Những nửa hy sinh

...

Dạo ấy chiến tranh biên giới đang ở thời kỳ nóng bỏng. Đùng một cái, tôi nhận được lệnh lên đường nhập ngũ! Thế là những dự định riêng tư đang ấp ủ phải gác lại. Cả hai đứa chúng tôi đều bâng khuâng, day dứt mà không biết nói ra như thế nào và vào lúc nào nữa.

Một buổi tối, trước khi tôi lên đường ba bốn ngày gì đó, trăng thu bàng bạc, lá cà-phê khô rụng nhiều lắm. Chúng tôi ngồi bên nhau lặng nghe những cơn gió se se thỉnh thoảng lại lướt qua, làm cho những đám lá khô cứ lào xào, lào xào như đang tâm tình trò chuyện. Những sợi tóc xõa của nàng thi thoảng lại bay ngang, vương trên mặt tôi, làm tôi như mê đi trong hương lá bưởi nồng nàn. Sau một lúc lâu như thế, tôi dọn giọng rồi thủ thỉ mào đầu:

- Nhiên này, chỉ còn mấy hôm nữa là anh phải đi rồi!

Gió lại se se lướt qua. Lá khô lại lào xào. Hương tóc lại nồng nàn. Nàng ngồi lặng lẽ không đáp lại tôi, chỉ khẽ nghiêng đầu kéo làn tóc thả ra đằng trước ngực. Tôi tiếp tục:

- Chiến tranh chẳng biết bao giờ mới hết, biên giới lại xa xôi quá anh sợ rằng…

- Đừng anh! - Nàng đột ngột nắm chặt vai tôi, tự nhiên và dạn dĩ - Đừng nói gì về chia ly anh nhé! Nếu nó đến thì cứ để nó tự đến thôi anh ạ.

Tôi ngạc nhiên sửng sốt nhìn thẳng vào mắt nàng. Trong ánh trăng mờ, tôi thoáng thấy bờ mi của nàng nhạt nhòa ngấn nước. Rồi nàng gục đầu vào vai tôi thổn thức, còn vòng tay tôi đã vô tình siết chặt lấy tấm thân ngọc ngà trinh trắng của nàng từ lúc nào không biết. Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi lạc vào vòng tay của nhau như thế, tự nhiên như vạn vật sinh ra và tồn tại trong vũ trụ, không kịp có lấy một thoáng ngại ngần, e lệ. Lửa! Vâng, đúng là như có lửa cháy đốt trong tôi. Cổ tôi như khô khát, tôi hấp tấp hôn lên tóc nàng và lần tìm đôi môi nàng với những cái hôn ngút dài, cháy bỏng.

- Em... cho... anh... tất cả... đấy! - Tôi nghe tiếng nàng khao khát bên tai tôi, thì thầm thoảng qua như trong mộng. Tôi như một đứa trẻ dại khờ, đói khát, bỗng nhận được phần quà quá thiêng liêng và to lớn, bỗng trở nên run rẩy, quýnh quáng đến thảm hại. Không biết gió đã hết se se từ lúc nào, lá khô đã thôi lào xào từ lúc nào, không gian ba chiều cũng thành vô hướng. Chúng tôi không còn cảm nhận được hình hài của riêng mình nữa. Tất cả như rữa rã, tan biến vào nhau, giao hòa như một đám tinh vân vần vũ, trong cảm giác chơi vơi đến tột cùng…

Tôi đã nhận được thư nàng sau hai mươi ngày huấn luyện. Ngày ấy, phần do bom đạn, phần do đường xá, thư từ chuyển chậm lắm! Tôi như nghiến ngấu, uống lấy từng dòng, từng chữ. Những lời yêu thương đắm say, nhung nhớ thực sự vuốt ve an ủi tôi, giúp tôi bớt đi cái ấn tượng bị hành hạ, bị thiệt thòi. Thế nhưng đến cuối thư nàng viết: “...Em thấy người mình khác lạ. Có lẽ chúng mình đã có con anh ạ! Em bối rối quá chẳng biết làm thế nào. Nếu có thể anh về với em ít ngày anh nhé…”.

Trời ạ! Thế này thì là hành nhau, bức bách nhau rồi! Nếu về được thì chẳng cần cô nhắc, nhá! Á, à! Nàng cứ tưởng thằng này ở đây sung sướng lắm đấy. Chiến sự lại đang rộ lên ác liệt. Ung dung ngồi ở nhà mà lại đưa cái chuyện vớ vẩn ra yêu sách với thằng đang làm sứ mệnh thiêng liêng nơi bom đạn! Hừ! Con với cái! Mà đã chắc gì?...

Tôi ngẫm nghĩ và càng nghĩ càng thấy tức quá, thất vọng quá! Tôi tức tốc viết cho nàng một lá thư dài với những lời lên lớp gay gắt, có cả một đoạn tôi gạch chân: “Như thế đâu phải là em yêu anh? Em đã làm anh dao động tinh thần và làm yếu đi sức chiến đấu của quân đội…”. Thư gửi đi mấy ngày rồi mà tôi vẫn còn chưa hết bực, bực thật! Rõ đàn bà! Chẳng ra cái tích sự gì cả…

Thế rồi đột ngột toàn tuyến nâng cấp báo động chiến đấu. Chúng tôi “ra trường” sớm, biên chế ngay xuống các đơn vị vừa chiến đấu vừa huấn luyện tiếp. Tôi lại nhận được thư nàng. Rõ ràng những lời lên lớp của tôi đã đạt hiệu ứng cần thiết. Nàng viết: 

“Em xin lỗi về những gì đã viết ở lá thư trước. Không có chuyện gì đâu anh ạ! Em chỉ bị cảm sơ sơ thôi. Giờ thì khỏi rồi. Anh cứ yên tâm chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ. Đừng giận em anh nhé…”.

Biên cương trở lại yên tĩnh cũng là khi tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Tôi hồ hởi cầm tờ quyết định ra quân, khoác ba lô đi bộ bốn mươi cây số ra đường quốc lộ đón xe về quê.

Ở nhà được hai ngày, còn chưa đi thăm nom chào hỏi được mấy nhà, tôi đã vội vã lên cơ quan. Nói là đi nộp giấy tờ nhưng thực ra tôi nóng lòng đi gặp nàng.

Về đến căn phòng tập thể cũ, anh lái xe ở cùng phòng với tôi đang nằm liền bật dậy:

- A! Chú mày về hẳn rồi đấy hả? Gớm, đi kỹ quá đấy. Một mạch hết nghĩa vụ, chẳng nghĩ đến nghỉ phép nghỉ tắc gì cả.

Trò chuyện râm ran một hồi, chợt anh hỏi tôi:

- Này, chú làm thế quái nào mà con Nhiên nó lại bỏ đi lấy chồng?

- Sao lại lấy chồng là thế nào? - tôi sững người hỏi lại.

- Ơ... thế chú mày không biết gì cả à? Hớ... Hớ...! thế là ăn quả lừa với nó rồi! - anh ta trợn mắt:

- Lấy chồng lâu rồi phải có con lớn tướng rồi nghe chưa?

- Anh... anh... anh nhầm thế nào ấy chứ! làm gì có chuyện như thế? - tôi cũng giương tròn mắt, miệng lắp bắp.

- Không thể như thế được! Anh cho em mượn cái xe đạp…

Trong người tôi như có lửa bốc lên phừng phừng. Không kịp vớ lấy cái xe đạp của anh hùng hục lao đi.

À! Kia rồi, cổng trường học kia rồi! Buổi chiều, cả khu trường vắng tanh. Tôi lao thẳng xe vào trong sân trường.

- Này anh kia! Quay lại!

Tôi giật mình dừng xe quay lại. Bấy giờ tôi mới để ý thấy một ngôi nhà nhỏ ven đường sát với cổng trường. Từ trong nhà một người đàn ông chống nạng bước ra. Mỗi bước đi anh ta lại vẹo hết cả người để lê cái chân giả cứng quèo.

- Anh là ai mà xồng xộc vào cơ quan người ta, chẳng hỏi han gì cả? - anh ta trừng mắt với tôi.

- Xin lỗi anh! - Tôi vội thanh minh - em vội quá nên không để ý mong anh bỏ qua cho. Em là người nhà, đến thăm cô giáo Nhiên dạy học ở đây. Anh cho em hỏi thăm, bây giờ cô ấy ở đâu ạ?

Người đàn ông bước lại gần nhìn chăm chú vào tôi vẻ dò xét. Bất chợt anh ta kêu lên:

- Cậu là Quang phải không?

- Sao anh lại biết tên em ạ?

- Biết quá đi chứ lị! Nhiên nó mong cậu đỏ cả mắt ra đấy. Vào đi! Cô ấy ở cái nhà phía sau lớp học kia kìa. Tý nữa tớ lại chơi đấy.

Tôi lao vụt đi quên cả cảm ơn. Căn nhà tập thể kia rồi! Trông hoang vắng quá, chả giống ngày trước tý nào. Có một gian mở cửa.

Tôi đoán nàng ở đấy. Đập vào mắt tôi là 1 dây quần áo trẻ con phơi trước cửa “hừ, thế mà lão lái xe nói đúng thật!”. Tôi chua chát nghĩ thầm rồi rón rén bước tới. Nàng kia rồi! Vẫn cái dáng người thon thả với mái tóc dài buông sau lưng quen thuộc, nàng đang cặm cụi ngồi viết. Bất chợt nàng ngẩng lên rồi quay lại. Nhìn thấy tôi, nàng mở to mắt sững sờ một thoáng rồi bật dậy thảng thốt:

- Ôi! Anh Quang!

Nàng nhào tới ôm chặt lấy tôi, rồi vẻ như không tin ở mắt mình, nàng ngẩng lên nhìn vào mắt tôi, vừa ngỡ ngàng vừa chăm chú. Quá bất ngờ, tôi cứ đứng lặng im như trời trồng, không còn biết nói gì, làm gì nữa. Chừng như chợt nhớ ra điều gì đó, nàng buông tôi quay về phía chiếc giường gọi rối rít:

- Thu ơi! Thu ơi! Bố Quang nhà mình về đây này.

Trên giường một thằng bé đang ngồi dụi mắt. Nghe nàng gọi, tôi sững sờ không hiểu: “Bố Quang ư? Sao lại thế được nhỉ?”. Nàng bế thằng bé chìa cho tôi:

- Anh ơi! Con trai chúng mình đây này, anh bế con đi! Thu ơi! Bố Quang đấy! Bố Quang trong ảnh kia kìa…

Thằng nhỏ chợt giãy dụa rồi trườn người tụt xuống. Thì ra nó đã lột được cái mũ mềm của tôi, và phát hiện trong đó có ngôi sao tôi cài giữ lại làm kỷ niệm. Một thoáng bùi ngùi khi tôi chợt nghĩ rằng đó chính là món quà đầu tiên tôi trao cho con tôi, nó thật quá đơn sơ và nhỏ bé! Thằng bé thì có vẻ hài lòng lắm, nó say sưa ngắm nghía và chẳng để ý gì đến xung quanh nữa.

- Anh ơi! Sao anh đi lâu quá thế? - Nàng khẽ khàng lên tiếng, giọng vừa nũng nịu vừa đầy vẻ trách móc - ngày nào em cũng ngóng anh về mà chẳng thấy. Nghe người ta nói vẫn có bộ đội bị chết vì xe đổ, vướng mìn…, em sợ quá cứ nghĩ linh tinh rồi về khóc một mình!

- Em lấy chồng rồi phải không?

Tôi lạnh lùng cắt ngang lời nàng. Đang miên man, nàng chợt ngẩng lên nhìn tôi ngạc nhiên. Có lẽ ngạc nhiên bởi thái độ của tôi hơn là vì cái câu hỏi mà tôi đưa ra, bởi vì sau đó nàng bật cười một cách vô tư và hỏi lại tôi:

- Anh nghe ai nói vậy?

- Anh hỏi nghiêm túc đấy chứ không đùa đâu.

Tôi nghiêm mặt. Thấy vậy, nàng cũng ngẩng lên nhìn vào mắt tôi, giọng nghiêm trang nhưng nhỏ nhẹ:

- Không có chuyện ấy đâu anh ạ! Chúng em chỉ giả vờ thế thôi. Tất cả cũng chỉ tại cái ông tướng này.

Vừa nói nàng vừa lấy tay dí nhẹ vào trán thằng bé. Tôi nhăn mặt khó hiểu:

- Làm gì có chuyện lấy chồng giả vờ? Em nói rõ anh nghe xem thế nào!

- Anh có gặp anh Suất bảo vệ ngoài cổng không? Cái anh thương binh cụt chân ấy?

- Có! Vừa gặp là ông ấy nhận ra mình ngay mới lạ chứ! Nhưng ông ấy thì có liên quan gì đến chuyện này?
- Chắc thấy anh giống người ở trong ảnh kia thì anh ấy đoán ra thôi. Cái chuyện chồng giả vờ của em là do anh ấy nghĩ ra đấy. Để em gọi anh ấy kể cho mà nghe.

Vừa dợm đứng lên, nàng đã reo to:

- À! Anh ấy đến kia rồi!

Người bảo vệ nặng nề lê cái chân giả bước vào. Đến lúc này tôi mới nhìn kỹ mặt anh ta. Một khuôn mặt đàn ông phong trần, xương xẩu. Thêm một vết sẹo lớn dúm dít vết khâu trên má càng làm cho khuôn mặt anh ta luôn tiềm ẩn một nỗi đau đớn sâu xa, mặc cho đôi môi luôn thường trực một nét cười phóng khoáng.

- ờ… Quang nó băn khoăn chuyện đấy hả?

Nghe nàng nói, anh vừa cười hề hề, vừa quay sang phía tôi:

- Chuyện vớ vẩn ấy mà! Để tớ kể cho mà nghe. Nhưng tính tớ hơi bỗ bã, có chỗ nào không vừa tai thì cũng thông cảm nhá!

Anh vừa cười vừa giáo đầu câu chuyện như thế. Rồi với giọng thoải mái, tự nhiên pha chút ồn ào, anh kể:

- Hồi cậu đi khoảng một tháng, tớ nhận về làm bảo vệ ở đây. Nghe người ta xì xào chuyện cô giáo Nhiên quan hệ bất chính với ai đó, đang có chửa. Nhiều người xui cô ta đi phá thai kẻo cấp trên mà biết thì hết hơi. Ngành giáo dục là họ kỵ cái món này lắm. Chắc chắn là kỷ luật rút lương, điều đi dạy ở Trường Sa, có khi còn đuổi ra khỏi ngành nữa ấy chứ. Tớ mới gọi cô ta đến hỏi thẳng. Tớ vốn là thương binh, cao tuổi lại là đảng viên nên cô ta tin cậy, kể hết. Nghe xong tớ bảo: “Cấm có mà đi phá đấy! Gọi người yêu về mà đăng ký ngay đi. Nếu ngại thì đưa địa chỉ đây tôi gọi về cho”.

Cô ta đưa tớ xem cái thư của cậu. Đã từng là thằng lính nên xem xong tớ hiểu ngay là tình hình này không ổn, chắc chắn là cậu không được về, đúng không? Cô ta bảo cứ mặc kệ, kỷ luật cũng được. Nhưng tớ nghĩ trong bụng mà không dám nói ra: Nhỡ cậu chết thì sao? Oánh nhau bom đạn tớ lạ gì. Lúc ấy cô ta vừa mang tiếng chửa hoang đến hết đời, mà đứa trẻ cũng cả đời mang tiếng không cha.

Nghĩ đi nghĩ lại tớ bảo cô ta: “Này! Hay là tôi với cô đi đăng ký quách đi. Tôi sẽ nhận làm cha đứa trẻ, thế là xong”.

