Điều thú vị qua truyện thiếu nhi của Dương Đình Lộc

- Nhà văn Dương Đình Lộc được độc giả biết đến với cây viết đa màu sắc. Ngòi bút của anh uyển chuyển với những cuốn tiểu thuyết lịch sử, những tập truyện ngắn có cái kết khá bất ngờ. Anh cũng là soạn giả trong lĩnh vực hát chầu văn, cây viết kịch sân khấu khá mới mẻ. Vừa qua, anh được Nhà xuất bản Dân trí tài trợ in 1.000 cuốn sách “Mùa hè đáng nhớ của Vàng A Lềnh và Vừ Mí Lúng”. Đây là tác phẩm viết về thiếu nhi miền núi được giới phê bình đánh giá có nét riêng và chất lượng.

Tập truyện ngắn “Mùa hè đáng nhớ của Vàng A Lềnh và Vừ Mí Lúng” có 14 câu chuyện xoay quanh cuộc sống của gia đình hai cậu bé người Mông Vàng A Lềnh và Vừ Mí Lúng. Đó là mảnh đất Hồng Thái xinh đẹp, bình yên, cuộc sống bà con nơi đây tuy nhiều khó khăn nhưng mọi người yêu thương, san sẻ đùm bọc nhau.

Hai cậu bé A Lềnh và Mí Lùng thân nhau từ nhỏ. Cả hai đều có những cá tính riêng thế nhưng đây đều là những cậu bé thông minh, nhanh nhẹn, hiếu thảo và rất hiểu chuyện. Người đọc hồi hộp với chuyến hành trình, trải nghiệm trong một mùa hè đáng nhớ của hai bạn nhỏ. Đó là chuyến phiêu lưu đầy may rủi khi đi tìm vàng ở con suối Khuổi Nhi, cũng như mạo hiểm đi tìm nhân sâm quý, đánh nhau với gấu ngựa khổng lồ trong rừng cấm. Rồi cả chuyện A Lềnh và Mí Lùng giúp bố bẫy lợn rừng ra sao? Hay làm cách nào để kiếm tiền bằng biểu diễn sáo Mèo ở lễ hội đua ngựa Kim Seng Hồ… Tất cả được tái hiện qua ngòi bút tự nhiên có chút lắt léo thú vị của tác giả Dương Đình Lộc.

Mở đầu tập truyện ngắn tác giả khái quát bức tranh miền núi, cuộc sống yên bình của bà con người Mông. Nét sinh hoạt văn hóa, cách cảm, cách nghĩ của đồng bào nơi đây vẫn giữ được nét mộc mạc, nguyên sơ. Hình ảnh chị Seo Ly mẹ của A Lềnh, háo hức kiếm quả bưởng để xuống chợ Đà Vị bán lấy tiền mua mỳ chính, nước mắm. Cảnh tượng bà nội Lia hút tẩu thuốc và thích uống rượu được tái hiện sinh động, chân thật.

Đặc biệt, câu chuyện anh Vàng A Minh - bố của Vàng A Lềnh bị lừa sang làm thuê ở Trung Quốc, may mắn trốn về được quê hương, bị bóc lột sức lao động, như cái xác không hồn. Thương bố, A Lềnh rủ cậu bạn chí cốt Mí Lùng vào rừng cấm để lấy được củ nhân sâm mang về cho bố uống hồi phục sức khỏe. Vậy là mấy ngày, mấy đêm 2 bạn nhỏ cùng chú chó Hộc đã ăn ngủ trong rừng cấm, lần mò theo dấu chuột rừng để tìm nhân sâm. Cả hai được phen hú vía khi gặp gấu ngựa. Bằng sự dũng cảm, lòng hiếu thảo cuối cùng A Lềnh đã mang nhân sâm về cho mẹ nấu nước cho bố uống. Vàng A Minh dần dần khỏe lại trong niềm hạnh phúc của cả gia đình và bản làng.

