến tôi cứ liên tưởng (vô duyên) tới hình ảnh… đôi vợ chồng Võ Đại Lang - Phan Kim Liên từng được coi trong phim “Thủy Hử”! Cảm giác “tầm bậy” ấy cứ đeo đẳng theo tôi mãi tới lúc lớn - cho dù họ đã có nhiều năm chung sống, có với nhau một đứa con. Con gái chú Tuẫn giống mẹ như đúc: xinh đẹp lại lanh lợi thông minh. Đại phúc, người ta bảo nhau; sinh con gái mà lỡ giống thằng Tuẫn thì coi như… hết phim! Chắc ông trời ngó nghĩ, thương nó cái hiền…

4. Tôi xa quê đi học, ra trường đi làm, lấy chồng, xa chợ Xổm thêm mười lăm năm. Về; thèm chén đậu non rảo ra chợ tìm hàng đậu cô Thoa không thấy. Hỏi má, mới biết cô đã bỏ chợ, bỏ quê lên phố sống lâu rồi. Vậy chú Tuẫn? Nó nghỉ phụ bán đậu non, chuyển giữ xe cho chợ. Chú bị… vợ bỏ hả? Đúng vậy. Thôi rồi, ra linh cảm của tôi đúng thật. Sao mà bỏ? Con gái học trong thành phố, con vợ ra vô thăm. Ông chủ nhà trọ có cái quán to, kêu thuê nó vô làm bếp, hứa trả lương cao. Đi làm nuôi con ăn học; chuyện nghe tưởng chỉ có vậy; dè đâu nó ở luôn không về…

Chú Tuẫn được làm chân giữ xe ngoài chợ cũng nhờ chính quyền địa phương chiếu cố lai lịch thương binh, can thiệp giúp. Chứ như đã nói, chợ hồi xưa nhỏ xíu, họp chừng tiếng đồng hồ là tan. Sau này được xây dựng đàng hoàng, đông đảo hơn nên cần người giữ xe cho bà con yên tâm mua bán. Sáng thu phí giữ xe được độ vài chục chiếc. Ít quá nên xin thêm chân quét chợ, góp chợ, suốt ngày toay toáy; chiều tối còn phụ vợ bán bánh canh…. Ủa; chú có vợ nữa rồi sao? Chớ mày tưởng nó ngồi đợi con vợ cũ lẳng lơ tới giờ sao? Con vợ mới lần này cùng xóm, xấu chút nhưng chắc thiệt, chịu chí thú làm ăn, chăm sóc chồng con. Nhìn cái cách nó chăm sóc chú Tuẫn, mấy ông khác phải ganh tị. Thương chồng cố một. Tội cái nó lỡ thì, lớn tuổi nên không đẻ đái gì được. Vậy sao má nói “chăm sóc chồng con”? À, là nói đứa con gái đời trước. Mẹ nó bỏ thằng Tuẫn nhưng con nhỏ vẫn đi về hủ hỉ cha con, còn kêu luôn con vợ sau bằng… mẹ! Mà nói thiệt mày nghe: sau này mới biết nó đâu phải con thằng Tuẫn…

Trời, ác nhơn, vậy chú Tuẫn - chú ấy có biết??

Chớ sao không biết? Nó bảo thương cô ấy dại dột lỡ làng, thương con nhỏ không cha nên muốn im lặng cho qua. Cái thằng! Hiền sao mà hiền quá, y như… đất cục! Ai nói nó khờ chớ tao không dám nói. Ông bà mình dạy: trồng cây Đức không sức mà ăn; chắc vậy nên giờ đời nó coi ra kết thúc có hậu. Thôi, cũng mừng....
 

Truyện ngắn: Y Nguyên

Tin cùng chuyên mục