Cô ta cứ tưởng tớ nói đùa, nhưng tớ nói ngay: “Tôi nói thật đấy! Làm thế cô sẽ tránh được kỷ luật, chẳng tai tiếng gì mà con cô đẻ ra cũng có cả cha lẫn mẹ, chẳng đỡ tủi cho nó à? Còn chuyện tình cảm của cô cậu với nhau tôi không đụng chạm. Đăng ký gọi là có, để người ta khỏi moi móc thôi. Bao giờ Quang nó về hãy hay. Cốt là cái tình cảm của cô cậu với nhau chứ thủ tục ấy không khó”.

Tớ là tớ thấy các cậu yêu thương nhau thực sự, cô ấy cũng thật thà, phúc hậu, thì tớ mới vẽ ra như thế. Chứ như mấy đứa tí tửng khác thì tớ cũng mặc kệ. Mình lo cái thân què của mình còn không xong, nữa là lo cái chuyện giời ơi của thiên hạ, phải không?

Nói đến đây anh ta dừng lại rồi tự thưởng cho mình một tràng cười vô tư, khoái trá. Ngược lại, tôi ngồi cau có, vừa nghe vừa nghĩ thầm: “Gớm! Ông ra vẻ vô tư và thánh thiện thế? Lừa khi người ta gặp cảnh bức bách mà ép uổng lại còn ra điều nhân nghĩa. Mà sao nàng có vẻ tin cậy lão thế nhỉ? Hừ, mèo mỡ kè kè suốt ba năm rồi còn gì!…”. Tim tôi chợt nhói lên. Bàn tay tôi đã thu thành nắm đấm từ bao giờ. Đừng có tưởng thằng này ngu nhá! Hãy cứ bẻm mép đi hỡi tên què trơ tráo! Thương binh gì cái hạng như mi? Tôi nghiến răng cố kìm mình nghe anh ta tiếp:

- Lúc đầu cô ta nghi ngờ tớ lắm cứ hỏi đi, hỏi lại: “Thế anh không định lấy vợ nữa à?”. Tớ biết ngay là cô ta sợ bị tớ lừa. Mà sợ là phải! Đời này thiếu gì những thằng đểu giả bất nhân? Chả phải riêng gì cô ta, cậu hay ai cũng đều thế cả. Thế là tôi đành phải nói sự thật…

Anh ta lại dừng lại nhưng không cười nữa. Đôi mắt anh ta chợt buồn thăm thẳm hẳn đi. Anh cúi đầu nuốt khan mấy cái như cố kìm nén cảm xúc về một cái gì đấy đau buồn lắm. Tôi giương mắt nhìn anh ta không giấu nổi tò mò. Lại còn sự thật quái quỷ gì nữa đây không biết? Nhiên ôm con đứng lên như muốn phá tan không khí trầm lặng trong căn phòng vốn dĩ đã chật hẹp. Nàng lên tiếng:

- Thôi anh Suất không phải kể chuyện ấy nữa, buồn lắm!

- Không! Anh nói hết đi - tôi khăng khăng.

- Ừ! Cứ để tôi kể cho Quang nó nghe. Đối với tôi chuyện ấy nó đã qua rồi mà.

Dừng một lát như để lấy hơi, anh ta quay về phía tôi:

- Cậu biết đấy, oánh nhau thì tránh sao được bom đạn? Mà đạn bom nó là thứ vô tri vô giác, nó có biết chừa chỗ nào đâu. Lần ở trong Nam, trong một trận tấn công, một quả pháo nổ ngay trước mặt tớ, nhiều mảnh găm vào người tớ. Số tớ cao nên không chết. Không giết được tớ nhưng nó đã cướp đi của tớ một cái chân và… - Anh ta ngậm ngùi một thoáng -… Và cướp đi cả cái tạo hóa đã cho tớ để làm thằng đàn ông trên đời.
...

(Trích lược từ tập truyện ngắn “Vọng khúc người lính”, Nhà xuất bản lao động, xuất bản năm 2018).

Truyện ngắn: Bùi Quang Khánh

Tin cùng chuyên mục