Động lực sáng tác của Lê Na

- Tôi quen nhà thơ Lê Na, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam khá lâu, nhưng mới phát hiện ra ông có niềm đam mê bất tận với đá cảnh. Số đá này với số lượng lên tới hàng trăm hòn, ông không để ở nhà riêng ở phường Phan Thiết mà mang vào nhà bố đẻ ở xóm 2, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) để trưng bày. Đá có hòn to, hòn nhỏ có hình thù, màu sắc lạ khác nhau. Tựu trung trong số đá chính là việc ông dùng bút phủ ghi ngày tháng, địa danh nhặt đá. Mỗi hòn đá đều gắn một kỷ niệm nào đó với nhà thơ Lê Na, đa phần liên quan đến việc sáng tác.

Mời khách một chén nước chè, nhà thơ Lê Na tâm sự, mỗi lần đi xâm nhập thực tế sáng tác, nhà thơ Lê Na lại có thú nhặt một hòn đá tâm đắc mang về làm kỷ niệm. Như chuyến đi viết bài ở Khấu Lấu, Tân Trào (Sơn Dương) tháng 3-2021 ông cũng lấy một hòn đá. Rồi có lần ông khệ nệ bê một hòn đá 26 kg từ bến Phà Hiên về.

Ông bảo thời kỳ chống thực dân Pháp ông nội ông từng trong tổ lái phà ở đó. Đi thăm ông bạn nhạc sỹ Tăng Thình ở Nà Coóc, Xuân Quang (Chiêm Hóa), nhà thơ Lê Na không quên đeo bên túi dết một hòn đá. Khi đi các trại sáng tác văn học, dù xa như núi Kỳ Lân, Ninh Bình; Tam Kỳ, Quảng Nam; ghềnh Đá Đĩa Phú Yên, địa danh Nha Trang, Tam Đảo, Cúc Phương… ông vẫn phải có đá mang về bằng được.

Nhà thơ Lê Na có thói quen dùng bút phủ viết thời gian, địa điểm nhặt đá.

Nhà thơ Lê Na cho biết, trong lúc viết lách căng thẳng, ông thường có thói quen ra ngắm đá. Đá cho ông động lực sáng tác ghê gớm. Nhìn đá cho ông bao kỷ niệm, nhìn đá tâm hồn ông lại thư thái lạ thường. Ông đã có hẳn một bài tản văn về đá. Nào là ông kể chuyện hòn đá thiêng ở đình Tân Trào, đá vọng phu, đá trong mỹ nghệ, đời sống. Trong thời gian tới, ông vẫn tiếp tục thú chơi đá cảnh gắn với những địa danh lịch sử, văn hóa, phong cảnh nổi tiếng. Sau đó đóng giá trưng bày hai bên sảnh ngoài sân. Việc sắp xếp đá cũng theo khu vực cho khách xem dễ hiểu. Qua ngắm đá biết nhà thơ Lê Na đi rất khỏe. Số đá nhiều cũng đồng nghĩa những tác phẩm nơi đó cũng ra lò. Ở cái tuổi 67, nhà thơ Lê Na được đánh giá là tác giả viết khỏe, đều tay, chịu khó đi thực tế cơ sở.

Nhà thơ Lê Na tên thật là Lương Đình Na, sinh năm 1956 cầm tinh con khỉ. Quê gốc ông ở Hà Nam, song sinh ra và lớn lên ở Kim Phú (TP Tuyên Quang). Học trường làng ở Kim Phú, lên cấp 3 học THPT Tân Trào, rồi được gọi đi bộ đội. Thấy ông có trình độ văn hóa nên bên Công an tuyển chọn, cho đi học trường Hạ sỹ quan Công an Việt Bắc tại Thái Nguyên. Ra trường ông về công tác tại Phòng Bảo vệ nội bộ, sau đó sang Phòng Chính trị Công an tỉnh Hà Tuyên. Ông tiếp tục được cử đi học chuyên ngành Luật tại Đại học An ninh. Do có tý năng khiếu văn chương nên ông được giao viết bài tham gia Bản tin nội bộ, Văn nghệ Công an tỉnh Hà Tuyên. Thời gian sau, nhà thơ Lê Na được phân sang công tác tại Đội Ma túy của Phòng Hình sự, về hưu năm 2007 với hàm trung tá.

Về hưu có thời gian, năng lượng sáng tác của nhà thơ Lê Na bùng nổ, dữ dội. Ông sáng tác đều tay ở mảng thơ, truyện ngắn, ký, tản văn. Riêng tiểu thuyết là ông chưa viết. Đến nay, nhà thơ đã in 4 tập thơ riêng và chung như Gửi tình về núi - tập thơ, NXB Công an 2001; Dọc miền lau - tập thơ, NXB Hội Nhà văn 2009; Năm nhành lục bát - tập thơ, NXB Hội Nhà văn 2010; Thôi đừng làm sóng - tập thơ, NXB Văn hóa dân tộc 2014.

Những sách in chung và in riêng của nhà thơ Lê Na.

Nhà thơ Lê Na thích thơ lục bát, song theo nhà thơ làm thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay. Để thơ hay đòi hỏi sự tinh tế, sâu sắc của tác giả. Về tản văn ông thích bài Mùa chim héc, Nơi cài dao, Cây rơm, Đá. Còn truyện ngắn độc giả còn nhớ Chuyện ông Vấu, Lúa đồng xào xạc, Chè chốt, Buổi chiều gặp lại, Chuyện tình người điên.

Quan điểm sáng tác của ông là tìm tòi viết những cái mới với giọng điệu ngôn ngữ riêng, viết phải có cảm xúc. Nhà thơ Lê Na nói tốt, thông thạo tiếng Cao Lan, biết tiếng Tày, Dao, Mông. Đây là cơ sở cho ông thâm nhập thực tế đời sống, văn hóa của đồng bào. Nên đề tài của nhà thơ đều khai thác sâu vấn đề lịch sử, văn hóa, dân tộc, miền núi. 

Công sức, tâm huyết sáng tác của nhà thơ Lê Na cũng được đền đáp, ghi nhận bằng nhiều giải thưởng danh giá. Tiêu biểu có giải C tập thơ Dọc miền lau do Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao năm 2010; giải nhì truyện ngắn Lúa đồng xào xạc, Chè chốt tại Cuộc thi truyện ngắn Tuyên Quang năm 2019 và 2022; giải C thể loại ký Từ trên đỉnh núi Chạm Chu, cuộc thi Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới năm 2022. Hiện nay Lê Na cộng tác thường xuyên với tạp chí Văn nghệ Tuyên Quang, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an, tạp chí văn nghệ các địa phương và Báo Dân tộc và Phát triển. Ông bật mí năm nay in truyện ngắn Giọt máu lưng đèo.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục