Nhà văn Đỗ Anh Mỹ, Phân hội trưởng Phân hội Văn học cho biết, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp có tính đặc thù, thì Phân hội Văn học lại là tổ chức đặc thù của tổ chức có tính đặc thù đó. Trong thời gian qua, Phân hội Văn học tập trung củng cố hội viên, kết nạp thêm nhiều cây viết mới. Hai năm cuối nhiệm kỳ, tình hình đại dịch Covid-19 diễn ra, cùng với sự biến động tổ chức, nhân sự của văn phòng hội, sự chuyển đổi bị gián đoạn từ tờ Báo Tân Trào thành Tạp chí Tân Trào có phần ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của hội viên.
Việc giao lưu, tham gia trại sáng tác, tập huấn, đi thực tế gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong những thử thách như vậy, các tác phẩm có chất lượng cao của hội viên vẫn “ra lò” đều đặn và có phần bùng nổ. Đây thể hiện rất cao trách nhiệm xã hội của các nhà văn, nhà thơ đối với thời cuộc. Bên cạnh những “cây đa, cây đề” đã có những cây bút trẻ tham gia vào lực lượng sáng tác như Trịnh Thị Thứ, Triệu Thị Linh, Vương Huyền Nhung, Dương Đình Lộc góp phần vào sự khởi sắc của Phân hội Văn học trong thời gian qua.
Vừa qua Hội Nhà báo, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức cho hội viên đi sáng tác thực tế tại huyện vùng cao Na Hang,
trong đó có nhiều hội viên Phân hội Văn học.
Qua tổng kết sáng tác trong nhiệm kỳ có 1.031 tác phẩm của 53 tác giả được đăng tải trên các trang Báo Tân Trào, Báo Tuyên Quang, Văn nghệ Việt Nam, Văn nghệ Quân đội, An ninh nhân dân, tạp chí văn nghệ của các địa phương khác, gồm 565 bài thơ, 165 bài ký, 196 truyện ngắn, 103 tác phẩm sưu tầm, phê bình văn học, giới thiệu tác phẩm. Về xuất bản sách văn học, nếu như giai đoạn 2005 - 2010 cả Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho ra đời 41 tác phẩm sách, trong đó có 6 tiểu thuyết, thì nhiệm kỳ qua, riêng các cây bút Phân hội văn học đã xuất bản 52 đầu sách, tăng 125%, trong đó có 18 tập truyện và ký, 18 tập thơ, 11 tiểu thuyết, 2 tập truyện thiếu nhi, 5 tập sưu tầm văn hóa dân gian. Hội viên mạnh dạn sáng tác tác phẩm dài hơi như tiểu thuyết, tăng 180%, kịch sân khấu, kịch bản phim chuyện điện ảnh. Có 5 tác giả trong nhiệm kỳ xuất bản 3 đầu sách trở lên như: Nhà văn Trịnh Thanh Phong 8 đầu sách, Đỗ Anh Mỹ 7 đầu sách, Hồng Giang 3 đầu sách, Nguyễn Đình Lãm 3 đầu sách, nhà thơ Cao Xuân Thái 3 tập thơ.
Một điểm đáng chú ý, nhiệm kỳ 2016 - 2021, thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc, một số tác giả tập trung sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc gồm: Tác phẩm Văn quan làng của hai tác giả Tống Đại Hồng, Ma Văn Đức; Phong tục lấy rể kế thế của người Tày của Tống Đại Hồng; Bộ Tranh thờ của người Dao đỏ của Tống Đại Hồng, Bàn Xuân Triều, Ma Văn Đức; Lễ cưới của người Dao đỏ của Tống Đại Hồng, Bàn Xuân Triều; Lễ cấp sắc bảy đèn của người Dao đỏ của Tống Đại Hồng, Phi Khanh. Ngoài ra tác giả Bàn Minh Đoàn còn sưu tầm tục lệ cấp sắc của người Dao. Đặc biệt, có hai tiểu thuyết viết về văn hóa dân tộc và miền núi là Rừng có tiếng người của cố nhà văn Đinh Công Diệp viết về phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào Mông và tiểu thuyết Rễ rừng của Đỗ Anh Mỹ phản ánh phong phú phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghi thức lễ cấp sắc của người Dao tiền ở Tuyên Quang.
Một số tác phẩm mới của các hội viên.
Nhiều tác phẩm của hội viên Phân hội Văn học gửi dự thi đã đoạt giải từ khuyến khích đến giải B, giải C do các Hội đồng nghệ thuật Trung ương thẩm định. Nhà thơ Cao Xuân Thái vinh dự nhận giải A của tỉnh và giải C Giải thưởng của Ban chỉ đạo sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Trung ương tổ chức. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vừa tổ chức Lễ trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2021 cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc trong năm 2021.
Về lĩnh vực văn học, Tuyên Quang có tiểu thuyết Rừng có tiếng người của cố nhà văn Đinh Công Diệp đoạt giải xuất sắc; tập thơ Đôi mắt đợi của nhà thơ Tạ Bá Hương đoạt giải B. Các cuộc thi trên Báo Tân Trào do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức trong 5 năm qua đã thu hút được hàng nghìn tác phẩm dự thi: Cuộc thi Truyện ngắn Tuyên Quang (2017), Thơ thiếu nhi (2018), Bút ký đất và người Tuyên Quang trong công cuộc đổi mới (2020), Thơ Tuyên Quang (2021).
Ở Phân hội Văn học lĩnh vực “e dè” nhất vẫn là mảng lý luận, phê bình văn học. Ở tỉnh ta, lý luận, phê bình văn học mới tập trung vào giới thiệu tác giả, tác phẩm hoặc các công trình nghiên cứu khoa học phục vụ công tác giảng dạy Ngữ văn. Văn học ít có tranh luận các vấn đề thời sự trên văn đàn. Bởi để bình phẩm một tác phẩm của người khác cho “xuôi tai” thật sự không phải chuyện dễ, khi phía trước là những “cây đa, cây đề”. Ở mảng này nổi nên tay viết Trần Thị Lệ Thanh. Chị vẫn tìm tòi để cho ra những tác phẩm lý luận, phê bình văn học mang hơi thở cuộc sống, có sức lan tỏa lớn.
Để hoạt động văn học tỉnh nhà trong nhiệm kỳ mới 2022 - 2027 có thể đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn, hội viên Hội Văn học nghệ thuật nói chung, các cây bút văn học nói riêng mong tới đây sẽ nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên hơn của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chia sẻ của các ngành hữu quan dành cho các văn nghệ sỹ, cho hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật một sự động viên và điều kiện hoạt động mới.
Về nhiệm vụ hoạt động sáng tác văn học những năm tới đây, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Phân hội trưởng Phân hội Văn học Đỗ Anh Mỹ cho rằng, các cây bút tập trung phát hiện, thổi hồn vào những tấm lưng mồ hôi, những giọt nước mắt buồn vui, thành quả của người lao động trên những đồi cam Hàm Yên, vườn bưởi, vườn na kinh tế, đồi chè Yên Sơn, Sơn Dương, trên mặt nước ao hồ, sông suối, của những người lao động giỏi đang làm giàu cho quê hương theo chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới... Mặt khác, để khai thác, quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc phục vụ du lịch và đời sống tinh thần nhân dân, nên chăng từng bước, các cây bút biến những thành quả, những nỗ lực sưu tầm văn hóa dân gian trong nhiệm kỳ vừa qua chuyển thể thành những trang bút ký, tập thơ, tập truyện ngắn, truyện cổ dân gian, những trang tiểu thuyết mới, biến sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em trở thành sản phẩm kinh tế văn hóa phục vụ sự nghiệp xây dựng tỉnh nhà một cách hiệu quả, thiết thực.
Gửi phản hồi
In bài viết