Hai cậu bé thể hiện sự thông minh, khéo léo, ứng xử linh hoạt trong truyện ngắn “Dòng suối vàng cốm hay câu chuyện về hai cậu bé láu cá”. Truyện ngắn được mở đầu bằng một giọng văn thật tự nhiên mà lôi cuốn “Mùa hè nhàn rỗi trên những cánh rừng có nhiều chim chiền chiện hót váng lên trong buổi sáng bình minh tuyệt đẹp ở Hồng Thái...”. A Lềnh mong phụ giúp bố mẹ có khoản tiền nhỏ trồng lê. Và thế là hai cậu bạn thân háo hức vượt núi, băng đèo đến suối Khuổi Nhi xin các Bưởng để làm chân đãi vàng. Sự hà khắc, cuộc sống lươn lẹo ở nơi đây cũng không thể xóa nhòa được nét tính cách hiền lành, ngoan ngoãn của A Lềnh và Mí Lùng. Những tưởng bị quỵt tiền công thế nhưng cả hai cậu bé gặp may đãi được cục vàng óng ánh. Bằng sự thông minh, tài trí cả hai đã diễn 1 vở kịch để qua mặt tên bưởng vàng khét tiếng. Cuối cùng có được khoản tiền lớn từ việc bán vàng, hai gia đình cậu bé gây xúc động cho người đọc khi hàng loạt những nghĩa cử ấm áp nhường nhau, san sẻ trong tình cảm chân thành.

Chuyến phiêu lưu mùa hè của hai bạn nhỏ không dừng lại đó. Bên cạnh trách nhiệm với gia đình A Lềnh và Mí Lùng luôn có trách nhiệm với bản làng. Đó là hết mình dũng cảm bảo vệ hai cây cổ thụ chè Shan Tuyết trước âm mưu xấu của kiểm lâm Sinh và những tên đại gia thành phố. Các cậu bé đã khéo léo vạch mặt được vở kịch của kẻ xấu để bà con dân bản hiểu rõ. Tất cả hô vang, đồng lòng bảo vệ gia tài chung của bản. Cuối cùng, kết truyện được mở ra với giọng văn ngộ nghĩnh: “Thế là hai cây chè cổ thụ, hạt giống của Giàng vẫn nằm lại mãi mãi trên mảnh đất Hồng Thái thân yêu… Đó cũng là nhờ chiến công xuất sắc của A Lềnh và Mí Lùng mà như bà Lia lúc say vẫn hay thường nói, phải khắc tên vào gốc cây để ghi công mới đúng”.

Tập truyện ngắn thiếu nhi của Dương Đình Lộc tạo được sự gần gũi với độc giả bởi cách thể hiện rất mạch lạc, câu chữ giản đơn. Tác giả sử dụng tên đất, tên người, cách xưng hô quen thuộc với người dân tộc thiểu số. Những địa danh ở các thôn bản miền núi ở xứ Tuyên liên tục được tác giả nhắc tới trong các truyện ngắn. Mọi diễn biến tâm lý đều diễn ra một cách tự nhiên, có đoạn độc thoại, có đoạn đối thoại, sử dụng một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn.

Độc giả nhỏ tuổi còn được háo hức với chuyến phiêu lưu của hai bạn nhỏ với  tựa đề đầy hấp dẫn như: “Bẫy lợn rừng hay là chiến công có phần may mắn của hai chàng anh hùng của chúng ta”, “Bài thuốc kỳ diệu của bà Lia”, “Cái kho thớt nghiến bí mật hay là kiểm lâm Sinh vẫn ngựa quen đường cũ”, “Đi bán mật ong rừng và cuộc gặp gỡ định mệnh của ba nhà khoa học lỗi lạc”, “A Lềnh và Mí Lùng trở lại khu rừng Cấm và điều không ngờ tới đã xảy ra”…

Với lời thoại trong sáng, cách dẫn truyện hấp dẫn tập truyện ngắn thực sự lôi cuốn độc giả trên từng trang viết. Thông qua những câu chuyện nhỏ tác giả đã gửi đến cho các bạn thiếu nhi những điều thú vị, ấm áp cũng như tình yêu bản làng, lòng hiếu thảo, sự nhường nhịn, sẻ chia của các bạn nhỏ miền sơn cước.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục