Cơm áo không đùa với khách thơ

- Đã mang cái nghiệp “văn nghệ sỹ” thì ai cũng say mê sáng tạo, đóng góp cho công chúng. Thời gian của họ hầu hết dành toàn tâm, toàn lực cho công việc nghệ thuật. Thế nhưng, thời bão giá này khiến họ gặp biết bao khó khăn, bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”.

 Chi phí cho những chuyến đi sáng tác thực tế ở cơ sở đối với văn nghệ sỹ thời bão giá này không hề nhỏ. 

Dịch bệnh Covid-19 có phần lắng xuống thì cơn bão giá lại bùng lên. Nhiếp ảnh gia Phi Khanh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết, vừa rồi anh có chuyến đi thực tế sáng tác ở huyện vùng cao Na Hang. Cung đường cả đi cả về dài trên 300 km, cộng với việc ăn nghỉ tại cơ sở 4 ngày cũng tiêu tốn vào đồng lương hưu. Trước kia xăng giá 17 nghìn đồng 1 lít thì ai cũng vít ga thoải mái, nay xăng lên trên 33 nghìn đồng 1 lít thì quả là xót. Đang cầm chiếc máy ảnh có tuổi đời trên 10 năm trên tay, nhiếp ảnh gia Phi Khanh lắc đầu, anh bảo “thật ra anh cũng muốn nâng cấp một chiếc máy ảnh hiện đại, để cho công việc sáng tạo thêm thuận lợi. Nhưng đồng lương hưu không nhiều, máy xịn giá rất cao, rồi còn phải lo cho con cái trưởng thành nữa. Nên ước mong nâng cấp thiết bị phục vụ hoạt động nghệ thuật vẫn phải xếp vào loại được ưu tiên sau cùng”.

Nói về chuyện bão giá, nhà văn trẻ Ma Thị Hồng Tươi, ở xã Kim Bình (Chiêm Hóa), hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tâm sự, “nuôi con nhỏ, đảm đương nội trợ cho một gia đình nên chị rất hiểu chuyện đi chợ như... mất tiền”. Đồng tiền lương viên chức cấp xã của chị khá khiêm tốn nên tính toán kiểu gì cho đủ cũng khó. Ở vùng nông thôn đất rộng có thể tăng gia thêm gia súc, gia cầm cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, xăng tăng giá thì kéo mọi thứ đều tăng, nhất là thức ăn chăn nuôi... đã khó càng thêm khó. Cứ lo toan cuộc sống, vật lộn với bão giá nên việc sáng tác của chị cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Nhiều văn nghệ sỹ trăn trở nâng cấp thiết bị sáng tác nhưng thời bão giá thế này khó thực hiện được.    

Đối với nghệ sỹ có lương đỡ phần vất vả, còn nhiều nghệ sỹ bươn trải sống bằng nghề thì thực sự khó khăn với thời bão giá này. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh, hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnhchia sẻ, vừa rồi đi sáng tác ảnh ở cơ sở anh phải đi xe buýt để giảm chi phí một cách thấp nhất. Những cuộc đi xa dài ngày bị hạn chế, thay vào đó là những cuộc đi gần. Có lúc ảnh phong cảnh bán kém anh lại phải xoay sang vẽ tranh bán, phục hồi ảnh cũ. Để làm sao hàng tháng có thu nhập ổn định duy trì cuộc sống của gia đình thời bão giá.

Họa sỹ Lương Hiện, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cũng không có lương, chị phải bán tranh nuôi cả gia đình. Cuộc sống với cơm áo gạo tiền luôn túc trực trong đầu chị. Vì thế chị phải cố gắng cho “ra lò” những tác phẩm tốt nhất, mới mong bán được tranh để chăm lo cho gia đình. Thời bão giá này, những thú chơi tao nhã như chơi tranh cũng bị giảm đi bởi những lo toan “cơm áo gạo tiền”. Vậy nên, chị phải luôn nỗ lực sáng tạo những tác phẩm độc đáo, có như thế mới mong người chơi tranh “dốc hầu bao”.

Bão giá kéo theo nhiều hệ lụy. Trong đó có cuộc sống, sức sáng tác của văn nghệ sỹ cũng bị ảnh hưởng nhiều. Bởi có những chuyên ngành người nghệ sỹ phải đi điền dã thực tế sáng tác tại cơ sở, phản ánh thực tiễn cuộc sống. Để có tác phẩm lay động công chúng người nghệ sỹ không những phải trả bằng sức lực, tâm huyết, mà còn phải hy sinh về tiền bạc...

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục