Xu hướng viết tự truyện của người nổi tiếng

- Vài năm trở lại đây, trào lưu người nổi tiếng viết tự truyện, hồi ký nở rộ và chiếm vị trí nhất định trong đời sống văn học. Mỗi nhân vật gắn liền với hoàn cảnh sống và giai đoạn lịch sử khác nhau. Khi tác giả viết tự truyện, toàn bộ quá trình đó được tái hiện một cách sinh động thu hút độc giả. Nhiều cuốn sách ở thể loại này trở thành hiện tượng xuất bản có số lượng phát hành đáng mơ ước với người cầm bút.

Theo nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tự truyện là một dạng văn xuôi tự sự do một người có thật ngược dòng thời gian kể lại đời mình, nhấn mạnh tới cuộc sống cá nhân. Tự truyện thường được xếp vào thể loại phi hư cấu mang đến cho độc giả niềm tin về một hình ảnh chân dung người viết chính xác và trung thành với tác giả ngoài đời thực. Vì thế với tự truyện, người đọc dễ dàng đồng cảm, sẻ chia bởi tính chất “có thực” chứ không phải những nhân vật được hư cấu trong tiểu thuyết, truyện ngắn.

Trong dòng chảy văn học Việt Nam, tự truyện xuất hiện từ lâu. Trước đây thường do các nhà văn chuyên nghiệp thành danh thực hiện. Điển hình như: Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Tuổi thơ im lặng của Duy Khánh, Vượt Côn Đảo Phùng Quán, Cát bụi chân ai Tô Hoài… Mỗi cuốn tự truyện đều đem lại cho người đọc những câu chuyện cuộc đời hấp dẫn và thú vị, đi sâu vào thế giới của nhân vật đó người đọc sẽ được cung cấp thêm những thông tin về chuyện nghề, chuyện đời, thời thế...

Người trẻ tìm đọc tự truyện An nhiên mà sống của tác giả Lê Đỗ Quỳnh Hương.

Ngày nay do sự mở cửa văn chương cũng như các nhà xuất bản, nhiều văn nghệ sỹ, người nổi tiếng có trào lưu viết sách tự truyện. Bên cạnh việc ghi lại những cảm xúc, những câu chuyện của tuổi thơ, hành trình nổi tiếng, nhiều nghệ sỹ còn xem viết sách, ra mắt tự truyện là một trong những hình thức kể chuyện đời tư để khán giả đến gần hơn với họ. Nhiều cuốn tự truyện làm mưa làm gió ngay từ mới xuất bản như: Chạm tới giấc mơ của Sơn Tùng M-TP, Cỏ hạnh phúc của Hari Won, Lột xác của Lâm Khánh Chi, 50 - Hồi ký không định xuất bản của nhạc sỹ Quốc Bảo, Vàng Anh và Phượng Hoàng của ca sỹ Hoàng Thùy Linh, Lê Công Vinh - Phút 89 của cựu cầu thủ Lê Công Vinh…

Trong đó, cuốn tự truyện Lê Vân - Yêu và sống vẫn được coi là một hiện tượng xuất bản. Hơn 2 vạn bản in đến với độc giả trong sự tò mò háo hức bởi câu chuyện, bí mật ẩn giấu bao năm liên quan gia đình, sự nghiệp của Nghệ sỹ Ưu tú Lê Vân.

Hoa hậu Hương Giang chuyển giới Quốc tế từng ra mắt cuốn tự truyện Tôi vẽ chân dung tôi. Với nội dung kể về hành trình chuyển giới, câu chuyện mang đến một đề tài mới mẻ, thu hút khán giả. Với ngôn từ giản dị, thực tế và đầy ám ảnh, Hương Giang đã mang đến cái nhìn toàn diện, chân thật cũng như nỗ lực khát vọng tìm lại chính mình, khẳng định tài năng bản thân một cách phi thường. Với giá trị nhân văn cao quý, Tôi vẽ chân dung tôi trở thành một trong những cuốn sách bán chạy khi vừa ra mắt.

Em Vũ Văn Nam, sinh viên sư phạm Văn, trường Đại học Tân Trào chia sẻ, tự truyện là thể loại nhiều tự sự, giàu tính chân thực khiến độc giả yêu thích văn chương thích tìm đọc. Qua đó học được những bài học từ những sai lầm, những vấp ngã trong cuộc đời của nhân vật cũng như được truyền cảm hứng về sự nỗ lực của họ. Em thích nhất đọc tự truyện An nhiên mà sống của Lê Đỗ Quỳnh Hương.

Tuy nhiên, bên cạnh những nghệ sỹ viết tự truyện một cách chân thực gửi đến độc giả để giúp người hâm mộ đến gần hơn với mình, tìm được những bài học, truyền được cảm hứng tích cực thì vẫn còn một số cuốn tự truyện tạo ra sự bàn cãi. Đó là tính chân thực chưa được xác minh, viết ra chỉ để hâm nóng tên tuổi đã bị nguội lạnh, viết để PR bản thân.

Tự truyện người nổi tiếng là câu chuyện cá nhân, thế nhưng khi được chuyển thể thành sách thì cần tạo ra giá trị cho xã hội. độc giả bất cứ thời đại nào khi cầm cuốn sách cần những trang viết rộng lớn hơn chuyện của từng cá nhân, để khi gập trang sách lại thấy được ánh hào quang từ cuốn sách tỏa ra, được truyền cảm hứng sống, nỗ lực vươn lên dù bất cứ hoàn cảnh nào.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục